Bạc Hy Lai tự đẩy mình vào thế đối đầu nguy hiểm

20/08/2012 07:59 AM |

Ông Bạc Hy Lai đã thật sai lầm khi muốn định hướng chính sách ngược với quan điểm từ trung ương.

Ngày 11/06/2011, một đêm nhạc được tổ chức tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh với mục đích thể hiện quyền lực chính trị và nâng cao vị thế của ông Bạc Hy Lai trên chính trường Trung Quốc, nhưng từ đầu đến cuối, ông Bạc rất căng thẳng.

Ống kính phóng viên đã không thể bỏ qua sắc mặt đăm chiêu, lo lắng của ông Bạc. Ngài thị trưởng Trùng Khánh giữ nguyên tâm trạng đó trong suốt buổi ca nhạc. Ông không buồn lòng về những ai đã đến xem đêm nhạc mà bởi những người vắng mặt.

Ông Bạc Hy Lai quyết định cho tổ chức đêm nhạc để thu hút sự quan tâm của toàn Trung Quốc đến chiến dịch hát nhạc đỏ của ông, hoạt động từng rất phổ biến dưới thời lãnh đạo Mao Trạch Đông trước đây.

Vì muốn phong trào hát nhạc đỏ trở nên phổ biến trên khắp Trung Quốc, ông Bạc đã lên tận Bắc Kinh để tổ chức đêm nhạc. Đi cùng ông có rất nhiều quan chức cấp cao tại Trùng Khánh, nơi ông đang giữ chức bí thư thành ủy.

Khách mời quan trọng nhất của đêm nhạc là các chính trị gia quyền lực thuộc Ban thường vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Không một ai đến dự.

Thái độ của trung ương với ông Bạc đã thay đổi rõ ràng. Từ trước đó cho đến mùa xuân năm 2011, ban thường vụ vẫn rất ủng hộ ông, nhiều thành viên thường xuyên đến thăm Trùng Khánh và tán dương nỗ lực của ông Bạc trong việc làm sống lại nét văn hóa thời Mao Trạch Đông.

Giới học giả nhận định việc không quan chức cấp cao nào của Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất hiện tại đêm nhạc cho thấy khoảng cách giữa họ và ông Bạc đang ngày một xa.

Trên thực tế, việc ông Bạc cố gắng khơi dậy tư tưởng thời Mao Trạch Đông khiến không ít chính trị gia khó chịu bởi nó chỉ khiến sự bất đồng về đường lối phát triển kinh tế Trung Quốc giữa họ thêm phần căng thẳng.

Nội bộ chính trường Trung Quốc lúc ấy tồn tại câu hỏi lớn: Liệu Trung Quốc có nên tiếp tục đường hướng chính sách kinh tế hiện tại, với ưu tiên lớn nhất dành cho tăng trưởng ở mức cao?

Trong khi ấy, nhiều chính trị gia cánh tả kêu gọi điều chỉnh chính sách theo đường hướng, tư tưởng thời Mao Trạch Đông, khi khoảng cách chênh lệch giàu nghèo không quá lớn.

Phe thân ông Bạc hy vọng ông sẽ được vào ban thường vụ và trực tiếp tham gia điều hành chính sách.

Tuy nhiên nhiều chính trị gia thuộc hàng cao cấp nhất tại Trung Quốc hoàn toàn không hài lòng với chính sách theo định hướng Mao Trạch Đông của ông Bạc. Không ít người đã thể hiện sự quan ngại và thậm chí chỉ trích chiến dịch chiến dịch “đả hắc” chống lại hành vi tham nhũng do ông Bạc đưa ra.

Ông Bạc tuy nhiên không lùi bước. Cuối tháng 6/2011, ông đã tổ chức được hàng loạt đêm nhạc tôn vinh nhạc đỏ tại Trùng Khánh. Chỉ trong 4 đêm, 300.000 người đã đến dự.

Tháng 7/2011, ông Bạc có bài phát biểu. Trong đó, ông tuyên bố rằng người dân Trung Quốc kỳ vọng chính phủ sẽ xây dựng nên xã hội mà tất cả mọi người đều có cuộc sống đầy đủ.

Quan điểm của ông Bạc như vậy rõ ràng thể hiện sự phê phán với đường lối của trung ương, theo đó, hoàn toàn có thể chấp nhận sự bất bình đẳng trong xã hội. Nhưng ông Bạc dù sao sau đó cũng biết cách dịu giọng.

Tháng 12/2011, ông bí mật đến thăm một nhà học giả chính trị nổi tiếng tại Bắc Kinh để tìm kiếm lời khuyên cho đường hướng lãnh đạo và tư tưởng mà ông đang theo đuổi tại Trùng Khánh. Học giả này khẳng định với ông Bạc rằng vị thế chính trị của ông rất đáng lo ngại bởi ông đã muốn khơi dậy tư tưởng thời Mao.

Cùng lúc ấy, cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood tại Trùng Khánh đang gây xôn xao và hoài nghi trong dư luận.

Ngọc Diệp

ngocdiep

Cùng chuyên mục
XEM