Nước biển tăng 1m, GDP Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao?

22/11/2016 09:57 AM | Kinh tế vĩ mô

Kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nếu nước biển tăng thêm 1m, 10% GDP Việt Nam sẽ tan biến mỗi năm. Mức thiệt hại này tương đương Trung Quốc, nước ô nhiễm hàng đầu thế giới

Từ lâu, Việt Nam đã bị cảnh báo về những thiệt hại mà nền kinh tế sẽ phải chịu do yếu tố biến đổi khí hậu.

Cụ thể, theo Chỉ số về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI), Việt Nam được đánh giá như là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Còn theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF) thì cho thấy, trong giai đoạn 2016-2020 này, thiên tai và ô nhiễm môi trường đang làm GDP nước ta giảm tới 0,6%/năm, tức là khoảng 1,2 tỷ USD/năm.

Gần đây, thêm những kịch bản không mấy sáng sủa đối với nền kinh tế do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã được nhắc đến tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: Triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường”, do NCIF trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức

Tại hội thảo này, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích và dự báo của NCIF đã dẫn ra kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường rằng năm 2015 rằng nếu mực nước biển tăng thêm 1m thì tổn thất kinh tế có thể lên tới 10% GDP/năm, tức là khoảng 20 tỷ USD

Từ mức thiệt hại 0,6% GDP/năm lên đến con số 10% GDP/năm, rõ ràng kịch bản này đã hàm ý về một tác động rất mạnh mẽ của biến đổi khí hậu lên kinh tế Việt Nam.

Cũng cần chú ý rằng, nếu thiệt hại lên đến 10% GDP/năm, thiệt hại từ biến đổi khí hậu của chúng ta sẽ ngang ngửa với Trung Quốc, đất nước ô nhiễm nhất nhì thế giới (Trung Quốc mới bị Ấn Độ vượt mặt về danh hiệu đất nước ô nhiễm nhất thế giới).

Vị Tiến sỹ cũng đồng thời nhắc đến một nghiên cứu đã được thực hiện trước đây của của tổ chức DARA International rằng biến đổi khí hậu có thể làm Việt Nam thiệt hại tới khoảng 15 tỷ USD mỗi năm.

Thậm chí, nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030, nghĩa là sẽ vượt mức thiệt hại do ô nhiễm của các nước ô nhiễm nhất nhì thế giới như Trung Quốc vào lúc này.

Trong hội thảo này, các chuyên gia cũng chỉ ra với đất nước đang phát triển như Việt Nam, việc hạn chế tác động ô nhiễm môi trường lên nền kinh tế chỉ như một vòng luẩn quẩn, bởi lẽ môi trường ảnh hưởng chính do việc nền kinh tế phát triển.

Chúng ta hiện nay đang cố gắng hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ở gốc rễ vấn đề, chính việc khai thác nguồn lực từ tự nhiên để phục vụ phát triển kinh tế một cánh kém hiệu quả đã dẫn đến biến đổi khí hậu.

Để chứng minh cho điều này, Giáo sư John FitzGerald từ Khoa Kinh tế của Đại học Trinity Dublin (Ailen) đã dẫn chứng ví dụ về điện là một nhân tố quan trọng cho sản xuất ở Việt Nam, tuy nhiên nhu cầu về loại năng lượng này lại đang tăng nhanh hơn mức tăng trưởng GDP.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2014, để tăng chỉ 1% GDP thì nhu cầu về năng lượng điện cần tăng tương ứng từ 3% lên 4,2%. Cùng với đó, mức phát thải CO2 cũng sẽ tăng từ 1,7% lên 3,5%.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM