Nhân sự ngành ngân hàng: Nước có chảy chỗ trũng?
Có một thực tế là nhân viên các ngân hàng nhỏ luôn ao ước, ngước nhìn về các ngân hàng lớn với lương cao, thưởng lớn. Và đâu đó, những nhân viên ngân hàng nhỏ vẫn hằng mơ những "chuyến đi ngược dòng" để thể hiện năng lực bản thân.
Nếu ví nhân sự ngành ngân hàng như một dòng sông chảy xiết thì nơi đó luôn tồn tại những dòng đối lưu của sự di chuyển. Và khi dòng chảy được khơi thông, liệu nước có chảy về chỗ trũng?
Trong giới ngân hàng, người ta tự hiểu với nhau rằng các ngân hàng có quy mô lớn thường là các ngân hàng lớn có vốn là nước chi phối và các ngân hàng thương mại top đầu; phần còn lại là các ngân hàng thương mại tầm trung và nhỏ. Trong phạm vi bài viết, để dễ hình dung, tác giả tạm chia thành 2 nhóm là ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ như cách phân định ở trên.
Những chuyến đi ngược dòng
Trải qua nhiều năm phụ trách công tác nhân sự, tác giả thấy rằng có một thực tế là nhân viên các ngân hàng nhỏ luôn ao ước, ngước nhìn về các ngân hàng lớn với lương cao, thưởng lớn. Và đâu đó, những nhân viên ngân hàng nhỏ vẫn hằng mơ những "chuyến đi ngược dòng" để thể hiện năng lực bản thân, cũng như cơ hội học tập và phát triển nghề nghiệp.
Vậy vì sao những "cậu bé tí hon" ở các ngân hàng nhỏ luôn khát khao trở thành "Phù Đổng" tại các nhà băng lớn? Và đây là nguyên nhân của những chuyến đi ngược dòng...
Thứ nhất, tại các ngân hàng lớn thì các chế độ về tiền lương, thưởng, phụ cấp, chính sách chăm sóc CBNV, nghỉ mát,...luôn cao hơn rất nhiều so với các ngân hàng nhỏ. Trong hệ thống ngân hàng, thậm chí có nhiều ngân hàng nhỏ không có thưởng Tết mà chỉ có tháng 13 cuối năm là đã mừng khấp khởi.
Thứ hai, ở các ngân hàng lớn thường sẽ có nhiều nghiệp vụ và hệ khách hàng lớn hơn rất nhiều so với các ngân hàng nhỏ. Và đây là cơ hội để nhân viên cọ xát thực tế và tích lũy kinh nghiệm cho tiến trình phát triển nghề nghiệp.
Thứ ba, làm ở một ngân hàng lớn thường dễ bán các sản phẩm dịch vụ hơn ngân hàng nhỏ. Ví dụ như Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank luôn có lợi thế về nguồn vốn giá rẻ để cho vay với lãi suất thấp. Còn với công tác huy động, các ngân hàng lớn dù không có lãi suất cao nhưng họ có ưu thế về thương hiệu, uy tín và quy mô mạng lưới hoạt động.
Thứ tư, một phần nhân viên ngân hàng có tâm lý muốn được "oai và oách" khi được khoác lên mình chiếc áo của một nhà băng lớn. Thật sự mà nói, đâu đó các cán bộ, nhân viên ngân hàng nhỏ vẫn còn khá rụt rè, khép nép khi đối diện với các CBNV ngân hàng lớn trong các hội nghị, hội họp mặc dù họ bình đẳng và đồng cấp.
Thứ năm, ở các ngân hàng lớn bạn sẽ có cơ hội được gặp gỡ và làm việc chung với người đồng nghiệp giỏi hơn mình. Và đó là điều rất quan trọng để bạn phát triển các kỹ năng nghề nghiệp.
Thứ sáu, nhân viên ngân hàng nhỏ sau một thời gian nếu không được cất nhắc chức vụ cao hơn, thì họ sẽ cố gắng để được làm nhân viên ngân hàng lớn để tích lũy kinh nghiệm. Khi làm ở ngân hàng lớn một thời gian, họ dễ dàng ứng tuyển vào một vị trí quản lý ở các ngân hàng nhỏ. Đây được xem là "con đường vòng" để thăng tiến mà nhiều nhân viên ngân hàng nhỏ đang lựa chọn. Vì nếu cứ ở mãi cái "ao làng" thì họ cứ mãi là cá chép tí hon mà không thể hóa rồng như ước muốn...
Nước vẫn chảy về chỗ trũng
Nếu như nhân viên các ngân hàng nhỏ thường chọn cho mình những "chuyến đi ngược dòng" thì nhân viên các nhà băng lớn cũng hướng về "chỗ trũng" - là các ngân hàng nhỏ hơn. Điều này, thoạt nghe có vẻ không hợp lý trong dòng chảy nhân sự ngân hàng. Tuy nhiên, đó là một thực tế vẫn diễn ra tại các ngân hàng. Vậy vì sao nhân viên của các "ông lớn" ngành ngân hàng với lương cao, thưởng lớn nhưng vẫn kiếm tìm một "chỗ trũng" cho riêng mình?
Một là, nhân viên các ngân hàng lớn thường hướng đến các vị trí quản lý ở ngân hàng nhỏ hơn. Một phần họ muốn có chức vụ, muốn "làm sếp". Nhưng quan trọng hơn cả là họ muốn nâng cao kỹ năng quản lý và thử thách bản thân ở một vị trí cao hơn. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp nhân viên ở một ngân hàng lớn vẫn có thu nhập cao hơn lãnh đạo ở một ngân hàng nhỏ. Cụ thể, như trường hợp nhân viên Vietcombank với thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/tháng là cao hơn rất nhiều so với kiểm soát viên/Tổ trưởng/Phó Phòng/Trưởng Phòng và thậm chí là thành viên Ban Giám đốc tại các ngân hàng top dưới.
Hai là, mặc dù lương thưởng cao và các chế độ tốt, tuy nhiên ở các ngân hàng lớn thường lộ trình thăng tiến lâu hơn, phải thuộc nhân sự được quy hoạch và qua nhiều lần sàn lọc. Và chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhân viên ở các ngân hàng lớn từ khi vào làm ở tuổi đôi mươi đến khi về hưu cũng chỉ là nhân viên.
Ba là, các ngân hàng nhỏ do công tác quy hoạch và đào tạo nguồn còn hạn chế. Do đó, khi có biến động nhân sự thì họ thường không có nhân sự thay thế kịp thời. Và phương án khả dĩ nhất là các ngân hàng nhỏ thường chọn nhân viên có kinh nghiệm tại các ngân hàng lớn để bổ nhiệm vị trí quản lý để thu hút nhân sự.
Bốn là, ở các ngân hàng nhỏ vẫn có những ưu việt riêng của mình trong chính sách thu hút người tài so với các ngân hàng lớn. Ví dụ như ở các ngân hàng nhỏ, nếu thật sự bạn có tài năng, năng lực và hoàn thành vượt KPIs thì thường được cất nhắc, bổ nhiệm mà không cần phải có lộ trình và quy hoạch theo kế hoạch như các ngân hàng lớn. Đối với vị trí quản lý, các ngân hàng nhỏ cũng sẵn sàng chấp nhận chào mời mức lương và đãi ngộ hấp dẫn để thu hút "hiền tài".
Năm là, cũng bởi do chế độ lương thưởng và phúc lợi tốt, nhân sự tại các ngân hàng lớn thường rất ổn định. Và một khi "tre lâu già" thì sao măng mọc? Và vì thế nhân viên ngân hàng lớn buộc phải chuyển qua các ngân hàng nhỏ để có thể phát triển ở tầm quản lý cao hơn.
Đương nhiên cũng có những ngoại lệ nhất định, nhưng "những chuyến đi ngược dòng" và "nước chảy về chỗ trũng" vẫn là hai dòng đối lưu cơ bản làm cho dòng chảy nhân sự ngành ngân hàng luôn ấm và nóng hơn. Và việc chọn cho mình một con đường nào trong hai dòng đối lưu đó là tùy thuộc vào mục tiêu và định hướng nghề nghiệp của bạn khi chọn làm nhân viên ngân hàng. Ngân hàng nhỏ hay ngân hàng lớn đều có tính hai mặt của nó. Cũng như một ngân hàng có lợi thế về cho vay lãi suất thấp thì sẽ bị hạn chế là lãi suất huy động cũng thấp theo. Dòng dịch chuyển nhân sự ngân hàng vẫn đang chảy xiết, bạn đang đứng đâu trên dòng chảy đó?