"Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin"

14/10/2011 18:35 PM |

Nhờ ủng hộ của người dân trong nước, tư sản VN đã tồn tại và phát triển được dưới sức ép của tư sản Hoa kiều và tư sản Pháp. Phong trào "Người Việt dùng hàng Việt" đã được phát động từ 90 năm trước.


LTS: Từ rất lâu, người Việt đã giong buồm ra biển lớn với dáng vóc tự tin, đàng hoàng. Những bài học về đối nhân xử thế, phép kinh thương… và trên hết, là tấm lòng trọn vẹn của doanh nhân với người dân xứ Việt vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.

Xin giới thiệu lại bài viết của PGS.TS Phạm Xanh, Giảng viên khoa Sử, trường ĐHKHXH&NV Hà Nội từng đăng tải trên Bee hồi tháng 9/2009.

Sau Thế chiến I, giai cấp tư sản VN đã bước lên vũ đài chính trị bằng một cuộc vận động kinh tế mang màu sắc chính trị rầm rộ trên cả nước mà trong lịch sử cận đại VN gọi là Phong trào "tẩy chay Khách trú".

Phong trào “tẩy chay khách trú”

Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ trước, trong phong trào Duy tân đã xuất hiện một lớp tư sản người Việt từ những người có của. Vừa ra đời, họ đã phải đương đầu với hai đối thủ lớn là tư sản Hoa kiều và tư sản Pháp.

Tư sản Pháp đổ vốn kinh doanh trên đất VN có sự hậu thuẫn của chính quyền thực dân. Tư sản Hoa kiều vốn đã có truyền thống buôn bán ở nước ta từ lâu. Muốn tồn tại và phát triển độc lập, tư sản VN phải cạnh tranh được với hai đối thủ trên. Đó là một cuộc cạnh tranh không cân sức, cân tài.

Vậy sức mạnh cạnh tranh của tư sản VN lúc đó là gì? Về tiềm lực kinh tế, giới tư sản VN lúc đó là những nhà Nho thức thời, hùn vốn kinh doanh, bắt đầu từ những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Về kinh nghiệm, tư sản VN không thể so sánh với tư sản Pháp, đặc biệt là tư sản Hoa kiều. Về chính sách hỗ trợ, đương nhiên, chính quyền thực dân sẽ ưu ái cho tư sản Pháp. Sức mạnh của tư sản VN như “Chúa sông Bắc kỳ” Bạch Thái Bưởi đã nói, chính là “Tôi kinh doanh trên đất nước tôi”.

Năm 1919, tư sản VN đã phát động phong trào tẩy chay tư sản Hoa kiều có quy mô trên cả nước, bắt đầu từ Sài Gòn. Trong lịch sử, phong trào này được gọi là “tẩy chay khách trú”, ở đâu có tư sản người Hoa, ở đó có phong trào này. Giai cấp tư sản VN muốn qua phong trào để giành thị phần trong tay tư sản Hoa kiều.

Trong vòng 1 năm (từ 1919 đến đầu năm 1920), phong trào “tẩy chay khách trú” diễn ra với tính chất hòa bình bằng các khẩu hiệu: “Người VN dùng hàng VN”, “Người VN không gánh vàng đi đổ sông Ngô”, và hành động bất hợp tác không mua hàng của người Hoa.

Tuy nhiên, sau đó, phong trào phát triển thành những hành động bạo lực. Tại một số thành phố, thanh niên người Việt đã xông vào các cửa hàng của người Hoa đập phá, khiến chính quyền thực dân phải can thiệp. Một số người đã bị bắt và đưa ra xét xử, phong trào lắng xuống, rồi dẹp hẳn.

Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robanh (Robin)

Trong giới tư sản VN đầu thế kỷ 20, Bạch Thái Bưởi tiêu biểu cho việc khích lệ tinh thần “người Việt dùng hàng Việt” để chiến thắng trên thương trường.

Năm 1909, ông bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh đường thủy - một “cấm địa” trước nay chỉ dành cho tư sản Pháp và Hoa kiều - với 3 chiếc tàu thuê lại được của một tư sản người Pháp. Ông gỡ tên cũ của tàu, đặt lại tên bằng những danh nhân, địa danh lịch sử của Việt Nam. Đội tàu sau này của ông cũng chỉ có những cái tên Việt Nam như: Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi…

Cách quảng bá của ông cũng đậm chất Việt Nam, đi vào lòng người Việt. Mỗi khi mở một chuyến vận tải mới, ông cho sáng tác một bài thơ lục bát nói về tuyến vận tải đó. Ví dụ, khi Bạch Thái Bưởi mở tuyến Bến Đục - Chùa Hương với sông Đáy, Hà Nam, dân gian lưu truyền những câu thơ:

Sông Phủ Lý gần kề cạnh bến

Thuyền hỏa xa vừa đến thời đi

Chèo Lan trỏ nẻo Đục Khê

Lại từ Bến Đục đua về Hà Nam…

Thời gian đầu, khi Bạch Thái Bưởi mới bắt tay vào kinh doanh đường thủy, các thương nhân người Hoa đã liên kết với nhau cạnh tranh với ông để nhằm hạ gục đối thủ. Bạch Thái Bưởi hạ một giá tàu, họ hạ hai, ông hạ hai, họ hạ bốn…, ông mua trà mời khách đi tàu, họ mua thêm bánh ngọt. So với các thương gia người Hoa, tình thế của ông rất nguy ngập, mướn ba chiếc tàu, mỗi tháng trả 2.000 đồng, mà mỗi chuyến chỉ thu được 20 đồng.

Cuối cùng, Bạch Thái Bưởi đã nghĩ ra cách trải chiếu hoa ở trên tàu thủy để những người chân lấm tay bùn cũng có thể ngồi chiếu hoa. Ông đặt hòm “lạc quyên” trên tàu để người Việt, ai ủng hộ thương gia Việt bỏ tiền vào đó giúp đỡ. Kết quả là người dân đã bỏ tàu của người Hoa đi tàu người Việt. Niềm tin vào đồng bào mình đã vực ông đứng dậy và đứng thẳng lên.

Trong một cuộc họp của Hội đồng kinh tế lý tài, do bênh vực cho quyền lợi của người dân bị trị, Bạch Thái Bưởi bị Renê Robanh - Thống sứ Bắc Kỳ lúc đó, đe dọa: Nơi nào có Robanh thì không có Bạch Thái Bưởi; ông đã đáp lại: Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robanh.

Triết lý kinh doanh của Bạch Thái Bưởi là sử dụng tinh thần dân tộc như một vũ khí để cạnh tranh: “Tôi kinh doanh trên đất nước tôi, xung quanh tôi là đồng bào tôi, chẳng lẽ đồng bào tôi không ủng hộ tôi hay sao?”

Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874, quê Hà Đông, ông là người xuất thân là nông dân nhưng được đi học chữ Hán, chữ Pháp, ra làm công ở Hà Nội. Vì ông giỏi tiếng Pháp nên được tuyển sang dự hội chợ bên Pháp năm 1895. Qua chuyến đi đó, ông học tập được rất nhiều kinh nghiệm.

Về nước, ông tiếp tục làm việc cho hãng thầu công chính thêm nửa năm. Lúc ấy, người Pháp đang chuẩn bị bắc cầu Long Biên, Bạch Thái Bưởi xin vào làm đốc công ở công trình này.

Thấy người Pháp đang cần gỗ làm đường sắt, ông liền cùng với một người bạn hùn vốn khai thác gỗ làm tà vẹt bán cho Sở hỏa xa Đông Dương. Trong 3 năm vật lộn trong nghề kinh doanh đầu tiên này, ông đã có chút vốn liếng và kinh nghiệm. Rồi ông ra làm ăn riêng bằng việc bỏ vốn buôn ngô, nhưng bị lỗ nặng.

Với số vốn còn lại, ông mua một cửa hiệu cầm đồ của người Hoa ở Nam Định. Rồi ông thuê lại ba chiếc tàu Phi Phụng, Phi Long, Khoái Tử Long của một người Pháp là R.Marty, bắt đầu nghiệp kinh doanh đường thủy, rồi trở thành “ Chúa sông Bắc Kỳ” và trở thành người giàu có thứ tư của nước Việt như dân gian truyền tụng.

Năm 1928, Bạch Thái Bưởi đem hết tài sản, dốc vào việc khai mỏ. Ông được cấp phép khai mỏ than ở vùng Quảng Yên, không bao lâu, than của ông chất thành núi (đến năm 1945 mới bán hết), ông trở thành “Vua mỏ nước Việt”.

Ngày 22/07/1932, Bạch Thái Bưởi đột ngột qua đời tại Hải Phòng sau một cơn đau tim. Ông được gia đình an táng tại khu mỏ Bí Chợ (gần Yên Tử ngày nay). Nay, phần mộ ông được đưa về làng Yên Thái, Hà Đông, quê ông.

Theo PGS.TS Phạm Xanh (Giảng viên khoa Sử, trường ĐHKHXH&NV Hà Nội)
Bee.net


kyanh

Cùng chuyên mục
XEM