Những xu hướng nhân sự trên thị trường lao động Việt Nam

19/04/2024 14:03 PM | Kinh doanh

Thay vì chỉ nghĩ đến lương cao – thăng tiến nhanh khi đi tìm việc, lao động Việt ngày nay ưu tiên công việc ổn định, công ty phát triển vì khách hàng – sản phẩm tốt – hoạt động minh bạch. Suy nghĩ của các nhân viên văn phòng Việt: nếu đã không thể nhận được lương cao thì công việc phải ổn định; muốn vậy thì công ty phải có tiềm lực tốt và không vi phạm pháp luật.

Công ty tốt là phải có tài chính mạnh – hoạt động minh bạch

Trong vài năm gần đây, những biến động kinh tế trong và ngoài nước đang ảnh hưởng đến ngành nhân sự - đặc biệt là giới nhân viên văn phòng Việt Nam.

Rất nhiều kết quả trong Báo cáo Xu hướng nhân tài Việt Nam - 10 Năm Nhìn Lại của Anphabe mới phát hành gần đây cho thấy nhu cầu của nhân sự Việt có rất nhiều dịch chuyển lớn.

Thế giới biến động và những đại án kinh tế gần đây đã ảnh hưởng thị trường lao động Việt Nam như thế nào? - Ảnh 1.

Đầu tiên, về phần Danh tiếng công ty: hiện tại, mặc dù người động Việt vẫn muốn tìm DN có "Thương hiệu thành công – sản phẩm uy tín" như từ 2015, nhưng họ còn cần thêm khía cạnh "Hướng về khách hàng & lấy khách hàng làm trọng tâm", "Quy mô và tiềm lực tài chính lớn", "Minh bạch và tuân thủ pháp luật". Họ đã thay mong ước về "Phát triển bền vững' chung chung năm 2018 thành những vấn đề cụ thể hơn.

Hay ở phần Văn hóa & Môi trường: vào năm 2021, lần đầu tiên tiêu chí "Tin cậy – Minh bạch" nằm trong Top 3 tiêu chí mà nhân sự muốn, thay cho tiêu chi "Thân thiện – Cởi mở".

Bên cạnh đó, tiềm lực kinh tế hạn chế của SMEs hoặc startup dưới tác động của Covid-19 và nền kinh tế ảm đạm, khiến 'sức đề kháng' của chúng với khó khăn trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết.

Chỉ số Niềm Tin của người lao động Việt đang thấp

Theo Khảo sát của Anphabe, chỉ số Niềm tin và Gắn kết của nhân viên trong năm 2023 ghi nhận mức sụt giảm mạnh, thậm chí thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.

Thế giới biến động và những đại án kinh tế gần đây đã ảnh hưởng thị trường lao động Việt Nam như thế nào? - Ảnh 2.

Bà Thanh Nguyễn – CEO của Anphabe đang chia sẻ Báo cáo Xu hướng nhân tài Việt Nam - 10 Năm Nhìn Lại.

Khảo sát ý kiến của người lao động Việt Nam đối với nhận định "Tôi tin vào tầm nhìn và chiến lược của công ty" trong gần 10 năm qua cho thấy một thực tế đáng báo động: Từ mức độ 65% trong năm 2016, Chỉ số Niềm Tin của người đi làm trong chu kỳ thay đổi chứng kiến một đà giảm sút mạnh, chạm đáy 49% trong năm 2021, đến nay mặc dù đã có sự điều chỉnh nhưng vẫn chưa thể khôi phục lại mức ban đầu.

Mặt khác, điều này phản ánh rằng: mặc dù các công ty không ngừng nỗ lực để thích ứng với sự thay đổi, nhưng khả năng quản trị và ứng phó với sự biến động vẫn còn hạn chế, gây áp lực không chỉ cho lãnh đạo mà còn cho toàn bộ nhân viên trong tổ chức.

Tương ứng với các chu kỳ thay đổi, niềm tin của nhân viên vào năng lực ứng phó của tổ chức cũng suy giảm qua các năm, từ 61% (năm 2017) xuống còn khoảng 56% (năm 2023), phản ánh tầm quan trọng và cần thiết của việc xây dựng "Sức mạnh của niềm tin", nâng cao năng lực "Kiên Hoạt" cho tổ chức.

Kéo theo đó, dựa trên mô hình phân bổ nguồn nhân lực từ năm 2016 - 2023 cho thấy: sự thay đổi trong tỷ lệ giữa các nhóm nhân lực qua các năm, với sự giảm dần của nhóm "Nòng cốt" và sự gia tăng của nhóm "Tổn thất đáng tiếc" và nhóm "Từ bỏ" (do làn sóng nghỉ việc và sa thải hàng loạt dưới tác động của dịch Covid-19).

Sau đó, đến năm 2023 xuất hiện hiện tượng "Zombie trở lại", tức một số nhân sự có vẻ đã quay trở lại làm việc nhưng không còn nỗ lực và gắn bó như trước.

Thế giới biến động và những đại án kinh tế gần đây đã ảnh hưởng thị trường lao động Việt Nam như thế nào? - Ảnh 3.

"Theo đó, bước sang năm 2024, nhiều khả năng sự trở lại mạnh mẽ của 'zombie công sở' còn mạnh mẽ hơn, khi có đến 88% nguồn nhân lực bày tỏ ý định ở lại với doanh nghiệp, cao hơn nhiều so với con số 67% vào thời điểm 'Zombie trỗi dậy' năm 2017.

Ở khía cạnh khác: có đến 45% nhân lực Việt Nam thể hiện sự 'Rất không gắn kết' hoặc 'Thờ ơ' với doanh nghiệp, tương ứng mức độ tự nguyện đóng góp của họ chỉ khoảng 11% và 53%, thấp hơn nhiều so với nhóm nhân viên 'Gắn kết cao'.

Điều này cho thấy gần một nửa nguồn nhân lực đang làm việc dưới khả năng của mình, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái gắn kết và phục hồi động lực làm việc cho 'Zombie công sở' - nhiệm vụ lớn nhất trong quản trị nhân sự mà doanh nghiệp cần quan tâm", bà Thanh Nguyễn – CEO của Anphabe nhận định.

Thế giới biến động và những đại án kinh tế gần đây đã ảnh hưởng thị trường lao động Việt Nam như thế nào? - Ảnh 4.

Người lao động Việt chưa sợ bị sa thải

Một vấn đề nữa đang làm khó các doanh nghiệp, là nếu lãnh đạo không chứng minh được mình có tiềm lực tài chính, hoạt động hiệu quả và làm ăn minh bạch; nhân viên không trở thành "Zombie công sở" thì cũng không sợ bị sa thải hoặc tự xin nghỉ.

Theo nghiên cứu của Anphabe: Tình trạng "nghỉ việc nhanh" hay "bị sa thải" giờ đây không còn là điểm trừ lớn trong hồ sơ xin việc của nhân tài. Đây là một diễn biến thú vị, cho thấy thị trường lao động đang trở nên linh hoạt và cởi mở hơn.

Khảo sát của Anphabe vào nửa đầu năm 2023 cho thấy: cứ mỗi 10 người bị cắt giảm đã có 7 người tìm được công việc mới. Trong số 7 người này, chỉ có 1 người chấp nhận lương thấp hơn, 3 người giữ nguyên mức lương và 3 người thậm chí tìm được việc với mức lương mới cao hơn. Tức là, việc bị sa thải đôi khi cũng là cơ hội để nhiều người có bước tiến tốt hơn trong sự nghiệp.

Thế giới biến động và những đại án kinh tế gần đây đã ảnh hưởng thị trường lao động Việt Nam như thế nào? - Ảnh 5.

Còn đối với thế hệ lao động mới - đặc biệt là Gen Z, thời gian gắn bó ngắn hạn với công ty (chỉ từ 1-2 năm) đã trở thành một chuẩn mực mới của thế hệ này, thay vì dấu hiệu của sự không ổn định như quan điểm trước đây. Điều này yêu cầu một sự điều chỉnh trong cách mà nhà tuyển dụng đánh giá các ứng viên cũng như cách họ xây dựng môi trường làm việc và phát triển nhân sự của mình.

Về xu hướng lay-off: theo bà Thanh Nguyễn, quá trình sa thải và cắt giảm nhân sự trên thế giới lẫn Việt Nam sẽ chậm lại trong năm 2024 chứ không khốc liệt ồ ạt như trong giai đoạn 2022 – 2023. Theo đó, những ngành nghề như du lịch, hàng không, công nghệ thông tin… vẫn bị lay-off nhiều trong năm 2024 so với các ngành khác.

"Ngành công nghệ thông tin – IT sẽ dần hồi phục trong năm 2024, tức là có công ty cắt giảm nhưng cũng có công ty sẽ tuyển thêm. Việc các công ty công nghệ thông tin lay-off nhân viên từ 25% đến 50% trong 2 đến 3 năm qua, một phần đến từ việc tuyển dụng vô tội vạ trong Covid-19, nhằm phục vụ nhu cầu tăng cao đột biến của khách hàng vì phải làm việc sinh hoạt tại nhà.

Lúc đó, vì để cạnh tranh nhân tài và tuyển được người, nhiều công ty công nghệ đã đưa ra mức lương rất cao. Hiện tại, nhu cầu sử dụng công nghệ của người tiêu dùng đã giảm cộng với mặt bằng lương chung cũng giảm, nên không ít công ty IT đã cắt giảm nhân sự để thuê lại theo hình thức làm việc bán thời gian hoặc với mức lương thấp hơn so với trong Covid-19", CEO Anphabe kết luận.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM