Sự giàu và nghèo của các dân tộc: Cái nhìn thấu đáo vào quá khứ và bài học thành bại cho các quốc gia

16/06/2020 12:39 PM | Xem - Đọc

Khi nhìn lên bản đồ thế giới hay quả địa cầu, một điều rõ ràng ai cũng thấy chỉ sau một cái đưa mắt nhìn qua: số quốc gia giàu rất ít, còn số quốc gia nghèo lại rất nhiều. Và tất nhiên, bởi con người là những sinh vật duy lý, cho dù không phải ai cũng là một chuyên gia nghiên cứu lịch sử kinh tế đi chăng nữa, chắc hẳn vẫn có lúc mỗi chúng ta tự hỏi mình: "Tại sao lại thế?"

Đây có lẽ là một trong những câu hỏi đã ám ảnh các nhà nghiên cứu từ nhiều thế kỷ nay, từ khi các khái niệm quốc gia, quốc gia-dân tộc và dân tộc dần định hình. Nhiều câu trả lời đã được đưa ra, mỗi câu trả lời đều viện dẫn ra những minh chứng hết sức thuyết phục. Song dường như tất cả những câu trả lời đó đều có điểm chung: đúng nhưng chưa đủ.

Điều này ngẫm lại cũng hợp lý, bởi sự giàu hay nghèo của một dân tộc hay một quốc gia là kết quả đầu ra của một quá trình với vô vàn yếu tố đầu vào, và các yếu tố đầu vào này không những có rất nhiều mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau, mà số lượng, tầm quan trọng và cách thức chúng liên hệ, tác động lên nhau cũng không ngừng thay đổi theo thời gian.

Giàu-nghèo và sự khác biệt giữa hai trạng thái sở hữu vật chất này, cùng sự khác biệt về quyền lực, tiện nghi, an ninh và nhiều hệ quả đi kèm khác, đã khiến cho giàu có trở thành mục đích phấn đấu, thành thỏi nam châm có sức hút mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì khác với con người, đồng thời cũng trở thành nguyên nhân hay gặp nhất cho thù hận, xung đột giữa con người, dù là hai cá thể (như câu chuyện trứ danh giữa hai anh em ruột Cain và Abel trong Kinh Thánh) hay giữa các quốc gia (mà minh chứng rõ rệt nhất, gần đây nhất là hai cuộc thế chiến tàn khốc trong nửa đầu thế kỷ 20).

Từ những bài học trong quá khứ, các chuyên gia, những nhà hoạch định chính sách đều ý thức được tìm hiểu thấu đáo nguyên do tạo nên giàu, nghèo của các quốc gia, dân tộc, để rồi từ đó có phương thức hiệu quả để giúp cho sự khác biệt giàu nghèo này được khống chế trong một phạm vi phù hợp sẽ là chìa khóa cho một thế giới bình ổn hơn, có lợi hơn với tất cả mọi người.

Ngay cả các quốc gia giàu có cũng đã nhận thức được giúp đỡ các quốc gia nghèo một cách chân thành, hiệu quả phục vụ không chỉ cho lợi ích của những quốc gia nghèo mà cho cả các quốc gia giàu. Vì cảnh nghèo đói, bất ổn ở các quốc gia chậm phát triển chính là động lực tạo nên dòng người di cư bất hợp pháp như một cuộc "xâm lược ngầm" gây nên sự bất ổn cho xã hội của các nước giàu có, phát triển mà không biện pháp mạnh tay nào (siết chặt quy định nhập cư, trục xuất, phong tỏa biên giới, v.v.) có thể ngăn cản được.

Sự giàu và nghèo của các dân tộc: Cái nhìn thấu đáo vào quá khứ và bài học thành bại cho các quốc gia - Ảnh 1.

Trong một nỗ lực toàn diện và khoa học để lý giải vấn đề giàu nghèo của các quốc gia, dân tộc, David S. Landes đã áp dụng một cách tiếp cận đa chiều, đa biến trong "Sự giàu và nghèo của các dân tộc". Tác giả đã nhấn mạnh ngay từ đầu sự khó khăn của việc đưa ra một câu trả lời khách quan thực sự về những yếu tố làm nên thành bại trong con đường tìm tới sự phồn thịnh của các quốc gia, dân tộc.

Sự khó khăn này nằm trước hết ở chỗ nó đòi hỏi người ta phải tránh rơi vào tuyệt đối hóa, cực đoan hóa tầm quan trọng của một yếu tố này hay yếu tố khác, đồng thời cũng phải tránh rơi vào chủ nghĩa trung bình, cào bằng tầm quan trọng của mọi yếu tố có liên quan. Nhất là khi trong số này lại hàm chứa cả những yếu tố hết sức tế nhị như đặc trưng trong tính cách các dân tộc, ảnh hưởng tôn giáo. Đây là những yếu tố mà việc đánh giá ảnh hưởng không khác gì đi trên dây vì rất dễ rơi vào vùng cấm địa của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, kỳ thị tôn giáo.

Trong cuốn sách của mình, Landes đã trước hết chỉ ra những yếu tố quan trọng, rõ ràng nhất tác động tới vận mệnh của mỗi quốc gia, dân tộc, gồm những yếu tố về tự nhiên và yếu tố về con người, cũng như những tác động qua lại giữa chúng. Và phần lớn cuốn sách đi sâu vào phân tích câu chuyện thành công kinh điển của châu Âu. Tại sao không phải các dân tộc nào khác mà lại là một số dân tộc ở châu Âu vươn lên chiếm phần quan trọng trong "mâm trên" của các quốc gia giàu có, quyền lực?

Ngạn ngữ phương Tây có nói: "Roma không được xây trong một ngày." Landes đã không hài lòng với việc bắt đầu câu chuyện thành công của châu Âu từ cuối thế kỷ 15, khi châu Âu bắt đầu những bước chân bành trướng thế lực đầu tiên ra bên ngoài biên giới địa lý của mình vì mục đích rõ ràng là tìm kiếm sự giàu có, mà truy ngược lại ngọn nguồn từ những mầm mống đầu tiên đặt nền móng cho sự trỗi dậy và dành quyền thống trị đó của châu Âu.

Luôn giữ cho mình tư duy khoa học chặt chẽ và khách quan, Landes cũng vạch rõ cả những nguy cơ của thất bại luôn song hành cùng "con đường tới thành công" đó của các dân tộc châu Âu. Tại sao với một số dân tộc châu Âu, thành công, thịnh vượng, giàu có trở thành câu chuyện dài liên tục, trong khi với số khác đó chỉ là một tia chớp thoáng qua trước khi các dân tộc này tụt hậu, trở lại với sự nghèo đói, một sự nghèo đói còn đượm vị đắng cay hơn sau khi họ đã nếm qua mùi vị giàu sang quá dễ dàng trước đó? Và câu chuyện thành công cũng không hoàn toàn là độc quyền của một số dân tộc châu Âu.

Landes đã dành chỗ cho câu chuyện thành công của cả những dân tộc ngoài châu Âu một phần xứng đáng trong cuốn sách của mình. Cùng những phân tích, minh chứng cho thấy con đường đến với thành công không có lộ trình duy nhất, mà nhìn chung là một con đường vừa làm vừa sửa, học hỏi và thích ứng, để rồi dân tộc nào học hỏi nhanh nhất, tốt nhất, thích ứng phù hợp nhất, sẽ cán đích thịnh vượng với cái giá phải trả vừa phải nhất.

Qua sự phân tích có hệ thống của mình, Landes chỉ ra tính song đề của sự giàu, nghèo với các quốc gia, dân tộc. Một mặt, sự giàu, nghèo đó chịu tác động quan trọng của sự bất đồng trong xuất phát điểm (điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, v.v). Mặt khác, trong vô vàn những biến số, Landes cũng đã chỉ ra những điểm bất biến mà không quốc gia, dân tộc giàu có, phát triển nào thiếu vắng: đó là những phẩm chất, tính cách ở tầm dân tộc và các định chế xã hội thích hợp để thúc đẩy con người làm giàu một cách hiệu quả, nhưng đồng thời cũng cho phép giữ cho chênh lệch giàu-nghèo không gây ra những bất ổn, phân hóa có thể gây khủng hoảng, thậm chí là dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống xã hội cũng như quốc gia.

"Sự giàu và nghèo của các dân tộc" do đó là một cái nhìn thấu đáo, toàn diện vào quá khứ, những bài học từ các câu chuyện thành bại đã đến với các quốc gia, các dân tộc. Gấp sách lại, chúng ta có thể học được từ Landes: chẳng có công thức màu nhiệm, bất bại nào cho sự thịnh vượng của một quốc gia hay một dân tộc. Song mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có thể nhìn vào quá khứ để hiểu cần trang bị cho dân tộc mình những gì để có cơ may bứt lên trong cuộc đua hướng tới sự phồn vinh.

Dịch giả Lê Đình Chi

Cùng chuyên mục
XEM