Shark Việt bật mí 5 điều doanh nghiệp cần “phanh gấp” để sống còn qua thời Covid: “Giảm mà tăng”, ở nhà cũng phải tự học thêm để nâng cao trình độ!

04/04/2020 14:00 PM | Kinh doanh

Đồng thời, các doanh nghiệp nên tận dụng, nắm lấy cơ hội từ những chính sách hỗ trợ của chính phủ trong thời gian này.

Đánh giá Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng 10 năm chưa từng có và thực sự nghiêm trọng với kinh tế toàn thế giới, shark Việt cho rằng các doanh nghiệp phải thực hiện những biện pháp "phanh gấp" để có thể sống sót qua dịch bệnh.

Đây là 5 điểm mà vị cá mập "ông nội" đề xuất doanh nghiệp phải thực thi càng sớm càng tốt.

Đầu tiên, xem xét và cân đối, đồng thời điều chỉnh lại kế hoạch dòng tiền.

Tiền được ví như oxy của tất cả các doanh nghiệp. Họ phải tự trả lời được câu hỏi rằng mình có khả năng sản sinh ra dòng tiền không? Ít hay nhiều? Nếu đang ít thì chi tiêu thế nào? Cần phải cân bằng tốt dòng tiền, vì hết tiền thì doanh nghiệp sẽ chết.

Đồng quan điểm, chị Lê Hàn Tuệ Lâm – Giám đốc Khu vực Quỹ Nextrans cũng từng chia sẻ: "Trong thời kỳ khủng hoảng, tất cả đều khó khăn nên không ai đưa tay ra cứu chúng ta được, họ còn phải giải quyết những khó khăn của mình trước. Chính vì thế mà chỉ có thể dựa vào chính mình, nhiều hơn bất kỳ lúc nào hết. Theo quan điểm của tôi, vấn đề quản trị dòng tiền là yếu tố then chốt để giúp startup duy trì oxy cho doanh nghiệp trong mọi cơn bão, kể cả cuộc khủng hoảng lần này."

Thứ hai là biện pháp "giảm mà tăng". 

Theo Shark Việt: "Giảm ở đây là cân đối lại kế hoạch nhân sự, có thể nghỉ luân phiên, giảm biên chế. Dẫu vậy, bản thân người lãnh đạo và nhân viên dù nghỉ, ở nhà chờ việc thì cũng cần ý thức rằng chúng ta phải tự học thêm. Thị trường ngày càng biến động, trình độ của lãnh đạo và nhân viên càng phải tiến bộ hơn nữa.

Thiết bị và vật tư tiêu hao hay chi phí quản lý cũng phải tiết kiệm. Nếu không, tích tiểu thành đại, chúng ta sẽ khó khăn."

Trong khi đó, tăng có nghĩa rằng dù giảm chi phí, giờ làm nhưng hiệu quả sản xuất, làm việc phải được nâng cao.

Thứ ba, xem xét lại chi phí marketing.

"Khi kinh tế có dấu hiệu suy giảm mà chi phí marketing không giảm, ta sẽ thất bại. Cần giảm thế nào cho hợp lý lại là sự đánh giá của nhà quản trị và các bộ phận liên quan, phải có sự thích ứng với thị trường chứ không đơn giả là sự giảm cơ học."

Điều tiếp theo là vấn đề thị trường. 

Theo ông, đây là lúc doanh nghiệp nên cố gắng giữ gìn những mối quan hệ với các đối tác, bạn hàng, qua đó có thể giảm chi phí bán hàng với họ - những khách hàng truyền thống. Mặt khác, cần đầu tư hợp lý cho những khách hàng mới.

Cuối cùng, các doanh nghiệp nên tận dụng, nắm lấy cơ hội từ những chính sách hỗ trợ của chính phủ trong thời gian này.

Shark Việt bật mí 5 điều doanh nghiệp cần “phanh gấp” để sống còn qua thời Covid: “Giảm mà tăng”, ở nhà cũng phải tự học thêm để nâng cao trình độ! - Ảnh 1.

PV

Cùng chuyên mục
XEM