'Cha đẻ' ứng dụng Whatsapp: Không game, không quảng cáo, không màu mè

08/10/2014 11:12 AM | Nhân vật

Jan Koum, một trong hai người sáng lập ra ứng dụng tin nhắn Whatsapp đang càn quét khắp các châu lục, cựu nhân viên của Yahoo vốn là người khá kiệm lời và không thích khoe khoang.

Jan Koum, một trong hai người sáng lập ra ứng dụng tin nhắn Whatsapp đang càn quét khắp các châu lục, cựu nhân viên của Yahoo, con trai của một gia đình Ukraine nhập cư, vốn là một người khá kiệm lời và không thích khoe khoang. Nếu không có sự kiện Whatsapp sáp nhập vào Facebook và việc gia nhập danh sách Forbes 400 năm nay, cái tên Jan Koum có lẽ sẽ còn tiếp tục là một ẩn số với nhiều người.

Tuổi trẻ sục sôi

Jan Koum sinh năm 1976 trong một ngôi làng nhỏ ở ngoại ô Kiev, Ukraine. Cậu là con trai duy nhất của một cặp vợ chồng nghèo: người chồng là kỹ sư xây dựng, vợ ở nhà chăm sóc gia đình. Chính việc trải qua thời niên thiếu trong tình cảnh khốn khó đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến cho Jan Koum rất dị ứng với những chiêu trò quảng cáo màu mè vô bổ thường gặp trong xã hội ngày nay.

Tới năm 16 tuổi, Koum và mẹ nhập cư vào Mỹ, sống trong một căn hộ nhỏ do chính phủ Mỹ tài trợ. Hai mẹ con cậu đã phải làm mọi việc để sống qua ngày, thậm chí có giai đoạn họ phải dựa vào tiền trợ cấp mất khả năng lao động của người mẹ - khi đó đã mắc bệnh ung thư - để trang trải chi phí.

Ở trường, cậu bé Koum thuộc thành phần thường xuyên gây rắc rối, nhưng cậu khá thích thú tìm hiểu về mạng Internet và đã tự học các thủ thuật Internet nhờ một vài cuốn sách cũ đi mượn. Koum thậm chí đã từng gia nhập một nhóm hacker tên là w00w00 và thâm nhập vào máy chủ của hãng Silicon Graphics.

Gặp gỡ Brian Acton

Tờ giấy ghi chú “Không game, không quảng cáo, không màu mè” trên bàn làm việc của Jan Koum

Tờ giấy ghi chú “Không game, không quảng cáo, không màu mè” trên bàn làm việc của Jan Koum.

Công việc “ra tấm ra món” đầu tiên mà Koum có được là công việc nhân viên test lỗi cho Hãng Earns & Young. Sáu tháng sau chàng trai trẻ phỏng vấn vào Yahoo và được giao đảm nhiệm vị trí kỹ sư phát triển hạ tầng cho hãng này trong khi vẫn đang là sinh viên trường đại học San Jose. Hai tuần sau khi vào làm ở Google, Koum nghỉ học.

Tại Yahoo, Jan Koum gặp Brian Acton, cũng là một kỹ sư của Yahoo, người sau này cùng với anh gây dựng lên ứng dụng Whatsapp đình đám. Hai người làm việc cùng nhau rất ăn ý, và đặc biệt đều đồng tình với nhau rằng hoạt động Marketing hoàn toàn không đóng góp được gì cho chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng. Sau 9 năm gắn bó với Yahoo qua vô số thăng trầm, hai người nghỉ việc, đi du lịch vòng quanh Nam Mỹ một năm, rồi khi trở về họ cùng bắt tay vào xây dựng Whatsapp.

Sản phẩm tâm huyết mang tên Whatsapp

Vậy chính xác Whatsapp là gì ? Đây là một ứng dụng nhắn tin trực tuyến tương tự như Skype hay G-Talk, tuy nhiên lại có thể được thực hiện trên điện thoại và được đăng nhập bằng cách sử dụng chính số điện thoại của người dùng. Thời điểm Whatsapp ra đời, thị trường mới chỉ có một ứng dụng làm được điều tương tự là dịch vụ chat nội bộ của Blackberry, tuy nhiên dịch vụ này lại bị giới hạn trong phạm vi người dùng Blackberry mà thôi.

Ý tưởng của Whatsapp đơn giản là một dịch vụ tập trung tối đa vào việc kết nối mọi người với tốc độ nhanh nhất.

Ý tưởng của Whatsapp đơn giản là một dịch vụ tập trung tối đa vào việc kết nối mọi người với tốc độ nhanh nhất.

Thời gian đầu đội ngũ phát triển Whatsapp liên tục gặp vấn đề và vướng mắc, chưa kể số lượng người sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là những người đồng hương của Jan Koum ở Mỹ. Nhưng dần dần, cùng với những tính năng mới tiện lợi và tập trung vào hiệu suất được bổ sung, số lượng người dùng tăng lên nhanh chóng. 8 tháng sau khi ý tưởng về Whatsapp bắt đầu được đưa vào hiện thực hóa, đã có 5 người đồng nghiệp cũ ở Yahoo của cặp đôi Koum và Acton đầu tư cho họ 250,000 USD để đưa cái tên Whatsapp vươn xa hơn nữa.

Một điểm đặc biệt khác của Whatsapp được tóm tắt trong câu slogan mà Koum dán ở bàn làm việc: “Không game, không quảng cáo, không màu mè”. Đội ngũ phát triển ứng dụng đồng thuận với nhau rằng họ sẽ không chi một xu nào cho quảng cáo, cũng không cho phép đăng các quảng cáo lên giao diện của Whatsapp, vốn là nguồn thu chủ yếu của các ứng dụng điện thoại. Thay vào đó họ thu phí sử dụng ở mức tối thiểu: 1 USD/năm để có tiền bù đắp và tài trợ cho công việc.

Về với Facebook

Tới đầu năm 2011, Whatsapp đã chiếm một chỗ trong top 20 ứng dụng được tải về nhiều nhất từ App Store của Mỹ, và đến năm 2014 thì chính thức chiếm vị trí hàng đầu trong số các ứng dụng nhắn tin với số lượng người dùng thường xuyên lên tới hơn 450 triệu người. Mỗi ngày đội ngũ phát triển phải xử lý khoảng 54 tỉ tin nhắn, chỉ với lượng nhân lực khoảng 50 người, nhưng mọi việc cho tới thời điểm này vẫn được vận hành trơn tru. Những người sử dụng Whatsapp có xu hướng gắn bó rất cao với ứng dụng này, mà theo hai nhà sáng lập lý giải, là do họ hài lòng với việc không bị làm phiền bởi những trang quảng cáo nhức mắt.

Sau 2 năm kiên trì thuyết phục, Mark Zuckerberg cũng đưa được Whatsapp về với đế chế Facebook.

Sau 2 năm kiên trì thuyết phục, Mark Zuckerberg cũng đưa được Whatsapp về với đế chế Facebook.

Năm 2012, CEO Facebook bí mật liên lạc với hai nhà sáng lập Whatsapp – Jan Koum và Brian Acton – để đặt vấn đề mua lại ứng dụng này. Sau hai năm nỗ lực đàm phán, thương vụ thế kỷ trị giá 19 tỉ USD đã trở thành sự thật, gây chấn động làng công nghệ thế giới. Có thể tin chắc rằng, một khi đã đưa được Whatsapp về nhà của mình, dịch vụ nhắn tin của Facebook sẽ giữ vững ngôi đầu về quy mô, chất lượng và số lượng người dùng trong một thời gian dài nữa.

Một cá tính đậm nét

Từ khi còn nhỏ, Jan Koum đã bộc lộ cá tính rất rõ nét, không tuân thủ những lề thói thông thường của xã hội. Ông đã tung hoành ngang dọc nhiều lĩnh vực và hoạt động trước khi chuyên tâm vào phát triển ứng dụng Whatsapp. Thành công, giàu có và có nhiều cơ hội để giàu có hơn nữa, nhưng Jan Koum vẫn trung thành với tôn chỉ “Không quảng cáo” của mình. Quan điểm này được thể hiện xuyên suốt cuộc đời của Koum: Tài khoản Linked in của người đàn ông này chỉ ghi sơ sài phần mô tả công việc trước kia là “Làm vài việc ở Yahoo”. Tài khoản Twitter thậm chí còn không nhắc đến vị trí CEO hiện tại ông đang đảm nhận ở Whatsapp. Kiệm lời và không ưa màu mè, Jan Koum chứng minh một phong cách sống có phần cổ điển như vậy vẫn không lỗi thời trong xã hội ngày nay.

Mặc dù cá tính và hoàn cảnh khác nhau, Mark Zuckerberg và Jan Koum có chung mong muốn kết nối mọi người trên toàn thế giới với chất lượng tốt nhất

Mặc dù cá tính và hoàn cảnh khác nhau, Mark Zuckerberg và Jan Koum có chung mong muốn kết nối mọi người trên toàn thế giới với chất lượng tốt nhất

Cuộc sáp nhập thế kỷ đã mang lại cho Koum và Acton hai vị trí trong danh sách Forbes 400 năm 2014. Và Jan Koum trở thành một trong số 43 người nhập cư lọt vào danh sách danh giá này, viết lên một câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều người trên thế giới đang ấp ủ giấc mơ Mỹ.

>> Những tỷ phú giàu nhất nước Mỹ chưa qua tuổi tứ tuần

Hải Hà

Hải Hà

Cùng chuyên mục
XEM