5.000 người đánh nhau nhập viện chỉ trong 6 ngày Tết, người Việt đang ngày càng hung hãn?

17/02/2016 08:50 AM | Sống

TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Viện Điều tra Dư luận Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã phải 'lắc đầu' khi nói về tình trạng người Việt đánh nhau trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 ngày Tết (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), cả nước có gần 5.121ca phải nhập viện vì đánh nhau, trong đó có 13 ca tử vong.

Cụ thể, chỉ trong 3 ngày nghỉ Tết đầu tiên (28 tháng Chạp đến mùng 1 Tết), trường hợp phải nhập viện vì đánh nhau lên đến gần 2.000 ca. Còn các ngày kế tiếp, mỗi ngày cũng có hơn 300 ca nhập viện vì đánh nhau.

Con số trên đã gióng lên một chuông cảnh tình về tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, nhường chỗ cho thói vô cảm lên ngôi. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Viện Điều tra Dư luậnXã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về thực trạng này.

Thưa ông, con số gần 3.500 ca nhập viện vì đánh nhau trong 6 ngày Tết Nguyên đán vừa qua nói lên điều gì?

Gần 3.500 người nhập viện vì đánh nhau ngày Tết chỉ là con số Bộ Y tế nắm được, là "phần nổi của tảng băng chìm", còn chắc chắn số liệu thực tế lớn hơn nhiều. Có những người đánh nhau nhưng không đến mức thương tích phải đưa vào viện, cũng có người thương tích nhưng lại điều trị ở nhà...

Tuy nhiên, chỉ với con số này thôi đã khiến chúng ta phải giật mình, tự hỏi rằng phải chăng thói vô cảm của xã hội đang lên ngôi? Như một số nhà xã hội đã cảnh báo, người Việt Nam ngày nay trở nên quá hung hãn.

Có những sự việc quá đỗi bình thường nhưng cũng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với nhau. Phải chẳng trong đầu óc họ thường xuyên có ấm ức, bức xúc đối với các vấn đề trong cuộc sống mà không có dịp, không có đối tác để họ xả ra?

Điều này, theo tôi có lẽ cũng phản ánh một điều gì đó liên quan đến tình hình bất ổn của xã hội.

Nguyên nhân của sự đụng chạm, đánh nhau này do đâu, thưa ông?

Tất nhiên, Tết đến xuân về sự dịch chuyển, tham gia giao thông tăng, xu hướng đụng chạm lên đến đỉnh điểm, có người kìm nén được, có người không.

Không thể ngoại trừ nồng độ trong cơ thể khiến xung đột, va chạm với nhau cũng nhiều hơn.

Theo số liệu cảnh báo, người Việt Nam là quốc gia uống bia đứng thứ 3 Châu á, top đầu thế giới. Hàng năm, Việt Nam chi 3 tỷ đô la để uống 3 tỷ lít bia. Chuyện sử dụng bia, đồ uống có cồn cũng góp vào bức tranh xung đột ngày càng gay gắt.

Nhiều người cho rằng, bia rượu không phải là nguyên nhân chính, ứng xử của con người với con người với nhau thực sự đang có vấn đề, đặc biệt là thanh niên, ông nghĩ sao?

Thế hệ thanh niên là những người bộc trực, dễ thể hiện bằng ngôn ngữ, cử chỉ, vũ đạo khi muốn tự mình thiết lập trật tự. Họ tự hiểu rằng họ làm như thế là để cân bằng xã hội.

Chúng ta cảnh báo về xã hội bất ổn, hay nói rằng thanh niên ngày nay sống lệch lạc trong tư tưởng nhưng phải hiểu rằng trong lòng xã hội lệch lạc, nảy sinh nhiều vấn đề dẫn đến thanh niên nảy sinh nhiều tiêu cực.

Như vậy, tác động của những hành vi, bạo lực trên ảnh hưởng thế nào đến tình hình xã hội - kinh tế, thưa ông?

Thực tế, những vụ việc đánh nhau vào nhập viện sẽ tạo nên hình ảnh xã hội méo mó, tinh thần thiếu lạc quan cảu xã hội, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Bởi vì đánh nhau, nhập viện, tác động đến nguồn nhân lực, làm cho trì trệ sự phát triển của xã hội, guồng máy an sinh phải dừng lại giải quyết nảy sinh những va chạm đó...

Đó còn chưa kể đến số liệu thống kê của các ngành khác liên quan đến tội phạm, tội ác...

Điều này đưa ra cảnh tình rằng chúng ta phải rà soát hàng loạt, làm lành mạnh hóa xã hội hơn nữa. Nếu xã hội an lành hơn, thì đi trong lòng xã hội đó con người không cảm thấy bất an và hạnh phúc hơn.

Theo ông, làm thế nào để đẩy lùi tình trạng này trong thời gian tới?

Lấy ví dụ thế này, trong lĩnh vực sức khỏe, có những người trong tình trạng như nhau, nhưng bệnh tật phát triển khác nhau vì phụ thuộc vào cơ địa, và phụ thuộc vào năng lực kiểm soát tự thân của họ.

Vậy thì cũng là va chạm nhưng có người chịu đựng được, kiềm chế được cảm xúc, không gây ra đụng chạm, nhưng có người lại không kìm giữ được.

Cái quan trọng là phụ thuộc vào nền tảng giáo dục ngay từ gia đình, xã hội và trong quá trình tham gia vào xã hội, con người ta tùy thuộc vào bản lĩnh, có được kỹ năng để vượt qua những thách thức, xung đột bất mãn hay không?

Còn nói riêng, làm sao gỡ được thì rõ ràng đầu tiên phải từ mỗi gia đình phải có truyền thống, giáo dục tốt, rèn luyện, trang bị kỹ năng cho con cái.

Tất nhiên đều dựa trên chủ đích chung là đổi mới cả hệ thống xã hội. Việc này không phải ngày một ngày hai mà phải lâu dài và cần vào cuộc từ mỗi gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM