Những doanh nghiệp nào có thể trở thành đối tượng bị tăng cường rà soát, kiểm tra liên quan thuế GTGT kể từ tháng 6 này?

18/06/2022 08:32 AM | Kinh doanh

Đó là các doanh nghiệp không có tài sản cố định hoặc tài sản cố định rất thấp, doanh nghiệp nộp và rút tiền ngân hàng ngay trong ngày hay một doanh nghiệp có doanh thu lớn nhưng lượng tồn kho không tương xứng hoặc không có kho hàng,...

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là loại thuế gián thu, được tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Có 2 phương pháp tính thuế GTGT là trực tiếp và khấu trừ.

Trong đó, gian lận hoàn thuế GTGT xảy ra ở trường hợp khấu trừ thuế.

Chẳng hạn, trong kỳ doanh nghiệp nhập hàng trị giá 8 tỷ đồng, cộng thêm 10% thuế GTGT, tổng cộng 8,8 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh nghiệp bán ra doanh thu 10 tỷ đồng, thêm 10% thuế GTGT là 11 tỷ đồng.

Doanh nghiệp sẽ được khấu trừ 0,8 tỷ đồng thuế GTGT đầu vào và phải nộp 1 tỷ đồng thuế GTGT đầu ra.

Theo nguyên tắc trên, nếu trong kỳ số thuế đầu ra nhỏ hơn số thuế đầu vào, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế GTGT. Lợi dụng điều đó, các doanh nghiệp sử dụng nhiều thủ đoạn, mánh khóe để hô biến "đầu vào" lớn hơn hoặc "đầu ra" nhỏ hơn thực tế nhằm gian lận, chiếm đoạt thuế GTGT.

Tình trạng gian lận hoàn thuế GTGT không chỉ gây khó khăn cho lực lượng thực thi trong việc phát hiện và xử lý mà còn gây áp lực lớn với cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nhằm chống thất thu cho ngân sách.

Các hành vi gian lận thường bị cơ quan chức năng phát hiện như: Giả mạo hồ sơ xuất khẩu (XK) hàng hóa, dịch vụ XK khống; quay vòng hàng hóa để XK nhiều lần đối với 1 lô hàng; thành lập DN “ma” chỉ để bán hóa đơn cho DN khác nhằm hợp thức hóa hóa đơn đầu vào (bán khống hóa đơn không có hàng hóa, dịch vụ) hay thành lập các DN “ma” chỉ để cấp hóa đơn đầu vào hợp thức hóa cho 1 DN bán hàng hóa nhập lậu…

Một trong những thủ đoạn gian lận phổ biến trong hoàn thuế GTGT đó là lập khống hồ sơ hoàn thuế hay lập khống chứng từ hàng hóa mua vào.

Câu chuyện của một doanh nghiệp ở tỉnh Phú Thọ chuyên sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép,... vào năm 2019 là một ví dụ. Doanh nghiệp này thành lập vào năm 2017 nhưng đến năm 2019 doanh thu tăng đột biến.

Cục Thuế tỉnh khi đó đã rà soát, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế và phát hiện hàng hóa mua vào của doanh nghiệp (DN) là gỗ tròn với chứng từ mua trực tiếp của người dân. Điều bất hợp lý là mặc dù ở Phú Thọ nguyên liệu gỗ rất dồi dào nhưng công ty lại phải thu mua tận Yên Bái, Lạng Sơn, Nghệ An, Bắc Giang hay Quảng Bình.

Nhận thấy có dấu hiệu rủi ro ở hồ sơ hoàn thuế của công ty, Cục thuế tỉnh đã có văn bản đề nghị Phòng cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh phối hợp xác minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu mua vào của công ty này.

Quá trình điều tra, Phòng cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh đã xác định công ty có hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức cho hàng hóa là nguyên liệu gỗ mua vào và kê khai, khấu trừ, hoàn thuế GTGT.

Cụ thể, qua xác minh đối với 9 hộ cá nhân (cả người trực tiếp trồng rừng bán ra và hộ cá nhân kinh doanh) cho thấy, người bán trên hồ sơ không có quan hệ mua bán với công ty, cũng không ký trên hồ sơ thu mua gỗ tròn mà công ty cung cấp.

Những doanh nghiệp nào sẽ từ ngày 01/06 có thể trở thành đối tượng bị tăng cường rà soát, kiểm tra liên quan thuế GTGT? - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa

Tình trạng gian lận tiền hoàn thuế giá trị gia tăng diễn ra ngày càng phức tạp, với các thủ đoạn vô cùng tinh vi, gây nhức nhối trong xã hội và áp lực lớn với cơ quan quản lý nhà nước.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có chỉ đạo Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý thuế, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai và hoàn thuế giá trị gia tăng, kết hợp với nhiều biện pháp nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi gian lận thuế.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngày 1/6 mới đây Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 1873/TCT-TTKT về tăng cường rà soát, kiểm tra phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn, chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Trong đó, những doanh nghiệp có một trong số các đặc điểm sau sẽ trở thành đối tượng cần lưu ý:

- Doanh nghiệp thay đổi người đại diện pháp luật từ 2 lần trở lên trong vòng 12 tháng hoặc thay đổi người đại diện pháp luật đồng thời chuyển địa điểm kinh doanh hoặc doanh nghiệp có số lần thay đổi trạng thái hoạt động hay số lần thay đổi kinh doanh từ 2 lần trong năm.

- Các doanh nghiệp mới thành lập có địa điểm kinh doanh không cố định (chuyển địa điểm kinh doanh nhiều lần trong 1-2 năm hoạt động) hay chuyển địa điểm hoạt động kinh doanh sau khi đã có Thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký cũng là đối tượng tăng cường rà soát.

- Doanh nghiệp thành lập do các cá nhân có quan hệ gia đình cùng tham gia góp vốn như Vợ, Chồng, anh, chị em ruột....

- Doanh nghiệp thành lập mới do người đứng tên giám đốc, đại diện theo pháp luật có Công ty do cơ quan thuế đã có thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh (còn nợ thuế), tạm ngừng hoạt động kinh doanh có thời hạn.

- Doanh nghiệp thành lập nhiều năm không phát sinh doanh thu, sau đó bán lại, chuyển nhượng cho người khác.

- Doanh nghiệp thành lập không có giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản nhưng xuất hóa đơn tài nguyên, khoáng sản.

- Doanh nghiệp có hàng hóa bán ra, mua vào không phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng vùng.

- Doanh nghiệp chưa nộp đủ vốn điều lệ theo đăng ký;

- Doanh nghiệp mua bán, sáp nhập với giá trị dưới 100 triệu đồng;

- Doanh nghiệp kinh doanh siêu thị (bán lẻ hàng hóa tiêu dùng, hàng điện máy); kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn; kinh doanh vận tải; kinh doanh vật liệu xây dựng; kinh doanh xăng dầu; kinh doanh trong lĩnh vực khai thác đất, đá, cát, sỏi; kinh doanh khoáng sản (than, cao lanh, quặng sắt ...); kinh doanh nông lâm sản (dăm gỗ, gỗ ván, gỗ thanh,...); có phát sinh ngành nghề cho thuê nhân công (phát sinh lớn).

- Doanh thu tăng đột biến, cụ thể: Kỳ kê khai trước doanh thu rất thấp, xấp xỉ bằng 0 nhưng kỳ sau đột biến về doanh thu hoặc có doanh thu kỳ sau đột biến tăng (từ 3 lần trở lên so doanh thu bình quân của các kỳ trước) nhưng số thuế giá trị gia tăng (GTGT) phát sinh phải nộp thấp (thuế GTGT phải nộp < 1 % doanh số phát sinh trong kỳ);

- Doanh thu lớn nhưng kho hàng không tương xứng hoặc không có kho hàng, không phát sinh chi phí thuê kho;

- Doanh thu kê khai hàng năm phát sinh từ trên 10 tỷ đồng nhưng số thuế phát sinh phải nộp thấp dưới 100 triệu đồng (1%);

- Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn với số lượng lớn (từ 500 đến 2000 số hóa đơn). Số lượng hóa đơn xóa bỏ lớn, bình quân chiếm khoảng 20% số hóa đơn sử dụng.

- Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC có số lượng hóa đơn điện tử giảm bất thường so với số lượng hóa đơn đã sử dụng theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP .

- Doanh nghiệp không có thông báo phát hành hóa đơn hoặc có thông báo phát hành nhưng không có báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (hoặc chậm báo cáo).

- Doanh nghiệp có giá trị hàng hóa bán ra, thuế GTGT đầu ra bằng hoặc chênh lệch rất nhỏ so với giá trị hàng hóa mua vào, thuế GTGT đầu vào.

- Doanh nghiệp có hàng hóa dịch vụ bán ra không phù hợp với hàng hóa dịch vụ mua vào;

- Doanh nghiệp có doanh thu và thuế GTGT đầu ra, đầu vào lớn nhưng không phát sinh số thuế phải nộp, có số thuế GTGT âm nhiều kỳ.

- Doanh nghiệp không có tài sản cố định hoặc giá trị tài sản cố định rất thấp;

- Doanh nghiệp có giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng (tiền vào và rút ra ngay trong ngày);

- Doanh nghiệp sử dụng lao động không tương xứng với quy mô và ngành nghề hoạt động;

- Một cá nhân đứng tên (người đại diện theo pháp luật) thành lập, điều hành nhiều doanh nghiệp.

Trọng Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM