Evan Williams: Chú chim xanh không ngừng hót

05/11/2014 09:30 AM | Nhân vật

Evan Williams có thể coi là một ví dụ tiêu biểu cho hình ảnh người đàn ông đam mê bất tận với thế giới của công nghệ và sáng tạo, và ít quan tâm tới tiền bạc hay vị trí.

Evan Williams có thể coi là một ví dụ tiêu biểu cho hình ảnh người đàn ông đam mê bất tận với thế giới của công nghệ và sáng tạo, và ít quan tâm tới tiền bạc hay vị trí. Ông giành lấy chiếc ghế CEO của Twitter theo một cách có phần độc đoán, nhưng với mục tiêu là để có thể hướng cho chú chim xanh bay lên đỉnh cao một cách nhanh và hiệu quả nhất, rồi sau đó lại dễ dàng rời bỏ chiếc ghế nóng đó để dồn tâm huyết vào một dự án startup hoàn toàn mới mang tên Medium.

Khởi nghiệp

Evan Williams trải qua tuổi thơ êm đềm trong một trang trại ở Clarks, Nebraska với ý nghĩ khi trưởng thành sẽ trở thành một người chủ trang trại thực thụ, tuy nhiên cậu bé Evan lại khá yêu thích lĩnh vực công nghệ, khi đó mới chỉ chớm nở trên thị trường. Lớn lên, Evan học đại học Nebraska Lincohn nhưng chỉ được một năm rưỡi, sau đó chàng trai trẻ bỏ học để theo đuổi sự nghiệp của mình.

Sau khi rời trường học, Evan đầu quân cho nhiều công ty công nghệ khác nhau, lớn có, nhỏ có, một số công ty mới được thành lập ở Florida, Key West hay Texas…Khoảng thời gian lăn lộn giữa các công ty này mang lại cho Evan cơ hội tiếp cận với nhiều lĩnh vực công nghệ từ nhiều góc độ và nền tảng khác nhau, nhờ vậy chàng trai trẻ tích lũy được một nền tảng kiến thức vô cùng vững vàng.

Cha đẻ của thuật ngữ “Blogger” và những bước chân không nghỉ

Năm 1999, Evan cùng một người bạn tên là Meg Hourihan đồng sáng lập ra Lyra Labs để phát triển các phần mềm quản lý dự án, sau đó họ tách riêng chức năng ghi chép ra một website riêng và đặt tên là Blogger – một trong những ứng dụng đầu tiên cho phép tạo và quản lý các ghi chú trên mạng. Từ đó khái niệm Blog và Blogger lan tỏa với tốc độ chóng mặt, tới nay thì hầu như ai cũng có thể hình dung được như thế nào là một Blog. Có thể nói Evan Williams chính là cha đẻ của thuật ngữ thú vị này. Nhờ có những sáng tạo không ngừng nghỉ, Williams được có tên trong danh sách MIT Technology Review TR100 với tư cách một trong số 100 nhà phát minh sáng chế hàng đầu thế giới ở độ tuổi dưới 35.

Sau khi bán lại Lyra Labs cho Google vào năm 2003, Evan lại nhanh chóng dấn thân vào một dự án mang tên Odeo – một công ty âm nhạc. Chỉ trong vòng 3 năm sau khi thành lập, Evan cùng các cộng sự đã bán được Odeo cho hãng Sonic Mountain.

Tới tháng 4/2007, Evan Williams tiếp tục trở thành nhà đầu tư, nhà đồng sáng lập, thành viên hội đồng quản trị của Twitter, một trang tiểu Blog mang tính chất mạng xã hội. Đến tháng 10/2008, sau những căng thẳng nội bộ của thương hiệu này, Evan quyết định tự mình nắm lấy trách nhiệm của một CEO.

Nhưng Evan Williams thực sự không phải người tranh giành chiếc ghế CEO vì tham vọng quyền lực hay địa vị, mà vì ông mong muốn có thể đưa Twitter đi theo hướng phát triển mà ông cho là đúng đắn. Theo thời gian người ta đã có cơ hội kiểm chứng điều này, khi mà Twitter nhanh chóng leo lên vị trí thứ 3 về số lượng người sử dụng.

Chú chim xanh Twitter lớn nhanh như thổi và chưa có dấu hiệu dừng lại

Từ bỏ ngai vàng để đi tìm hào quang mới

Những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ ngày càng trở thành mảnh đất cạnh tranh khốc liệt giữa những ông lớn công nghệ trên thị trường, với đủ mọi chiêu trò để hạ bệ đối thủ. Ví như mỗi lần Apple ra mắt sản phẩm mới, người ta lại thấy Samsung và các hãng điện thoại di động khác đua nhau tung ra những clip hay những bài phát biểu bắt lỗi sản phẩm đó.

Về mảng ứng dụng nhắn tin trực tuyến, sau khi Facebook thâu tóm Whatsapp, chú chim xanh Twitter trở thành đối trọng lớn nhất của Facebook còn lại trên thị trường. Trong khi người ta nín thở chờ đợi đòn đáp trả của Twitter thì Evan Williams dường như lại chẳng mảy may để tâm đến việc đó. Twitter vẫn hoạt động đều đặn, nhịp nhàng và vẫn tăng trưởng ổn định. Hóa ra người đàn ông giàu năng lượng này đang tập trung cho một dự án nhiều tham vọng khác mang tên Medium.

Ngày 4/10/2013, Evan Williams rời khỏi vị trí CEO của Twitter, bổ nhiệm Dick Costolo thay thế. Về phần mình, Williams dồn tâm huyết cho dự án khởi nghiệp mới Medium. Băn khoăn với câu hỏi: “trong tương lai chúng ta sẽ viết lách như thế nào?”, Evan đã mang đến cho người dùng trực tuyến ứng dụng Medium với việc cho phép đăng tải những bài viết ngắn hay dài, được viết bởi những nhà văn chuyên lẫn không chuyên. Nguyên lý của Medium là hướng đến một thiết kế sạch sẽ, rõ ràng và phát triển dựa vào sự kết nối nhà văn với độc giả để chỉnh sửa và khám phá ra những tác phẩm mới.

Medium – câu chuyện mới được kể bởi Evan Williams

Williams chia sẻ: “Đã 15 năm trôi qua kể từ ngày The Blogger được bán lại cho Google, nhưng tới giờ vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết”. Và Evan đang bằng mọi cách để đem đến một Medium có sự khác biệt nhất định với việc đăng một bài viết lên Blog hay để lại một vài dòng tweet. Ví dụ như Medium trả tiền cho bài viết của những nhà văn chuyên nghiệp và nỗ lực tạo ra một website chất lượng cao; và thay vì các bình luận để lại dưới mỗi bài viết, người đọc có thể để lại các ghi chú gắn liền với các cụm từ cụ thể trong bài viết, người viết có quyền để lại những ghi chú nào mà họ cảm thấy tốt cho bài viết của họ. Điều này làm cho bài viết được nhận những góp ý mang tính xây dựng hơn là việc bàn luận những câu chuyện phiếm không liên quan, hoặc không hữu ích cho bài viết của mình.

Theo một thống kê tính đến tháng 3 năm 2014, Medium đã nhận được 13 triệu lượt truy cập mỗi tháng, ứng dụng Medium trên điện thoại di động cũng đã được triển khai. Tuy vẫn còn trong quá trình hoàn thiện nhưng một điều có thể chắc chắn là rất nhiều điều hứa hẹn đang chờ đợi Medium cùng người dẫn đường Evan Williams ở phía trước.

>> 'Chim xanh' nổi tiếng của Twitter được sinh ra như thế nào?

Hải Hà

Hải Hà

Cùng chuyên mục
XEM