Điểm mặt 6 gia đình tài phiệt thao túng Hồng Kông

10/08/2012 13:19 PM |

Chỉ 6 gia đình này kiểm soát mọi mặt của cuộc sống người dân Hồng Kông, từ bất động sản, viễn thông, vận tải, bán lẻ…cho đến tài chính, bảo hiểm, điện, nước.

Nếu bạn là một tỷ phú bất động sản tại Hồng Kông, cuộc sống thật quá dễ chịu. Kinh tế Hồng Kông thường được coi như nền kinh tế tự do nhất thế giới, nhưng bên trong nó, một nhóm đầu sỏ nắm quyền quản lý về nguồn cung và cách định giá.

Tình trạng này không chỉ diễn ra trong lĩnh vực nhà ở mà còn cả trong lĩnh vực bất động sản thương mại như trung tâm mua sắm, khách sạn, căn hộ xa xỉ, văn phòng và đất công nghiệp.

Ai có nhiều tiền, người ấy thắng. Các tỷ phú thâu tóm toàn bộ địa điểm đẹp nhất tại Hồng Kông, ví như khu vực gần hệ thống giao thông công cộng hay có tầm nhìn hướng thủy. Đằng sau tất cả vẻ hào nhoáng của những trung tâm mua sắm xa xỉ, cuộc sống của rất nhiều người dân còn vô cùng khó khăn.

Dưới đây là 6 gia đình đang đứng sau hậu trường điều khiển kinh tế Hồng Kông:

1. Gia đình nhà Li: Gia đình ông Li Ka-shing sở hữu công ty bất động sản Cheung Kong Holdings, công ty kinh doanh đa ngành Hutchison Whampoa, Hong Kong Electric, Cheung Kong Infrastructure, CK Life Sciences, website Tom.com và mạng viễn thông PCCW.

Tổng giá trị vốn hóa thị trường của các công ty này, hoạt động trong mọi lĩnh vực, từ bất động sản cho đến vận tải biển, năng lượng, viễn thông, du lịch, khách sạn, bán lẻ, sản xuất, lên tới 852 tỷ đôla Hồng Kông (110 tỷ USD), tương đương 5% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Hồng Kông khoảng 18,5 nghìn tỷ đôla Hồng Kông (tính đến giữa tháng 7/2012). Cũng cần nhớ rằng tổng giá trị vốn hóa của các công ty đến từ Trung Quốc đại lục niêm yết trên sàn Hồng Kông đã chiếm tới 50% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường.

Ông Li Ka-shing sinh năm 1928 tại tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc là một tỷ phú nổi tiếng với tính cách cuốn hút, nhà thương thuyết có tài, nhà từ thiện nổi tiếng…Ông được Forbes vinh danh người giàu thứ 16 của thế giới với tổng tài sản khoảng 21,3 tỷ USD. Các công ty thuộc tập đoàn của ông hoạt động tại 50 nước trên toàn thế giới.

Hai con trai của ông Li, Victor và Richard, được hưởng nền học vấn của Mỹ. Ông Li làm chủ công ty Cheung Kong Holdings và Hutchison Whampoa. Victor nắm Cheung Kong Infrastructure và CK Life Sciences. Richard sở hữu hãng viễn thông PCCW nổi tiếng bậc nhất Hồng Kông.

Cheung Kong Holdings thuộc nhóm công ty đứng đầu lĩnh vực bất động sản Hồng Kông suốt từ thập niên 1960. Victor không để lộ nhiều thông tin ra công chúng, không giống như Richard, người đã được coi như “siêu sao” vào năm 1993 khi anh ở tuổi 27. Năm ấy, anh bán Star TV, kênh truyền hình nổi tiếng châu Á cho tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch với giá 390 triệu USD. Cũng không cần phải giải thích thêm, kênh truyền hình Star TV do cha của anh, ông Li Kashing sáng lập.

Richard lấy tiền lãi thu được từ thương vụ trên để thành lập công ty viễn thông Pacific Century Group và sau này chuyển thành PCCW. Năm 1999, với sự hậu thuẫn của chính quyền Hồng Kông, công ty của ông lên kế hoạch xây dựng hệ thống cộng đồng số với tổng chi phí 1,7 tỷ USD.

Thương vụ thực sự hái ra tiền chính là vụ sáp nhập trị giá 28,4 tỷ USD với công ty viễn thông Hồng Kông Telecom (HKT) vào năm 2000, thương vụ được gọi với cái tên “thương vụ thế kỷ”.

Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ cho vụ sáp nhập, Singapore Telecom cạnh tranh với PCCW trong vụ sáp nhập này. Tuy nhiên sau khi PCCW và HKT đối đầu với nhiều khó khăn trong thời kỳ bong bóng công nghệ vỡ, dự án cộng đồng số vốn từng được quảng cáo rùm beng chẳng đi đến đâu.

2. Gia đình nhà Kwok: Công ty bất động sản Sun Hung Kai Properties được sáng lập bởi Kwok Tak-seng, người cũng đến từ tỉnh Quảng Đông khởi nghiệp kinh doanh suốt từ những năm 50 của thế kỷ trước và chính thức bước vào lĩnh vực bất động sản năm 1958. Cho đến bây giờ người ta vẫn nhớ đến đức tính làm việc cực kỳ chăm chỉ, miệt mài của ông. Ông đã qua đời năm 1990. Ông có 3 con trai: Walter, Thomas và Raymond. 2 con trai lớn học ở Anh, Raymond học cả ở Anh và Mỹ.


Bê bối đưa hối lộ và thù hận gia đình đang làm 3 anh em nhà Kwok mất đoàn kết

Sun Hung Kai là công ty bất động sản lớn nhất tại Hồng Kông, kiểm soát hơn 100 công ty trong lĩnh vực xây dựng, quản lý bất động sản, dịch vụ điện và cứu hỏa, kiến trúc, sản xuất xi măng, tài chính và bảo hiểm.

Họ xây dựng rất nhiều loại công trình khác nhau, từ nhà máy cho đến đại siêu thị, tòa nhà văn phòng, nổi bật nhất có thể kể đến Tòa tháp tài chính IFC và sân bay Hồng Kông. Sun Hung Kai đang nắm 47,5% cổ phần hai tòa tháp IFC 1 và 2. Henderson Land cũng sở hữu số cổ phần tương tự ở IFC 1 và 2. Sun Hung Kai năm 100% cổ phần trong nhà ga xe điện ngầm Kowloon. Không thể không kể đến tòa tháp thương mại quốc tế (ICC), điểm đến nổi tiếng của Hồng Kông với khách sạn của tập đoàn Ritz Carlton ở trên cùng (khách sạn cao nhất thế giới).

3 anh em tỷ phú nhà Kwok từng được coi như “tam giác thép”. Nay mối thù hận trong gia đình và cáo buộc đưa hối lộ đang khiến mối quan hệ của họ tan vỡ. Thomas và Raymond bị buộc tội đưa hối lộ và gian dối – vụ bê bối đưa hối lộ này được coi như nổi tiếng nhất trong lịch sử Hồng Kông và nó cho thấy rõ sự câu kết giữa tài phiệt và quan chức trong chính quyền Hồng Kông.

Trong khi Thomas và Raymond đang bận giải quyết vụ bê bối pháp lý, thay cho việc thuê quản lý chuyên nghiệp để giải quyết hậu quả, gia đình đưa 2 con trai của nhà Kwok, hiện mới ở độ tuổi khoảng 30, lên làm giám đốc. Thành tích và kinh nghiệm kinh doanh của 2 người này gần như chưa có gì. Và theo quan niệm của người Trung Quốc, mọi thứ chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình.

3. Gia đình nhà Lee: Ông Lee Shau-Kee cũng đến từ tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc, ông tiếp bước công việc của cha mình, một người chuyên kinh doanh vàng, tiền tệ, và đến năm 1958 cũng tham gia vào lĩnh vực bất động sản cùng với Kwok Tak-seng và Fung King-hey, nhóm từng được coi như bộ ba quyền lực ở Hồng Kông cho đến năm 1972 khi họ quyết định đi theo con đường khác nhau.

Ông Lee sau đó thành lập Wing Tai Development. Hiện nay ông nắm 3 công ty bao gồm công ty bất động sản Henderson Land, công ty đầu tư Henderson Investment and công ty khí đốt The Hong Kong and China Gas Company nắm thị phần khí đốt lớn nhất tại Hồng Kông. 3 công ty có tổng giá trị vốn hóa khoảng 257 tỷ đôla Hồng Kông (tính đến ngày 26/07/2012). Ông Lee giữ chức chủ tịch cả 3 công ty. Ông có tổng tài sản 19 tỷ USD và là tài phiệt giàu có thứ 2 tại Hồng Kông, chỉ sau ông Li Ka-shing.

Công ty bất động sản Henderson Land thành công bằng chiến lược thâu tóm thị trường nhà ở quy mô nhỏ và trung bình. Họ mua lại khu căn hộ cũ ở vị trí đắc địa của Hồng Kông như khu Wan Chai, Causeway Bay…và kinh doanh kiếm lời.

Lee Ka-kit, con trai lớn của Lee Shau-Kee, từng học tại Anh. Ông này đang giữ chức phó chủ tịch 2 công ty kiêm chủ tịch hội đồng quản trị của công ty còn lại. Ông chịu trách nhiệm cho mảng kinh doanh bất động sản chiến lược nhất. Công ty hoạt động mạnh tại Trung Quốc đại lục, chủ yếu ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và đồng bằng châu thổ sông Châu. Con trai Lee Ka-shing và con gái Magaret của ông Lee Shau-Kee cũng đang leo dần lên những chức vụ cao hơn trong công ty.

4. Gia đình nhà Cheng: Tập đoàn New World Development của nhà Cheng bao gồm 3 công ty: công ty hạ tầng và xây dựng NWS Holdings, New World China Land và công ty năng lượng Mongolia Energy Corporation. Tập đoàn thuộc về ông Cheng Yu-tung, người cũng đến từ tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc. Các công ty đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, hạ tầng, dịch vụ công (dịch vụ xe bus và phà tại Hồng Kông), và viễn thông. Tập đoàn New World Development có giá trị vốn hóa 59 tỷ đôla Hồng Kông (tính đến ngày 26/07/2012).

Ông Cheng tuy nhiên đã lui vào hậu trường từ năm 1989. Henry, con trai lớn của ông, sau khi hoàn thành chương trình học tại Canada, hiện đang điều hành New World Development và đảm nhiệm chức chủ tịch New World China Land và NWS Holdings. Peter, con trai thứ hai của ông cũng giữ chức vụ điều hành trong 2 công ty. Quan trọng hơn, World China Land sở hữu cả ngân hàng ở Trung Quốc đại lục.

Ông Cheng từng được biết đến với danh hiệu “ông hoàng trang sức” vào thập niên 1960 khi ông kiểm soát không dưới 30% tổng lượng kim cương nhập khẩu tại Hồng Kông. Ông cũng rất nổi tiếng với công ty trang sức Chow Tai Fook cho đến khi ông chuyển hướng sang bất động sản vào thập niên 1960. Tập đoàn New World của ông xây dựng nhiều công trình nổi tiếng nhất Hồng Kông như khách sạn Regend (nay là Intercontinental), trung tâm triển lãm và hội nghị Hồng Kông (Hong Kong Exhibition and Convention Center).

5. Gia đình nhà Y K Pao và Peter Woo: Tập đoàn Wharf/Wheelock Group được sáng lập bởi Y K Pao, nhà kinh doanh trong lĩnh vực vận tải nổi tiếng đến từ tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc. Khởi nghiệp, ông làm nhân viên ngân hàng tại Thượng Hải và đến Hồng Kông năm 1949. Ông mất năm 1991.

Công ty Wharf (Holdings), Wheelock and Company và i-Cable Communications có tổng giá trị vốn hóa thị trường khoảng 190 tỷ đôla Hồng Kông. Hai công ty này đầu tư mạnh vào bất động sản, viễn thông, truyền thông, giải trí, vận tải.

Đến năm 1973, trước khi cú sốc dầu mỏ xảy ra, ông Pao còn có nhiều tàu vận tải hơn cả hãng vận tải huyền thoại thế giới Aristoteles Onassis. Khi ông đa dạng hoạt động kinh doanh và thâu tóm Wharf năm 1980, với sự hỗ trợ của ngân hàng HSBC, ông giành được khá nhiều bất động sản có giá trị lớn nhất Hồng Kông, như khu Tsim Sha Tsui tại Kowloon. Wharf thống trị lĩnh vực bất động sản thương mại tại Hồng Kông.

         Hệ thống du lịch trên sông độc đáo nhất thế giới do gia đình YKPao độc quyền.

Pao còn nắm được quyền kiểm soát Star Ferry, hệ thống du lịch bằng phà trên sông độc đáo nhất thế giới. Giá vé 1 chiều đi khắp khu cảng Hồng Kông giảm xuống chỉ còn 2,30 đôla Hồng Kông.

6. Gia đình nhà Kadoorie: Elly Kadoorie sáng lập tập đoàn CLP vào năm 1901. Gia đình này là cổ đông lớn nhất trong tập đoàn CLP Holdings và tập đoàn khách sạn Hồng Kông Thượng Hải sở hữu chuỗi khách sạn xa xỉ Peninsual. 2 tập đoàn có tổng giá trị vốn hóa thị trường khoảng 172 tỷ đôla Hồng Kông (tính đến 26/07/2012). Tập đoàn CLP hiện kiểm soát độc quyền hệ thống điện tại Hồng Kông và sau đó còn mở rộng sang kinh doanh điện tại Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc. Tập đoàn còn cung cấp điện tại miền Tây Ấn Độ , Úc và Thái Lan.

Như vậy, toàn cảnh về 6 gia đình tỷ phú nổi tiếng nhất tại Hồng Kông đủ để cho người ta thấy tại đặc khu này, chỉ vài gia đình trên đã kiểm soát gần như toàn bộ cuộc sống của người Hồng Kông. Hồng Kông thực ra chẳng phải miền đất tự do như người ta vẫn thường vinh danh nó.

Ngọc Diệp

ngocdiep

Cùng chuyên mục
XEM