'Quả bom nổ chậm' của Trung Quốc đang đe dọa một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới

18/05/2016 09:05 AM | Kinh tế vĩ mô

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn tại Trung Quốc đang giảm khi 4 đồng Nhân dân tệ cho vay mới thêm được 1 đồng Nhân dân tệ cho GDP, kém hơn nhiều so với tỷ lệ chỉ hơn 1 đồng Nhân dân tệ cho vay thời kỳ trước khủng hoảng 2008.

Trung Quốc đã hành động đúng khi thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và tín dụng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Tuy nhiên, việc hãm phanh đà cho vay trong hệ thống tài chính của nước này đang gặp trục trặc và rất có thể quốc gia này có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro tín dụng lớn trong tương lai.

Tốc độ tăng trưởng nóng của Trung Quốc trong vài thập niên gần đây đã thúc đẩy thương mại, kinh tế và tài chính, nhưng những ngân hàng lớn tại Trung Quốc không muốn quan tâm đến các thị trường nông thôn và hẻo lánh bởi chúng có lợi nhuận thấp.

Hệ quả là những người nông dân hay doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận được với nguồn tín dụng và đây là kẽ hở cho các nguồn tín dụng đen hoạt động. Những người cho vay nặng lãi đã hưởng lợi lớn khi nền kinh tế tăng trưởng nóng, kích thích đầu tư kinh doanh.

Trớ trêu thay, khi nền kinh tế giảm tốc, hàng loạt nông dân và các công ty không đủ khả năng trả mức lãi suất cắt cổ. Hậu quả là hàng loạt vụ phá sản, vỡ nợ diễn ra khiến tâm lý sợ hãi bao trùm thị trường.

Vào tháng 3/2014, tin đồn ngân hàng thương mại Sheyang (SRCB), một ngân hàng địa phương tại Sheyang sắp hết tiền khiến khách hàng xếp hàng dài rút tiền tại trụ sở. Ngân hàng này đã phải xếp hàng chồng tiền mệnh giá 100 Nhân dân tệ (mệnh giá cao nhất) để chứng minh rằng mình không thiếu tiền.

Tuy nhiên, tâm lý lo ngại vẫn lan sang một số ngân hàng khác và Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc (CBA) đã phải ra mặt tuyên bố ngân hàng SRCB hoàn toàn bình thường và sẵn sàng trợ giúp nếu có vấn đề phát sinh.

Mặc dù tình hình đã được kiểm soát và tổng số tiền gửi tại SRCB chỉ vào khoảng 13,5 tỷ Nhân dân tệ (2,1 tỷ USD), tức 0,01% tổng số tiền gủi toàn ngành ngân hàng Trung Quốc nhưng ví dụ này cho thấy rõ ràng sự tiêu cực của mảng tín dụng đen cũng như những vấn đề tồn tại trong hệ thống tài chính nước này.

Vụ ngân hàng Sheyang chỉ là một trong rất nhiều dấu hiệu cho thấy sự bất ổn của hệ thống tài chính Trung Quốc những năm gần đây. Năm 2013, thị trường tài chính Trung Quốc rúng động với tình trạng thiếu tiền mặt gây ảnh hưởng đến lãi suất và chứng khoán.

Năm 2014, hàng loạt tổ chức tín dụng đen phá sản khiến nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng và uy tín của hệ thống tài chính Trung Quốc bị suy giảm nghiêm trọng.

Năm 2015, chứng khoán Trung Quốc chứng khiến những biến động dữ dội. Đầu năm 2016, nhà đầu tư thấy dòng tiền đang rút khỏi Trung Quốc ở mức mạnh chưa từng có.

Đặc biệt, tỷ lệ nợ của Trung Quốc đang tăng chóng mặt, từ 155% GDP năm 2008 lên gần 260% GDP váo cuối năm nay theo ước tính của tờ Economist.

Từ trước đến nay, không có nhiều quốc gia nào vay nợ nhiều đến vậy mà không gặp một cuộc khủng hoảng trong nền kinh tế.

Nếu ngành tài chính Trung Quốc gặp rắc rối, hậu quả mà chúng đem lại là vô cùng lớn khi tài sản nắm giữ của ngành ngân hàng Trung Quốc thuộc hàng lớn nhất thế giới, khoảng 30 nghìn tỷ USD, tương đương 40% GDP toàn cầu.

Top 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc cũng là 4 ngân hàng có nhiều tài sản nhất thế giới. Trong khi đó, thị trường chứng khoán nước này dù đã điều chỉnh nhưng vẫn có tổng mức vốn hóa đạt 6 nghìn tỷ USD, đứng thứ 2 thế giới sau thị trường chứng khoán Mỹ.

Thậm chí tại mảng trái phiếu, Trung Quốc đứng thứ 3 thế giới với 7,5 nghìn tỷ USD phát hành trái phiếu và đang tăng trưởng nhanh.

Chính quyền Bắc Kinh đã ban hành một loạt quy định nhằm hạn chế các hệ thống tài chính quốc tế ảnh hưởng đến thị trường Trung Quốc, nhưng mối liên kết giữa nền kinh tế này với thế giới chỉ ngày càng chặt chẽ hơn.

Nguyên nhân rất đơn giản, sức mạnh thương mại và kinh tế của nước này đã khá lớn và đủ sức gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có trên toàn cầu. Chỉ riêng việc đồng Nhân dân tệ bị điều chỉnh tỷ giá trong năm 2015 và đầu năm 2016 đã khiến hàng loạt thị trường chứng khoán, tài chính, tiền tệ và hàng hóa phải chịu ảnh hưởng.

Bom xịt?

Dẫu vậy, những dự đoán về một cuộc khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc cho đến nay đều không trở thành hiện thực bởi bản chất hệ thống nhà nước Trung Quốc hiện nay. Theo đó, chính phủ sở hữu những ngân hàng lớn nhất và cũng là ông chủ của những con nợ hàng đầu-các công ty quốc doanh.

Chính yếu tố này đã khiến chính quyền Bắc Kinh ở vị thế dễ dàng quản lý hơn so với những nước đã từng lâm vào tình trạng trên.

Hơn nữa, người dân nước này không có nhiều kênh đầu tư và phần lớn gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng, trong khi những chính sách chặt chẽ khiến việc chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư khá khó khăn nếu không có sự đồng thuận từ chính phủ.

Những nguyên nhân trên khiến Trung Quốc có thể thu hút hầu hết tiền tiết kiệm của người dân vào các ngân hàng và sử dụng chúng làm nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà máy, chung cư...qua đó thúc đầy đà tăng nóng của nền kinh tế.

Khi hệ thống tài chính lâm vào tính trạng khó khăn như hồi thập niên 90, chính phủ Trung Quốc đã bơm tiền cho ngành ngân hàng và thúc đẩy việc cho vay trở lại. Những ví dụ từ Đài Loan và Hàn Quốc trước đây cho thấy mô hình tăng cường cho vay có thể đem lại hiệu quả tăng trưởng sau thời gian khủng hoảng.

Bom nổ chậm

Mặc dù vậy, hiện trạng kinh tế của Trung Quốc không cho phép tình trạng cho vay bừa bãi này tồn tại được quá lâu. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn tại Trung Quốc đang giảm khi 4 đồng Nhân dân tệ cho vay mới thêm được 1 đồng Nhân dân tệ cho GDP, kém hơn nhiều so với tỷ lệ chỉ hơn 1 đồng Nhân dân tệ cho vay thời kỳ trước khủng hoảng 2008.

Hơn nữa, dân số đang già hóa và tỷ lệ sinh mới giảm đang khiến các chuyên gia lo lẵng về tương lai kinh tế của quốc gia này.

Ngoài ra, các khoản nợ xấu trong 10 năm qua đang ngày một tăng và đè nặng lên ngành ngân hàng. Kinh tế giảm tốc khiến tăng trưởng ngành ngân hàng cũng chậm lại, qua đó gây khó cho việc giải quyết nợ xấu nếu so sánh với 15 năm về trước, khi nền kinh tế còn trong giai đoạn bùng nổ.

Hiện 2/5 các khoản vay mới hiện nay là để thanh toán lãi cho các khoản nợ cũ của Trung Quốc. Tính trong năm 2014, khoảng 160 công ty trong số 1.000 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc có lãi vay phải trả nhiều hơn mức thu nhập trước thuế.

Thêm vào đó, tín dụng đen tại Trung Quốc đang ngày càng khó kiểm soát và thậm chí dần có xu thế lấn lướt các ngân hàng quốc bất chấp những biện pháp đối phó từ chính phủ. Tài sản trong hệ thống tín dụng đen ở nước này đã tăng hơn 30% mỗi năm trong vòng 3 năm qua.

Theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc đã tăng trưởng đến một giới hạn mà nước này cần một hệ thống tài chính minh bạch và phù hợp hơn để có thể “chịu tải” từ áp lực thị trường. Trước đây Trung Quốc giới hạn mức cho vay của các ngân hàng dưới 75% so với mức tiền gửi, nhưng con số này hiện đã được nới lỏng lên gần 100%.

Với tình hình đó, các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi người dân đột ngột ồ ạt rút tiền hoặc có những biến động bất ngờ trên thị trường. Vụ ngân hàng SRCB là một ví dụ điển hình cho các rủi ro mà hệ thống tài chính Trung Quốc có thể gặp phải.

Rõ ràng, chính quyền Bắc Kinh đã nhận ra điều này và họ đã thực hiện một số cải cách, như nới lỏng quản lý lãi suất và tỷ giá, nhưng việc chính phủ vẫn bảo hộ các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả và đảm bảo hầu như mọi kênh đầu tư chỉ đang làm hệ thống tài chính tồi tệ hơn.

Hệ thống tài chính Trung Quốc đã được bảo hộ quá lâu và giờ đây, khi chính phủ muốn cải cách thì hàng loạt những rủi ro bắt đầu xuất hiện. Những ngân hàng quốc doanh trước được nâng niu thì nay phải tự mình cạnh tranh với các tổ chức tài chính tư nhân. Rõ ràng, người dân nếu có lựa chọn sẽ gửi tiền vào nơi mà họ cho là có lợi nhất.

Nhiều doanh nghiệp quốc doanh sau khi cải tổ có kết quả hoạt động không được tốt và chính quyền Bắc Kinh lại phải là người đi sau “dọn dẹp”.

Trong năm vừa qua, Trung Quốc đã phải chi gần 200 tỷ USD để cứu thị trường chứng khoán, khoảng 65 tỷ USD tín dụng đã chuyển thành nợ xấu trong ngành ngân hàng. Các vụ lừa đảo tài chính đã khiến giới đầu tư mất ít nhất 20 tỷ USD và có đến 600 tỷ USD nguồn vốn đã rời bỏ Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với 2 lựa chọn và chúng đều không dễ chịu tý nào. Lựa chọn đầu tiên là tiếp tục cải cách mở cửa hệ thống tài chính. Quyết định này sẽ có lợi trong dài hạn nhưng cũng làm bộc phát các vấn đề vốn tồn tại đã lâu ở Trung Quốc. Số vụ phá sản sẽ tăng lên, ngân hàng bị thua lỗ nhiều hơn và mảng tín dụng đen sẽ đổ bể.

Lựa chọn thứ 2 là giữa nguyên sự bảo hộ và tránh cải cách. Quyết định này sẽ khiến Bắc Kinh dễ dàng quản lý hệ thống tài chính trong ngắn hạn nhưng chúng cũng khiến các vấn đề tiềm tàng trong nền kinh tế ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trên thực tế, chính quyền Bắc Kinh khá lưỡng lự giữa 2 lựa chọn trên. Trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng tốt, việc cải cách nhận được nhiều đồng thuận, nhưng khi tình hình bắt đầu khó khăn thì nhiều quan chức bắt đầu lo ngại và hy vọng lùi việc giải quyết các vấn đề nhức nhối lại một vài năm.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM