Đế chế bất động sản giàu có nhất Hồng Kông "chấn động" vì... đàn bà

02/04/2012 14:55 PM |

Cuộc chiến giành vị trí lãnh đạo tập đoàn bất động sản hàng đầu Hong Kong trong gia đình tỉ phú Kwok đã nổ ra bởi một người đàn bà.

Ngay cả trước những gì đã xảy ra trong tuần trước, gia đình Kwok nổi tiếng giàu có tại Hồng Kông vốn vẫn quá tai tiếng về một gia đình toàn tỷ phú, vụ bắt cóc, anh em trai tranh giành nhau, bệnh tâm thần và gia đình tan vỡ.

Nay người ta còn nhớ đến gia đình này với nhiều lời bê bối về tham nhũng liên quan đến cả quan chức hàng đầu Hồng Kông.

Từ sau khi thông tin về vụ bắt giữ Thomas và Raymond Kwok được công bố do nghi vấn đưa hối lộ, giới truyền thông Hồng Kông trở nên cực kỳ căng thẳng.

Một quan chức chính quyền Hồng Kông cũng bị nghi liên quan đến vụ bắt giữ này, cụ thể đó là ông Rafael Hui.

Một chuyên gia thuộc ngân hàng đầu tư, người thường xuyên làm việc với công ty bất động sản, phát biểu với FT rằng ông thấy anh em nhà tỷ phú trên luôn có thái độ rất thẳng thắn trong công việc.

Tỷ phú Thomas và Raymond Kwok, năm nay lần lượt 61 và 60 tuổi, đều hết sức nghe lời người mẹ của họ và rất chuộng đạo Thiên Chúa.

Câu chuyện khởi đầu của gia đình sở hữu tập đoàn bất động sản hàng đầu Hồng Kông

Tập đoàn được sáng lập năm 1963 bởi ông Kwok Tak-seng, người đã vươn lên đến đỉnh cao nhờ tham gia vào mọi lĩnh vực trong ngành bất động sản, từ bất động sản nhà ở cho đến khách sạn và phát triển công nghiệp.

Sinh ra tại thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ông chuyển đến Hồng Kông sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Ông cùng với Fung King-hey và Lee Shau-kee thành lập công ty bất động sản Sun Kung Hai vào năm 1958.

Ông Lee, một cộng sự của Kwok Tak-seng, sau này tách ra thành lập công ty bất động sản Henderson Land Development và hiện là người giàu thứ 2 tại xứ Cảng thơm sau tỷ phú Lý Gia Thành, người đứng đầu công ty bất động sản Cheung Kong Holdings.

Cũng giống như Like Lee và Li, ông Kwok kiếm được rất nhiều tiền khi giá bất động sản tại Hồng Kông tăng mạnh suốt 3 thập kỷ.

Giáo sư Eddie Hui, người đứng đầu khoa xây dựng, bất động sản tại đại học Hong Kong Polytechnic University, nhận xét: “Cũng giống như các công ty đối thủ, Sun Hung Kai đã chọn đúng ngành nghề để phát triển trong thời kỳ thị trường nhà đất tại Hồng Kông tăng trưởng bùng nổ đáng kinh ngạc.”

Sun Hung Kai (SHKP) nổi tiếng với các dự án căn hộ cao cấp và chính điểm này khiến công ty trở nên khác biệt trên thị trường bất động sản.

Sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vào năm 1972, giá trị thị trường của SHKP tăng lên mức hơn 30 tỷ USD và tổng tài sản tính đến tháng 12/2011 đạt tới 442 tỷ USD. Trước vụ bắt giữ vào ngày thứ Sáu tuần trước, 42% cổ phần của gia đình Kwwok tại SHKP có trị giá khoảng 18,3 tỷ USD và gia đình này giàu thứ 27 trên thế giới, theo tính toán của Forbes.

Cái chết và một vụ bắt cóc

Khi người sáng lập ra tập đoàn, ông Kwok, qua đời vì bệnh tim vào ngày 30/10/1990 ở tuổi 79, ông để lại một người vợ và 3 đứa con trai.

Quyền quản lý triều đại Kwok được dành cho người con trai lớn, ông Walter Kwok, người sau này đã đảm nhiệm chức vụ chủ tịch kiêm giám đốc điều hành.

Thế nhưng khối tài sản nổi tiếng của gia đình ông đã thu hút sự chú ý của Cheung Tze-keung, một tay găng tơ nổi tiếng được biết đến với tên khác là Big Spender.

Năm 1997, Walter đã bị Cheung bắt cóc, đánh đập, lột gần hết quần áo và giam 1 tuần trong chiếc hộp gỗ trước khi gia đình ông có thể trao đổi để lấy lại sự tự do cho ông.

Người ta đồn rằng bà Kwong Siu-hing đã có cuộc gặp bí mật với Big Spender trong một căn hộ sang trọng ở khu trung tâm Hồng Kông để giành lại sự tự do cho con trai bà.

Cheung đã nhận được món tiền chuộc lớn nhất trong lịch sử Hồng Kông, khoảng 600 triệu đôla Hồng Kông tuy nhiên sau đó tên găng tơ này đã bị bắt giữ và xử bắn tại đại lục vào năm 1998.

Cuộc chiến gia đình đầy cay đắng

Dù Walter được thả ra, mọi chuyện trong gia đình Kwok không hề đơn giản. Cuộc chiến cay đắng giành quyền kiểm soát tập đoàn SHKP bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng từ năm 2008.

Hai em trai của ông Walter, Thomas và Raymond, cùng với người mẹ 79 tuổi đã thành công khi nói với công chúng rằng Walter không đủ khả năng nắm quyền bởi có vấn đề về thần kinh – cáo buộc mà Walter đã bác bỏ.

Thế nhưng có nhiều báo cáo cho thấy thực ra gia đình này bất bình khi Walter, một người đàn ông đã lập gia đình, lại có mối quan hệ lằng nhằng với một người phụ nữ và cố gắng đưa người này vào ban quản trị của tập đoàn SHKP – căng thẳng lên đến cực đỉnh.

Người phụ nữ ở tâm điểm của dư luận chính là bà Ida Tong Kam-hing, luật sư người Hồng Kông già hơn ông 5 tuổi. Hai người từng yêu nhau lúc trẻ. Ông Walter, năm nay 62 tuổi, đã biết bà trong suốt 30 năm, từ trước khi ông cưới người vợ, bà Wendy.

Bà Ida Tong thường cố vấn cho Walter Kwok về công việc kinh doanh, tham gia vào không ít cuộc họp nội bộ. Bà có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến Walter Kwok và thậm chí không ít thân tín của bà vào làm việc tại tập đoàn. Gia đình Kwok điên lên và muốn tính kế “hất cẳng” con trai lớn ra khỏi gia đình.

Giới báo chí lá cải của Hồng Kông gọi bà với biệt danh Camilla, bởi họ cho rằng mối quan hệ này giống như mối ràng buộc của thái tử Charlers với Camilla Parker-Bowles từ trước khi ông cưới công nương Diana.

Đây là một người đàn bà với diện mạo hết sức bình thường nhưng vô cùng tham vọng và luôn có các vụ đấu khẩu với hai em trai của Walter.

Theo thông tin từ giới truyền thông Hồng Kông, Walter đã từng kết thúc mối quan hệ với bà chẳng qua vì cha ông không chấp thuận. Thế nhưng mọi chuyện đã nối lại sau vụ ông bị bắt cóc.

Walter đã từng bác bỏ và nộp đơn kiện hai em trai do đã đưa thông tin sai lệch về ông trước mặt mẹ ông và ban điều hành của SHKP.

Sau cuộc chiến kéo dài 3 tháng khiến báo giới Hồng Kông điên đảo, Walter đã bị loại khỏi ban quản trị của công ty và chỉ được đảm nhiệm vị trí không tham gia điều hành. Mẹ ông giữ chức chủ tịch cho đến năm 2011 khi hai em trai Thomas và Raymond trở thành đồng chủ tịch.

Người ta đồn đoán rằng các cuộc điều tra của Ủy ban điều tra tham nhũng Hồng Kông có thể liên quan đến vụ kiện tại tòa án do Walter Kwok đệ trình lên nhằm giữ được vị trí của mình trong tập đoàn.

Cựu quan chức chính quyền Hồng Kông, ông Rafael Hui, bạn lâu năm của gia đình Kwok và tư vấn đặc biệt cho SHKP, được cho rằng đã đứng đằng sau hỗ trợ cho anh em Thomas và Raymond Kwok và bà mẹ già để họ giành kiểm soát SHKP và đẩy Walter Kwok đi.

Ông Rafael Hui trước đây là một trong những trợ lý đặc biệt cho ông Tăng Âm Quyền, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông sau khi ông này nhậm chức vào năm 2005.

Ngọc Diệp


kyanh

Cùng chuyên mục
XEM