Những đại hội cổ đông dang dở

06/07/2023 08:45 AM | Kinh doanh

Vừa qua, liên tục doanh nghiệp tổ chức bất thành đại hội cổ đông (ĐHCĐ), do không đủ số lượng cổ đông tham dự. Điểm chung của những doanh nghiệp này là lượng cổ phiếu trôi nổi quá lớn, cơ cấu cổ đông bị pha loãng.

Cơ cấu cổ đông pha loãng

Ngày 30/6, CTCP Tập đoàn CEO Group (CEO) tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023. Tuy nhiên, số lượng cổ đông tham dự chỉ chiếm 35,42% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (bao gồm cả dự trực tiếp và ủy quyền).

Vì vậy, đại hội không đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch HĐQT Đoàn Văn Bình sau đó đã gửi lời xin lỗi cổ đông và cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử đại hội thường niên của CEO Group tổ chức bất thành.

Những đại hội cổ đông dang dở - Ảnh 1.

ĐHCĐ CEO không đủ điều kiện tiến hành

Theo kế hoạch, tại phiên họp cổ đông năm nay, ban lãnh đạo CEO sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022, và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 315 tỷ đồng, tăng 2%.

Trước đó, ngày 29/6, ĐHCĐ thường niên 2023 của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) không thể tiến hành do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự. Theo tài liệu trình ĐHCĐ thường niên 2023, TDH đặt mục tiêu năm 2023 với doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt 440 tỷ đồng và hơn 88 tỷ đồng, gấp gần 3 lần và 18 lần mức thực hiện năm trước.

Dù đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận đột biến nhưng định hướng của Công ty lại khá khiêm tốn. TDH cho biết sẽ chỉ tập trung triển khai các dự án và khu đất hiện hữu. Trong giai đoạn hai năm tới (2023 - 2024), Công ty sẽ phát triển theo nguyên tắc an toàn và bền vững. Với định hướng này, TDH đề xuất không chia cổ tức 2023.

Ngày 28/6, ĐHCĐ thường niên 2023 Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp (DIG) cũng chưa đủ điều kiện tiến hành. Tính đến 14 giờ 45 phút, Đại hội chỉ đạt 533 cổ đông (trực tiếp và ủy quyền) tham dự chiếm 36,91% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, không đủ theo quy định.

Đáng chú ý, một trong những cổ đông nắm giữ lượng lớn cổ phần tại DIC Corp là ông Trần Quí Thanh giữ 5% cổ phần, không có mặt tại ĐHCĐ, vì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam. Hiện, DIC Corp có khoảng 64.000 cổ đông, trong đó nhỏ lẻ giao dịch "lướt sóng" trên sàn rất nhiều. Có thời điểm công ty có đến 80.000 cổ đông.

Hồi hộp tới phút chót

Ngày 22/6, ĐHCĐ thường niên lần thứ 2 của CTCP Đầu tư LDG (HoSE: LDG) bất thành do không đủ số lượng cổ đông. Theo kết quả kiểm tra tư cách đại biểu, tổng số cổ đông và ủy quyền tham gia là 217 người, đại diện cho hơn 41 triệu cổ phiếu đang lưu hành, chiếm 16,26% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Căn cứ theo các quy định, đại hội không đủ điều kiện để tiến hành. Công ty sẽ triệu tập đại hội cổ đông lần 3 trong vòng 20 ngày kể từ 22/6.

Theo kế hoạch, đại hội sẽ thông qua một số vấn đề quan trọng. Trong đó có việc từ nhiệm 3 thành viên HĐQT gồm: ông Louis Nguyễn (shark Louis Nguyễn), ông Lê Văn Vũ và ông Ngô Ngọc Huyên vì lý do cá nhân. Bên cạnh vấn đề nhân sự, LDG cũng sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ 220 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu để thu về 2.200 tỷ đồng.

Hồi đầu tháng 6, CTCP Tập đoàn FLC (FLC) tổ chức họp cổ đông bất thường, để trình thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên hội đồng quản trị với ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung. Đồng thời, công ty sẽ bầu 2 người thay thế, trong đó có 1 người là thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Tuy nhiên, đến thời điểm khai mạc, tổng số cổ đông tham dự chỉ chiếm 33,7% vốn điều lệ, không đạt điều kiện trên 50% để có thể tổ chức họp.

Vừa qua, ĐHĐCĐ CTCP Tập đoàn Hoà Bình (HBC) phải chờ đến phút cuối mới đủ điều kiện tổ chức. Vào lúc 16 giờ 19 phút chiều ngày 27/6, ban tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Tập đoàn Hoà Bình (mã HBC) đã công bố đạt tỷ lệ 50,49% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội, đủ điều kiện diễn ra.

Năm 2023, Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu là 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 125 tỷ đồng, dù vừa trải qua năm 2022 lỗ kỷ lục. HBC lỗ ròng 2.567 tỷ đồng, thậm chí còn bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Do hoạt động kinh doanh ghi nhận lỗ nên Tập đoàn Hòa Bình không chia cổ tức năm 2022, không phát hành cổ phiếu và quyền mua cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên.

Trong thông điệp gửi đến cổ đông trước thềm ĐHCĐ, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HBC nhận trách nhiệm về khoản lỗ 2.572 tỷ đồng của HBC trong năm 2022. Ông Hải hé lộ kế hoạch tái cấu trúc toàn diện tập đoàn, với giải pháp bao gồm: Tái cấu trúc tài chính; tái cấu trúc nguồn nhân lực; tái cấu trúc sản phẩm và thị trường; tái cấu trúc hệ thống quản lý; tái cấu trúc hệ thống các công ty thành viên và công ty liên kết.


Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM