Để đạt GDP tăng 6,7% năm 2017, mỗi người Việt cần làm việc chăm chỉ gấp đôi hiện nay

19/11/2016 08:54 AM | Kinh tế vĩ mô

Tiến Sỹ Đặng Đức Anh đề ra 3 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam. Trong đó duy chỉ có đúng 1 kịch bản là cho mức tăng trưởng khoảng 6,7%. Tuy nhiên, kịch bản này cần có thêm tới 12 giả định mới trở thành hiện thực

Trong phiên chất vấn Quốc hội ngày 17/11 vừa qua, nói về mục tiêu GDP tăng 6,7% đề ra trong năm 2017 được là khá cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết “Chúng ta không có cách nào là phải phấn đấu cao”.

Ngay sau đó một ngày, Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: Triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường” đã được tổ chức bởi Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia trực thuộc Bộ kế hoạch và Đầu tư.

Trong hội thảo, TS Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và Dự báo đã vẽ nên cả thảy 3 kịch bản, bao gồm thấp, cơ sởcao cho kinh tế Việt Nam trong giai đoạn từ 2017 – 2020.

Trong đó, "kịch bản thấp" dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,2%; "kịch bản cơ sở" dự doán Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,44%. Cả 2 đều chưa chạm tới số 6,7%.

Duy nhất chỉ có "kịch bản cao" dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng với mức 6,72%. Tuy nhiên, theo lời TS Đỗ Đức Anh, để đạt được con số này, kinh tế Việt Nam sẽ cần mong chờ sự xảy ra tới 12 giả định, cả khách quan, cả chủ quan.

Ở kịch bản thấp, với bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại quốc tế suy giảm mạnh và hệ thống tài chính toàn cầu nhiều bất ổn. Kinh tế trong nước với tốc độ tăng đầu tư toàn xã hội là 7%; rủi ro từ nợ công, bội chi ngân sách và hệ thống tài chính ngày một lớn; tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng kiểu cũ; cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nước đang phát triển khác đối với những mặt hàng giá trị gia tăng thấp. Với kịch bản này, tăng trưởng kinh tế giai đoạn này trung bình sẽ đạt khoảng 6,2%.

Ở kịch bản cơ sởtăng trưởng kinh tế thế giới khoảng 3%. Khi đó, ở nước ta, tốc độ tăng đầu tư toàn xã hội 7%. Hiệu quả đầu tư công được cải thiện; môi trường đầu tư được cải thiện một bước. Mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi nhưng về cơ bản vẫn là nền kinh tế dựa vào vốn và lao động giá rẻ; hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ tương đối linh hoạt. Các hiệp định thương mại được triển khai hiệu quả, giúp đầu tư và xuất khẩu Việt Nam cải thiện hơn. Với kịch bản này, tăng trưởng kinh tế giai đoạn này trung bình sẽ đạt khoảng 6,55%.

Còn với kịch bản caodù ít khả năng xảy ra hơn, nhưng vẫn có cơ hội thành hiện thực nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản cơ sở nhưng tái cơ cấu kinh tế được diễn ra mạnh mẽ hơn, đặc biệt là cải thiện cơ bản về cơ chế quản lý, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư công. Năng suất lao động đạt được trung bình của các nước ASEAN. Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống mức trung bình của các nước đang phát triển. Đẩy mạnh thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, và sử dụng nguồn thu đầu tư kết cấu hạ tầng. Rủi ro đối với nền kinh tế như nợ công hay nợ xấu được giải quyết triệt để. Theo kịch bản này, tăng trưởng kinh tế giai đoạn này trung bình sẽ đạt khoảng 6,86%.

Trong đó, có một giả định được đặc biệt chú ý quan tâm là “năng suất lao động Việt Nam sẽ vươn lên trung bình của các nước ASEAN”.

Giả định này được chú ý bởi lẽ năng suất lao động từ lâu vẫn là một vấn đề rất nhức nhối của nền kinh tế Việt Nam bởi sự yếu kém của nó.

Theo Tổng cục thống kê công bố năm 2015, năng suất Việt Nam tính theo giá hiện hành là 3.657 USD (tương đương 79,3 triệu VNĐ). So sánh với các quốc gia hàng đầu khu vực, năng suất người lao động nước tư chỉ bằng 1/15 Singapore, bằng 1/5 Malaysia và bằng 2/5 Thái Lan.

Ngay cả khi so với năng suất bình quân khu vực ASEAN, năng suất lao động Việt Nam vẫn thấp hơn tới 2 lần, theo chính lời ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trường viện năng suất Việt Nam.

Như vậy, nếu theo như kịch bản cao mà TS Đặng Đức Anh đưa ra, mỗi người lao động Việt Nam cần làm việc chăm chỉ gấp đôi thì mới có khả năng thực hiện thành công mục tiêu tăng trường 6,7% năm 2017 (vì còn tới 11 giả định khác).

“Không đạt mục tiêu cao thì không thể giải quyết được việc làm” - lời thủ tướng đã nói này như “phát súng lệnh” cho kinh tế Việt Nam năm tới. Vì thế, dù khó nhưng cũng hãy chờ xem chúng ta sẽ đương đầu với những biến chuyển của thế giới và trong nước ra sao để đạt mức tăng trưởng 6,7%.

12 giả định của này bao gồm 7 giả định của "kịch bản cơ sở" và 5 giả định riêng của "kịch bản cao"

1. Tăng trưởng kinh tế thế giới: 3%

2. Tốc độ tăng đầu tư toàn xã hội: 7%

3. Hiệu quả đẩu tư công được cải thiện

4. Môi trường đầu tư được cải thiên một bước

5. Mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi nhưng về cơ bản vẫn dựa vào vốn và lao động giá rẻ

6. Hệ thống tài chính ổn định, chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành linh hoạt

7. Các hiệp định thương mại được triển khai hiệu quả

8. Tái cơ cấu kinh tế diễn ra mạnh mẽ hơn, nhất là về cơ chế quản lý

9. Năng suất lao động đạt được trung bình của các nước ASEAN

10. Giảm lãi suất vay ngắn hạn xuống mức trung bình các nước phát triển

11. Đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, sử dụng nguồn thu đầu tư cơ sở hạ tầng

12. Nợ công, nợ xấu được giải quyết triệt để

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM