Samurai hỏi "thế nào là thiên đường địa ngục?", Thiền sư mắng "đồ ngốc" và bài học đằng sau giúp bao người tỉnh ngộ

18/11/2019 00:45 AM | Sống

Triết lý nhà Phật thật chẳng có gì huyền bí, khái niệm sống tốt sẽ được đến thiên đường, sống ác sẽ bị bắt vào địa ngục đã nằm trọn trong câu chuyện dưới đây!

Trong nhiều niềm tin về tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo cho rằng, phàm sinh ra làm người nếu sống tử tế thiện lương cả một đời thì khi chết đi sẽ được đến thiên đường, về cõi Tây Phương Cực Lạc; ngược lại nếu sống ác thì sẽ nhận quả báo, chết đi xuống địa ngục bị Diêm Vương xử tội.

Tất nhiên, những niềm tin nhuốm màu tâm linh như thế này thường chẳng có ai có thể khẳng định được tính đúng sai của nó. Nếu thiên đường và địa ngục tồn tại thật, thì người khi chết đi biết được cũng không có cách nào bảo với người sống rằng chúng có thật. Và cũng từ đây, sự mờ ảo của thiên đường và địa ngục đã làm không ít người tò mò.

 Samurai hỏi thế nào là thiên đường địa ngục?, Thiền sư mắng đồ ngốc và bài học đằng sau giúp bao người tỉnh ngộ  - Ảnh 1.

Có câu chuyện ở Nhật Bản xưa kia kể rằng, một vị Samurai thời loạn thế mang theo sự hiếu kỳ của mình về thiên đường và địa ngục đến hỏi một lão Thiền sư rằng: “Thế nào là thiên đường và địa ngục?”.

Cứ nghĩ lão Thiền sư là một người tu tập, tinh thông am hiểu đất trời vạn vật sẽ giúp mình trả lời được câu hỏi này, vị Samurai cứ thế vui mừng chờ đợi lời đáp. Tuy nhiên, bất ngờ thay, lão Thiền sư chẳng những không làm thỏa mãn được vị Samurai mà trái lại còn khiến anh ta tức giận bởi Ngài đã ung dung đáp: “Đồ ngốc!”.

 Samurai hỏi thế nào là thiên đường địa ngục?, Thiền sư mắng đồ ngốc và bài học đằng sau giúp bao người tỉnh ngộ  - Ảnh 2.
 Samurai hỏi thế nào là thiên đường địa ngục?, Thiền sư mắng đồ ngốc và bài học đằng sau giúp bao người tỉnh ngộ  - Ảnh 3.

Cảm thấy mình bị xúc phạm, vị Samurai phẫn uất tột cùng và trong cơn nóng giận đã rút thanh kiếm ra định vung chém chết lão Thiền sư. Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, trước khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết cận kề này, lão Thiền sư vẫn không biểu lộ chút gì là lo sợ, Ngài nhìn sâu vào đôi mắt hừng hực sát khí của vị Samurai rồi nói tiếp: “Đây chính là địa ngục”.

Vị Samurai nghe xong gần như á khẩu, anh ta bẽn lẽn hạ kiếm xuống, nét mặt dịu lại, một lúc sau thì mỉm cười đợi lắng nghe câu trả lời tiếp theo của lão Thiền sư. Nhanh chóng thôi, nhìn vào vị Samurai lúc này, lão Thiền sư lại nói: “Đây là thiên đường!”. Ngẫm nghĩ hồi lâu, vị Samurai liền ngộ ra những gì mà lão Thiền sư nói. Cuối cùng, anh quỳ xuống sám hối với lão Thiền sư và xin từ biệt ra về.

 Samurai hỏi thế nào là thiên đường địa ngục?, Thiền sư mắng đồ ngốc và bài học đằng sau giúp bao người tỉnh ngộ  - Ảnh 4.

Vậy cái mà vị Samurai ngộ ra là gì? Không gì khác, nó chính là chữ “tâm”. Ranh giới giữa thiên đường và địa ngục thực chất chỉ cách nhau có một sợi tóc và “tâm” chính là sợi tóc ấy. Khi tâm chúng ta thay đổi, thế giới nội tại bên trong thay đổi sinh ra: hoặc là vui vẻ hạnh phúc hoặc là khổ đau giận dữ. Vui vẻ hạnh phúc há chẳng phải thiên đường rồi sao? Còn khổ đau giận dữ lại là địa ngục đấy thôi.

Trong đời sống, nếu sống tử tế, yêu thương chan hòa với mọi người xung quanh, đêm đến chúng ta ngủ một giấc an lành, thì thiên đường chẳng ở đâu xa cả, thực ra chúng ta đang ở thiên đường mà không biết. Còn nếu cứ hay nóng giận, bày kế hại người này hại người kia, tối đến ngả lưng lên giường vẫn còn lo sợ bị trả thù,... rõ ràng cuộc đời này khác gì địa ngục đâu, chỉ toàn khổ đau và cảm xúc tiêu cực.

 Samurai hỏi thế nào là thiên đường địa ngục?, Thiền sư mắng đồ ngốc và bài học đằng sau giúp bao người tỉnh ngộ  - Ảnh 5.

Triết lý nhà Phật thật chẳng có gì huyền bí, khái niệm sống tốt sẽ được đến thiên đường, sống ác sẽ bị bắt vào địa ngục đã nằm trọn trong câu chuyện trên. Vậy nên, hy vọng rằng qua đây mọi người sẽ góp nhặt về được cho mình một bài học đắt giá với thông điệp: Thiên đường hay địa ngục là do tự mỗi chúng ta tạo ra bằng thái độ và cách sống của chính mình. Hạnh phúc hay khổ đau - chúng ta hoàn toàn có quyền chọn lựa!

Theo OLD FASHIONED

Cùng chuyên mục
XEM