Đây là lỗi 99% lãnh đạo sẽ mắc phải nếu không để ý
Các nhà lãnh đạo là dành quá nhiều thời gian trong văn phòng riêng và quá ít thời gian với nhân viên.
Một trong những sai lầm lớn nhất của các nhà lãnh đạo là dành quá nhiều thời gian trong văn phòng riêng và quá ít thời gian với nhân viên. Lãnh đạo thường bị cuốn theo lịch trình, để tâm quá nhiều đến giải quyết sự vụ vì họ muốn công việc được hoàn tất. Họ ẩn trong “hang” rồi vội vã lao đến phòng họp và lờ đi hết thảy mọi người trong văn phòng khi đi ngang qua.
Đó là một sai làm tai hại! Lãnh đạo là gì nếu không phải là làm việc với con người? Nếu bạn quên mất đi con người, bạn đang tự hủy hoại vai trò lãnh đạo của mình hoặc vô tình làm xói mòn nó. Rồi một ngày kia, khi chợt nhận ra mình đang lãnh đạo con người, bạn phát hiện ra không có ai theo mình cả và bạn lê bước cô đơn.
Tạo dựng mối quan hệ luôn là tiền đề cho khả năng lãnh đạo hiệu quả. Người lãnh đạo quên đi tầm quan trọng của việc tạo dựng mối quan hệ thường có xu hướng dựa vào chức vị của họ. Hoặc là, họ khy vọng năng lực có thể giải quyết mọi vấn đề. Đúng là lãnh đạo giỏi thì có năng lực, nhưng họ còn cần chú ý chăm sóc các mối quan hệ với mọi nhân viên thuộc quyền.
Cách tốt nhất giúp bạn giữ được mối quan hệ với mọi người đồng thời nắm được tiến độ thực hiện công việc của họ là đề cập đến công việc một cách thân thiện khi lướt qua đám nhân viên. Khi gặp nhân viên ở bãi gửi xe, hãy trò chuyện với họ. Đến họp sớm hơn một chút nhưng đừng vội bắt đầu mà dành thời gian nói chuyện với họ. Và hãy chậm rãi qua khu làm việc của nhân viên, nói chuyện với họ và tạo cho họ cơ hội bày tỏ với bạn. Sau đây là vài gợi ý giúp bạn gần hơn với nhân viên.
1. Hãy chậm lại
Để kết nối với mọi người, bạn nên di chuyển với vận tốc của họ. Khi kết nối với cấp trên, có thể bạn cần tăng tốc. Mặc dù điều này không phải luôn đúng nhưng thông thường lãnh đạo càng cao thì có năng lượng càng lớn và tư duy rất nhạy bén.
Ngược lại, khi bạn nhìn xuống, phần lớn mọi người đều di chuyển chậm hơn bạn. Một phần vì họ có ít thông tin để xử lý hơn, một phần vì họ có ít kinh nghiệm hơn.
Đa số những người có thiên hướng làm lãnh đạo đều nhanh nhẹn bẩm sinh. Nhưng nếu bạn muốn trở thành lãnh đạo giỏi hơn, bạn thật sự cần đi chậm lại. Bạn có thể di chuyển nhanh hơn nếu đi một mình, bạn có thể một mình gặt hái nhiều vinh quang cá nhân. Nhưng để lãnh đạo, đưa tổ chức cùng tiến lên, bạn cần đi chậm lại để kết nối, dẫn dắt mọi người. Lãnh đạo giỏi không phải là người cán đích đầu tiên mà là người đầu tiên đưa tất cả nhân viên của mình đi qua vạch đích.
2. Thể hiện sự quan tâm
Tất cả mọi người đều khao khát sự liên lạc cá nhân từ người nào quan tâm tới mình. Điều này cũng tương tự như việc bạn sẽ vui mừng ra sao khi nhận được một bức thư viết tay cẩn thận trong đống thư đánh máy thông thường.
Những người đi theo bạn cũng vậy, họ khao khát được bạn quan tâm đến mình. Đa số đặc biệt hài lòng khi biết rằng sếp quan tâm chân thành và trân trọng họ với tư cách là con người chứ không phải như những lao động chỉ hoàn thành công việc cho sếp hay tổ chức.
3. Cân bằng giữa mối quan tâm cá nhân và quan tâm công việc
Như đã nói ở trên, bạn cần thể hiện sự quan tâm tới nhân viên. Nhưng quan tâm ở mức độ nào? Hãy cân bằng giữa mối quan tâm công việc và cá nhân họ. Quan tâm công việc thể hiện bạn có mong muốn giúp đỡ họ. Quan tâm cá nhân thì sâu hơn, nó thể hiện trái tim bạn. Tuy nhiên bạn cần không được vượt qua giới hạn, không nên tò mò, tọc mạch, hay xâm phạm riêng tư của họ, khiến họ cảm thấy bất an.
Nhà lãnh đạo có thể hỏi những vấn đề rất chung chung hay tình hình của vợ, chồng, con cái họ hoặc sở thích, mối quan tâm bên ngoài của họ.
Vì sao bạn nên quan tâm đến cá nhân nhân viên? Vì khi cuộc sống của họ suôn sẻ thì công việc mới thuận lợi được, bạn có thểm cơ hội để giúp đỡ họ khi gặp sự cố.
4. Chú ý khi người ta bắt đầu lảng tránh bạn
Đa số mọi người bị lệ thuộc vào thói quen. Họ bị nhiễm các khuôn mẫu và thực hiện công việc theo cùng một cách. Khi bạn chậm lại và quen với việc giúp đỡ mọi người, bạn sẽ được cho là gần gũi, thân thiện. Mọi người sẽ ngừng lại hoặc chui ra khỏi “cái tổ” của mình để tán gẫu với bạn. Bạn sẽ dễ dàng thấy tâm trạng của mọi người.
Nếu một người thường ngày rất cởi mở với bạn nhưng tự nhiên tránh mặt thì đây là dấu hiệu cần chú ý. Có thể họ đang gặp vấn đề và cần giúp đỡ nhưng chưa thể cởi mở với bạn hoặc có những tin xấu không muốn chia sẻ.
5. Hãy hướng tới nhân viên rồi nhân viên sẽ hướng tới công việc
Sự khác nhau giữa nhà lãnh đạo và nhà quản lý là mục tiêu quan tâm. Với các nhà quản lý, điều họ quan tâm là công việc, bỏ qua yếu tố con người và thường có kết cục là mất cả hai yếu tố trên. Đối với nhà lãnh đạo, họ quan tâm thiên về con người nhằm hướng tới phá triển luôn cả con người và công việc. Một tổ chức mà con người cũng như nỗ lực của họ được trân trọng thì không có lý do gì công việc của họ cũng như của cả tập thể suôn sẻ và đạt được mục tiêu.