Nông sản chủ lực Mỹ thất thế ở thị trường số 1 thế giới Trung Quốc: Bị vượt mặt bằng "tỷ số" gây sốc

30/07/2023 17:33 PM | Kinh doanh

Trong những năm gần đây, Brazil đã lấy đi ngày càng nhiều thị phần của Mỹ tại thị trường đậu tương Trung Quốc, thậm chí bắt đầu kiểm soát thị trường trái vụ truyền thống.

Nông sản chủ lực Mỹ thất thế ở thị trường số 1 thế giới Trung Quốc: Bị vượt mặt bằng "tỷ số" gây sốc - Ảnh 1.

Hãng tin Bloomberg ngày 24/7 cho hay, sản lượng đậu tương tại Brazil tăng đang khiến nông dân Mỹ mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường nông sản toàn cầu.

Người mua Trung Quốc - những người thống trị thị trường đậu tương toàn cầu - đang tận dụng vụ thu hoạch kỷ lục ở Brazil để tăng cường thu mua, trong khi sản lượng đậu tương của Mỹ đã giảm xuống "mức tồi tệ nhất trong ba thập kỷ" trong mùa xuất khẩu cao điểm truyền thống.

Brazil vượt Mỹ trở thành nguồn cung đậu tương lớn nhất của Trung Quốc

Bloomberg phân tích, Trung Quốc và Brazil đang làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương. Thương mại đậu tương tiếp tục tăng phản ánh việc Tổng thống Brazil Lula Da Silva đang tìm cách thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Brazil.

Theo báo cáo do Hiệp hội Công nghiệp Dầu thực vật Brazil (ABIOVE) công bố cuối tháng 6, Brazil là nước sản xuất và xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới. Vụ thu hoạch đậu tương của Brazil năm nay vượt kỳ vọng, với sản lượng đạt mức kỷ lục 156 triệu tấn, đồng thời dự báo xuất khẩu của nước này cũng tăng lên mức 97 triệu tấn, vượt hơn 23% so với năm ngoái.

Vụ thu hoạch đậu tương bội thu của Brazil mang lại lợi thế cạnh tranh về giá. Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, các nhà chế biến Trung Quốc hiện có thể thu lợi từ việc nghiền đậu tương Brazil để làm dầu ăn và thức ăn chăn nuôi, nhưng lại thua lỗ khi chuyển sang dùng đậu tương Mỹ, đó là lý do tại sao người mua Trung Quốc đang mua nhiều đậu tương Brazil hơn.

Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, lượng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc hiện chiếm 1/3 sản lượng đậu tương quốc tế và hơn 60% lượng giao dịch đậu tương toàn cầu. Sau năm 2013, Brazil đã vượt qua Mỹ để trở thành nguồn nhập khẩu đậu tương lớn nhất của Trung Quốc và tỷ trọng nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng.

Theo dữ liệu do Hải quan Trung Quốc công bố vào ngày 20/7, Trung Quốc đã nhập khẩu 9,53 triệu tấn đậu tương từ Brazil trong tháng 6 năm nay, tăng 31,6% so với 7,24 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, cũng trong tháng 6, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 527.500 tấn đậu tương từ Mỹ, giảm 32% so với một năm trước đó và chỉ bằng gần 1/18 so với khối lượng nhập khẩu từ Brazil .

Dù vậy, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 19,7 triệu tấn đậu tương từ Mỹ, tăng so với mức 17,54 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái.

Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ rằng, đậu tương Brazil mà người mua Trung Quốc đặt hàng dự kiến sẽ được giao vào tháng 10 và nhiều thỏa thuận khác có thể đạt được trong quý 4 năm nay, mà thời điểm này cũng thường là giai đoạn cao điểm xuất khẩu của đậu tương Mỹ.

Nông sản chủ lực Mỹ thất thế ở thị trường số 1 thế giới Trung Quốc: Bị vượt mặt bằng "tỷ số" gây sốc - Ảnh 2.

Đậu tương chín vàng trên cánh đồng tại Ponta Grossa, Brazil, vào ngày 25/4/2023. Ảnh: IC Photo

Sản lượng đậu tương Mỹ ở "mức tồi tệ nhất trong ba thập kỷ"

Tuy nhiên, thời tiết khô hạn kéo dài trong năm nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ thu hoạch đậu tương của Mỹ. Bloomberg lưu ý rằng, các loại cây trồng của Mỹ - thường được thu hoạch từ tháng 9 - đang chịu áp lực từ thời tiết khô và nóng. Vào tháng 6, sản lượng đậu tương của Mỹ đã ở "mức tồi tệ nhất trong ba thập kỷ" trước khi mưa quay trở lại vùng Trung Tây nước này.

Công ty môi giới Trung Quốc Huatai Futures cho biết, từ góc độ thời tiết, cơ hội cải thiện điều kiện mùa màng là không cao và nguồn cung đậu tương của Mỹ cho mùa vụ mới khó có thể tăng lên đáng kể.

Một bài báo của Reuters ngày 21/7 cũng nhắc đến những khó khăn mà nước Mỹ phải đối mặt: "Bị ảnh hưởng bởi nguồn cung khổng lồ của Brazil, giá nông sản của Mỹ cao và tình hình thu hoạch không chắc chắn, thị trường bi quan về tiềm năng xuất khẩu đậu tương và ngô của Mỹ. Một số nhà phân tích nhận định rằng, nguồn cung giá rẻ từ Brazil đang ngày càng lấn át hàng xuất khẩu của Mỹ."

Theo Reuters, xuất khẩu đậu tương và ngô của Mỹ thường bắt đầu tăng vào tháng 7 và đạt đỉnh vào tháng 8, nhưng tổng lượng đặt hàng cho cả hai nông sản này hiện đang ở mức thấp nhất trong 4 năm.

Dữ liệu ngày 20/7 của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, tính đến ngày 13/7, các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán được 4,5 triệu tấn ngô và 4,9 triệu tấn đậu tương giao hàng trong niên vụ 2023-2024. Cả hai con số đều thấp nhất kể từ năm 2019.

Nông sản chủ lực Mỹ thất thế ở thị trường số 1 thế giới Trung Quốc: Bị vượt mặt bằng "tỷ số" gây sốc - Ảnh 3.

Nhiệt độ cao và khô hạn làm ảnh hưởng đến mùa màng tại Mỹ. Ảnh: IC Photo

Theo Bloomberg, nông dân Mỹ đang mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường nông nghiệp toàn cầu khi Brazil mở rộng sản xuất.

Theo công ty vận chuyển Alphamar, 5 tàu chở hàng đã được lên kế hoạch nhận hàng tại Brazil vào tháng 9, sớm nhất từ trước đến nay. Arthur Neto - Giám đốc thương mại Alphamar - cho biết, một lượng lớn hàng trong kho tại các trang trại ở Brazil sẽ được chuyển đến cảng trong vài tháng tới, "chúng ta sẽ sớm thấy tàu chở hàng xuất hiện nhiều hơn nữa".

Mặt khác, theo Bloomberg, căng thẳng địa chính trị cũng thúc đẩy Trung Quốc tăng cường quan hệ với Brazil và giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Đầu năm nay, Tổng thống Brazil Lula Da Silva dẫn đầu phái đoàn thăm Trung Quốc và đạt được hơn 15 thỏa thuận liên quan đến các khoản đầu tư trị giá khoảng 10 tỷ USD.

Tháng 9 năm ngoái, người đứng đầu công ty hậu cần Rumo của Brazil cho biết, với tư cách là nhà cung cấp đậu tương lớn nhất thế giới, Brazil đã tăng cường cạnh tranh với Mỹ trong việc vận chuyển đậu tương đến Trung Quốc. Dựa trên tình hình của nửa đầu năm ngoái, chi phí tính bằng USD cho mỗi tấn đậu tương của Brazil xuất khẩu sang Trung Quốc đã thấp hơn so với Mỹ; và để duy trì lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực hậu cần, Brazil sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo Hữu Hiền

Cùng chuyên mục
XEM