Chủ tịch Dynasty: Tôi ước về Việt Nam sớm hơn

06/08/2015 09:17 AM |

Mang hai dòng máu Việt - Luxembourg, thần tượng bà Tôn Nữ Thị Ninh nên ngay từ nhỏ ông đã muốn trở về Việt Nam để làm những điều có ích cho quê cha. Thế nhưng, phải mất nhiều năm sau ông mới thực hiện được ước mơ khi quyết định từ bỏ công việc ở xứ người và bắt đầu một sứ mệnh mới ở Việt Nam.

Đang làm quản lý tại JP Morgan, một tập đoàn tài chính nổi tiếng thế giới, điều gì đã thôi thúc ông từ bỏ công việc ổn định để trở về Việt Nam?

Ông Đỗ Ngọc Olivier Dũng: Lúc tôi còn nhỏ, ba tôi đã luôn hứa sẽ đưa tôi trở về thăm Việt Nam nhưng mãi đến những năm 1990 tôi mới có dịp đặt chân đến Việt Nam. Sau những chuyến đi về giữa Việt Nam và Luxembourg, năm 2007, tôi quyết định từ bỏ sự nghiệp 15 năm trong lĩnh vực ngân hàng và gầy dựng sự nghiệp ở quê cha.

Tuy là quê cha nhưng có lẽ Việt Nam không quá thân thuộc với một người sinh ra và lớn lên ở trời Tây. Rời bỏ công việc tốt để đến một nơi xa lạ làm lại từ đầu, ông có thấy hối tiếc?

Tại JP Morgan, tôi đã được tham gia nhiều dự án tại những thị trường khác nhau và đã có cơ hội khám phá rất nhiều khía cạnh của ngành ngân hàng nên không có gì phải hối tiếc khi rời tổ chức này.

Đã đến Trung Quốc, Ấn Độ, những quốc gia cũng trải qua thời kỳ phát triển kinh tế tương tự Việt Nam, với nhiều cơ hội kinh doanh nhưng tôi không cảm thấy có sự gắn kết như với đất nước này. Tôi muốn về Việt Nam kinh doanh và thực hiện sứ mệnh của mình.

Sứ mệnh ông vừa nói đến là gì, thưa ông?

Tôi may mắn có được cuộc sống ấm no ở nước ngoài nên muốn làm điều gì đó có ích cho quê hương. Từ khi tôi còn rất nhỏ, ba mẹ đã luôn dạy tôi tầm quan trọng của tình thương yêu và đoàn kết. Tôi đã rất xúc động khi chứng kiến sự khó khăn của đất nước vào lần đầu tiên trở lại Việt Nam và điều đó đã kết nối tôi với quê hương.

Tôi nhận ra mình có thể kết hợp kinh doanh để nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo ảnh hưởng đến cộng đồng. Điều này không chỉ dừng lại ở việc trả lương cho nhân viên mà còn giúp phát triển đất nước và hỗ trợ những người thiệt thòi.

Dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, vì sao ông không tiếp tục phát huy sở trường ấy mà lại tham gia vào lĩnh vực có vẻ như không liên quan là bất động sản? Có phải đây là lựa chọn duy nhất của ông?

Cho đến nay, thị trường tài chính ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế so với các trung tâm tài chính quốc tế lớn như London, Hồng Kông hay Tokyo. Lĩnh vực này đòi hỏi chuyên môn cao và mặc dù có kiến thức cũng như năng lực tốt nhưng không dễ có cơ hội tìm được công việc tương tự tại một nước đang phát triển như Việt Nam.

Hơn nữa, sau gần 15 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, tôi cảm thấy nên làm cái gì đó gần gũi hơn, tạo ra các giá trị thực tế thay vì chỉ liên quan tới những con số. Vì vậy, bất động sản dường như là lựa chọn hợp lý vì nó đòi hỏi rất nhiều kỹ năng tài chính nhưng đồng thời cũng tạo ra những giá trị thực tế.

Tôi bắt đầu kinh doanh ở Việt Nam bằng việc mua bán bất động sản. Villa Song Saigon ở Thảo Điền là dự án đầu tiên chúng tôi xây dựng và đưa vào vận hành cho đến nay.

Năm 2009, khu vực này chưa phát triển lắm nên khi thấy tôi đầu tư vào đây, nhiều người bảo tôi điên. Nhưng thời gian đã trả lời tất cả. Sau 17 tháng cải tạo lại tòa nhà vào năm 2013, đến nay, Villa Song Saigon luôn giữ vị trí số 1 trên TripAdvisor và nằm trong top đầu về tỷ lệ đặt chỗ (Occupancy).

Đã thành công với các dự án cao cấp nhưng vì sao lần này ông lại đầu tư vào phân khúc nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình với thương hiệu EZLand?

Khi bắt đầu kinh doanh ở một thị trường hoàn toàn mới thì lựa chọn đầu tư vào phân khúc cao cấp sẽ phù hợp hơn vì tôi hiểu được suy nghĩ của khách hàng và biết chính xác họ cần gì. Nhưng nay, sau 8 năm ở Việt Nam, tôi hiểu hơn về thị trường, con người, cách thức vận hành và việc phối hợp với những tổ chức, cá nhân tại địa phương.

Đây là thời điểm thích hợp để chúng tôi đưa những kinh nghiệm trong việc phát triển dự án bất động sản vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, tạo nên sự khác biệt với những chủ đầu tư khác.

Nhưng như vậy liệu có quá trễ khi thị trường đã có nhiều người tham gia?

Chúng tôi đã có ý định tham gia thị trường từ cách đây ba năm rưỡi nhưng cần một năm rưỡi để Oliver Brazier, người đồng hành cùng tôi, hoàn tất việc kinh doanh của ông ấy tại châu Âu và chuyển tới Việt Nam.

Sau đó chúng tôi còn mất thời gian cho nghiên cứu thị trường để phát triển thiết kế, sản phẩm căn hộ sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Đầu tư vào bất động sản là đầu tư lâu dài chứ không như thời trang hay ẩm thực mà chạy theo một xu hướng nhất thời. Vì vậy, chúng tôi phải nghiên cứu rất kỹ trước khi đưa ra quyết định.

Có nhiều đối thủ cạnh tranh là một tín hiệu lạc quan vì nhu cầu rất lớn, đến hàng trăm nghìn căn hộ trong vòng 5 - 10 năm sắp tới. Có thể nói chúng tôi bắt đầu ở thời điểm chín muồi, không chậm và cũng không quá sớm (cười).

Nghiên cứu thị trường kỹ như vậy, hẳn ông đã chuẩn bị những lợi thế cho EZLand?

Chúng tôi đang phát triển dự án đầu tiên với khoảng 600 căn hộ và dự án thứ hai với trên 1.000 căn. Thách thức lớn nhất đối với chúng tôi hiện nay là đảm bảo quá trình chọn lựa mặt bằng phát triển các dự án tuân theo các chỉ tiêu nghiêm ngặt đã đề ra và làm sao để quá trình thi công xây dựng đúng như kế hoạch, thực hiện lời hứa cung cấp cho khách hàng những căn hộ đạt chất lượng.

Cụ thể, những căn hộ của EZLand sẽ thiết kế lấy cảm hứng từ trường phái Bauhaus (lấy con người làm trọng tâm) đã tồn tại hơn 100 năm, xuất phát từ Đức. Mục đích cuối cùng của việc phát triển dự án là tạo không gian sống thoải mái để khách hàng tận hưởng mỗi khi về nhà.

Hiện nay, rất nhiều dự án được phát triển và nhiều chủ đầu tư thường không chú ý đến điều này. Khi hướng tới khách hàng, chúng tôi có cách tiếp cận, cách làm hoàn toàn khác để tạo thêm nhiều giá trị cho cộng đồng cư dân sinh sống tại đây.

Chúng tôi cam kết thực hiện những điều đó đúng như tính cách của người Đức: "Nói gì làm đó và làm những gì được nói".

Dự án đầu tiên của EZLand được triển khai vào quý IV năm nay là HausNeo, với slogan "Vẹn tròn tổ ấm" sẽ chứng minh điều đó. Chúng tôi thực hiện những điều này với hy vọng truyền cảm hứng cho nhân viên ở EZLand, Villa Song và Les Rives, là họ không chỉ làm việc để nhận lương mà làm với đam mê và yêu những sản phẩm họ tạo ra.

Được biết, ngoài các dự án bất động sản, kinh doanh du lịch, ông còn đầu tư vào các dự án xã hội nhằm mang đến những giá trị bền vững cho đất nước mà điển hình là các nông trại thực phẩm hữu cơ tại Lâm Đồng, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu?

Đúng vậy. Ngoài bất động sản, chúng tôi cũng hoạt động tích cực trong lĩnh vực đầu tư vốn tư nhân và đầu tư mạo hiểm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ du lịch đến công nghệ thông tin và trồng trọt. Dự án gần đây nhất là mô hình "doanh nghiệp xã hội" và "đầu tư tác động" trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt hữu cơ.

Ngoài hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng trọt theo phương pháp hữu cơ cho nông dân, chúng tôi còn mua lại sản phẩm với giá tốt để họ an tâm canh tác. Hiện, dự án đã khởi động với việc thành lập một hợp tác xã gồm 2.000 hộ gia đình tại Đà Lạt. Vào cuối năm nay sẽ triển khai tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tất cả những hoạt động này xuất phát từ sự ngưỡng mộ của tôi đối với bà Tôn Nữ Thị Ninh, người phụ nữ đã không ngần ngại từ bỏ cuộc sống đầy đủ ở xứ người, về Việt Nam chỉ để thực hiện các dự án "doanh nghiệp xã hội" và các hoạt động bảo vệ phụ nữ.

Những dự án này đến nay đã mang lại hiệu quả như thế nào, thưa ông?

Vốn đầu tư vào "doanh nghiệp xã hội" còn khá khiêm tốn so với bất động sản nên chúng tôi cũng đặt kỳ vọng khiêm tốn cho mảng này. Tuy vậy, chúng tôi cũng có những cam kết nhất định về hiệu quả kinh doanh đối với các đối tác góp vốn và lợi nhuận thu được sẽ dùng để tiếp tục tái đầu tư, nhân rộng mô hình.

Mặc dù mọi thứ chỉ mới bắt đầu nhưng chúng tôi hy vọng có thể truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp xã hội khác kết hợp cùng các quỹ đầu tư phát triển các lĩnh vực này trong tương lai.

Như vậy, có thể hình dung doanh nhân Đỗ Ngọc Olivier Dũng là "người đa năng" khi đầu tư và quản lý nhiều lĩnh vực khác nhau như bất động sản, du lịch, sản xuất thực phẩm hữu cơ...?

Tôi đã gặp thất bại trước đó với các lĩnh vực công nghệ thông tin, nhà hàng... Sai lầm của tôi là tham gia quá nhiều dự án trong nhiều lĩnh vực và đánh giá thấp những khó khăn trong việc điều hành doanh nghiệp tại Việt Nam.

Rút kinh nghiệm từ những thất bại trước, hiện tại, mặc dù đầu tư vào nhiều lĩnh vực nhưng tôi ưu tiên tập trung vào một số dự án nhất định và cố gắng đưa các dự án này vào top đầu của ngành. Chẳng hạn như Villa Song Saigon được TripAdvisor đánh giá là khách sạn hiện đứng đầu tại TP.HCM.

Les Rives, công ty chuyên về du lịch đường sông, cũng đang dẫn đầu thị trường các tour trong ngày tại Sài Gòn. Trang trại ở Đà Lạt thì đi đầu trong công nghệ nuôi trồng hữu cơ ở Việt Nam và là nông trại duy nhất tại tỉnh Lâm Đồng đạt được chứng nhận từ châu Âu.

Chúng tôi hy vọng EZLand sẽ trở thành nhà đầu tư phát triển nhà ở vừa túi tiền có chỗ đứng trên thị trường trong vài năm tới. Đối với tôi, thứ hạng không phải là mục tiêu cuối cùng nhưng là sự công nhận cho những nỗ lực để làm những điều có sức ảnh hưởng và ý nghĩa trong một ngành hoặc lĩnh vực kinh doanh cụ thể.

Sau 8 năm sống ở Việt Nam, ông thấy đất nước thay đổi ra sao? Có như kỳ vọng ông đặt ra khi trở về quê hương lần đầu tiên?

Có rất nhiều thứ vượt quá mong đợi của tôi và cũng có những điều không như mong đợi. Đã có người hỏi tôi, nếu quay lại 8 năm trước, liệu tôi có đưa ra quyết định tương tự? Câu trả lời của tôi là: "Chắc chắn tôi vẫn quay về Việt Nam và tôi ước mình đưa ra quyết định sớm hơn".

Như nhiều doanh nhân Việt kiều khác, dù đầu tư rất nhiều tại Việt Nam nhưng hình như ông không có ý định định cư lâu dài ở đây?

Tôi về Việt Nam không phải để kiếm tiền nhanh chóng hoặc khai thác cơ hội làm giàu trong thời kỳ chuyển đổi kinh tế rồi ra đi. Với tôi, Việt Nam như là nhà vì gia đình tôi ở đây và tôi đang mở rộng đầu tư tại nơi này. Tôi yêu thích những việc mình làm và cảm thấy đây là nơi tuyệt vời để sống, làm việc. Tôi cũng đang thuyết phục ba tôi về quê cha đất tổ để an dưỡng tuổi già.

Cùng lúc đầu tư vào nhiều lĩnh vực, ông làm cách nào cân bằng giữa thời gian dành cho công việc và gia đình?

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống rất quan trọng với tất cả mọi người. Thấy tôi làm việc 15 - 16 giờ mỗi ngày, nhiều người cho rằng tôi không biết phân bổ thời gian một cách hợp lý, nhưng theo tôi, khi đam mê những gì mình làm và linh động trong dự án kinh doanh riêng thì sẽ cảm thấy mọi thứ thật ổn. Bạn sẽ hạnh phúc khi công sức bạn bỏ ra mang lại hạnh phúc cho người khác, tôi cũng thế.

Được biết, mặc dù công việc bận rộn nhưng cứ đến cuối tuần ông lại "xách cặp táp" sang Hồng Kông để hoàn tất chương trình tiến sĩ tài chính. Với ông, việc học quan trọng như thế nào?

Tôi sinh ra trong gia đình rất coi trọng việc học và đã được giáo dục từ lúc còn rất nhỏ là không bao giờ ngừng học. Ba tôi đã 82 tuổi mà vẫn đang học thêm một ngoại ngữ dù ông đã biết 6 thứ tiếng. Tôi nghĩ ông đang làm gương cho tôi (cười).

Hình như ngoài công việc, ông cũng rất đam mê thể thao?

Công việc khá là thử thách nên tôi cũng cần những khoảng thời gian thư giãn để lấy lại năng lượng và thoát khỏi việc kinh doanh. Tôi rất thích các môn thể thao mạo hiểm như trượt tuyết tự do và leo núi tuyết.

Ngay từ nhỏ tôi đã tham gia các môn thể thao vận động này và đang học lấy chứng chỉ chuyên nghiệp đầu tiên cho môn lặn biển. Tất cả những hoạt động không dính tới điện thoại hay internet thật sự là cách rất tốt để "chạy trốn" căng thẳng (break away)!

Một sở thích khác cũng rất thú vị đối với tôi là chơi tranh nghệ thuật. Tôi đã tham dự nhiều triển lãm nghệ thuật trên thế giới và đặc biệt là tại Việt Nam. Tôi tin những bức tranh phản ánh một phần di sản văn hóa của đất nước và tôi đã sưu tập nhiều tác phẩm bị phát tán trên thế giới, mang chúng về Việt Nam để mọi người có thể thưởng thức.

Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!

Theo Hồng Nga

Cùng chuyên mục
XEM