[Phim hay] Tai trái: 17 tuổi, hãy yêu đi và đừng sợ mắc sai lầm!

30/05/2015 21:21 PM |

Mỗi một lứa tuổi đều có những việc nên làm. 12 tuổi, nên bắt đầu có những bí mật của riêng mình. 21 tuổi, nên tự mình đối mặt với cuộc sống. 27 tuổi, đến lúc bàn chuyện hôn nhân đại sự rồi. 17 tuổi, không ai nói chúng ta nên làm gì. "Tai trái" nói cho bạn biết, 17 tuổi, hãy yêu đi.

Thông tin phim: 

Tên phim: Tai trái

Đạo diễn: Tô Hữu Bằng

Biên kịch: Nhiêu Tuyết Mạn

Các diễn viên tham gia trong phim: Trần Đô Linh, Âu Hào, Dương Dương, Mã Tư Thuần, Hồ Hạ, Quan Hiểu Đồng, Đoàn Bác Văn

Ca khúc chủ đề phim: Tai trái – do Triệu Vy trình bày.

Khởi chiếu: 30/4/2015

Nội dung chính: 

Nếu tuổi thanh xuân trong “Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi” là một cơn mưa rào, mát lành, trong “Năm tháng vội vã” là hồi ức và tiếc nuối về một thời mộng mơ đã xa thì “Tai trái” lại mang tới một thông điệp khác về tình yêu và tình bạn “Yêu đúng chính là tình yêu, yêu lầm thì là thanh xuân”.

Mỗi người đều có thời thanh xuân của riêng mình, chẳng có nhiều đáp án cho cái tuổi bồng bột ấy nhưng lại có những bí mật nho nhỏ, giấu mãi nơi đáy tim. Nơi ấy có hồn nhiên, có những sai lầm của một thời vụng dại, có những tiếc nuối để rồi khi thời thanh xuân trôi qua, mỗi người lại tự trưởng thành, sống cuộc sống của riêng mình.

Cô gái Lý Nhị của tuổi 17 mộng mơ

Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhiêu Tuyết Mạn, nội dung phim xoay quanh những người trẻ tuổi với những tính cách và số phận khác nhau cùng quá trình trưởng thành của họ: Lý Nhị, Trương Dạng, Hứa Dực, và Ba Lạp. Bốn nhân vật chính với bốn tính cách khác biệt nhau tạo thành những mảng màu đan xen của bức tranh thanh xuân rực rỡ.

Nếu Lý Nhị là một cô gái dịu dàng nữ tính với vẻ đẹp mong manh thì Ba Lạp lại được xây dựng hoàn toàn đối lập. Mạnh mẽ, dám yêu, dám hận, một “bad girl” chính hiệu. Có lẽ vì thế mà cả Trương Dạng và Hứa Dực đều bị cô thu hút. Hai cô gái với hai tính cách khác biệt, một người như mặt trăng, thanh nhã, dịu dàng, một người như cơn gió, tự do, dám đương đầu để sống cuộc sống của mình. Tưởng chừng hai người sẽ chẳng thể nào hòa hợp thế mà họ lại là những người bạn tốt, có một tình bạn thật đặc biệt. Tôi không dùng từ “thân” bởi tình bạn của họ như xa như gần, nhưng chẳng ai có thể tách rời họ được.

Hai cô gái là vậy, còn hai chàng trai Trương Dạng và Hứa Dực lại được xây dựng đều là “hot boy” nhưng một người thì lạnh lùng, xa cách còn một người thì hòa ái, dễ gần. “Cùng dấu thì đẩy mà trái dấu thì hút nhau.” Quả vậy, nếu để “ghép đôi” sẽ chẳng khó khăn khi chúng ta nhìn ra “cặp đôi hoàn hảo” Lý Nhị và Hứa Dực cùng Ba Lạp với Trương Dạng. Con tim có lý lẽ riêng của mình và những trái tim của tuổi 17 đã tự tìm đến với nhau. Thế nhưng "Thích một người cần gan dạ, nói ra 'thích' cần dũng cảm". Tuổi 17 của họ có gan dạ, nhưng thiếu sự dũng cảm để rồi có những nuối tiếc mãi chẳng thể nào vơi.

Ba Lạp – cơn gió tự do dám yêu, dám hận

Lý Nhị thích Hứa Dực, trái tim mộng mơ của cô thổn thức về chàng trai hot boy ấy nhưng chỉ thầm thích chứ chẳng dám mở lời. Ánh mắt cô hướng về Hứa Dực, nên bỏ quên đôi mắt mãi hướng về cô của anh họ Vưu Tha. Ba Lạp yêu Trương Dạng vì sự ích kỉ của Trương Dạng mà lừa dối tình cảm của Hứa Dực, biến anh từ một học sinh ngoan thành một kẻ ăn chơi, hư hỏng.

Mỗi người đều có cuộc đời của riêng mình, có những lựa chọn trong đời. Ai rồi cũng khác, cũng lớn lên từ thất bại và sai lầm ấy. Nhưng có những người sẽ “mãi mãi tuổi thanh xuân” như Ba Lạp. Cô đúng là cơn gió, tự do, phóng khoáng, chen vào lòng người ta, rồi ra đi mãi mãi ở tuổi 18. Với cô, "Yêu là chấp nhận đau thương, không phải có thể hay không, mà đó là nguyện lòng." Vì tính  yêu, cô nguyện cháy hết mình dù tới phút cuối cùng. 

Hứa Dực và vết trượt dài của sai lầm

Thước phim tối màu cùng lối dẫn truyện nhẹ nhàng như một lời tự sự cuốn người xem vào diễn biến phim một cách rất tự nhiên. Khi xem phim, ta có cảm giác như ngược thời gian về quá khứ, về với thời mộng mơ đã trôi xa lắm của mình.

Nhưng hành trình thanh xuân không có điểm dừng, càng bước càng nhanh rồi cũng trở thành người từng trải. Những vấp ngã đầu đời giúp Lý Nhị trưởng thành, giúp Trương Dạng và Hứa Nhân – một anh trùm xã hội đen si tình trở thành bạn bè, gây dựng việc làm ăn. Và giúp cho tai trái của Lý Nhị đã nghe được những lời thì thầm chân thành nhất của Trương Dạng để cho những con người có tình được ở bên nhau.

Trương Dạng – một con người hai nhân cách

Nét đặc biệt của bộ phim không chỉ nằm ở chi tiết cô nàng Lý Nhị không thể nghe được bằng tai trái và châm ngôn "Tai trái ở gần tim, những lời ngọt ngào hãy thì thầm với tai trái". Mà còn ở những triết lý nhân sinh về tình yêu và tình bạn rất hay được lồng vào từng câu thoại.

Đó là quan niệm về tình yêu: "Yêu, khiến ta luôn hướng về phía trước, nhưng lại không biết sẽ đến đâu", "Yêu là không tránh khỏi hối hận, không cần lý do, chỉ cần thấu hiểu", "Cố chấp chưa chắc đạt được, nhưng vẫn không thất vọng".

Không quá sa đà vào việc khắc họa nội tâm nhân vật, “Tai trái” để cho các nhân vật qua hành động để nói lên nỗi lòng của mình. Nhẹ nhàng, không có mấy cao trào, đôi khi phim như rơi vào khoảng lặng nhưng chính những khoảng lặng đó lại giúp bộ phim truyền tải thông điệp ý nghĩa: Hãy cứ sống là chính bạn, đừng sợ mắc phải sai lầm, vì tuổi trẻ mà, bạn có quyền được như vậy.

Tuổi thanh xuân trong “Tai trái” nhẹ nhàng, hồn nhiên, đầy sức sống của tuổi mới lớn nhưng cũng kèm theo những nỗi đau khắc cốt ghi tâm. Bộ phim là món quà dành tặng cho tuổi xuân như sóng nước dâng trào của chúng ta.

Thụy Dương

Cùng chuyên mục
XEM