Nhà phát triển BOT lớn nhất Việt Nam có thể làm hầm xuyên núi, hầm bao biển... đang kinh doanh ra sao?

02/07/2023 11:08 AM | Kinh doanh

Doanh nghiệp này là số ít các nhà thầu được chỉ định tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với tổng giá trị xây lắp đạt 1.759 tỷ đồng.

Nhà phát triển BOT lớn nhất Việt Nam có thể làm hầm xuyên núi, hầm bao biển... đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 1.

Cầu Cao Bằng

CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) với tiền thân là công ty quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân, sở hữu kinh nghiệm vận hành và sửa chữa các dự án hầm. Giai đoạn 2013 - 2015, công ty được cổ phần hoá và niêm yết trên sàn Upcom. Đến năm 2016, HHV được tập đoàn Đèo Cả thâu tóm để trở thành công ty con.

Trong năm 2019, HHV đã thực hiện tái cơ cấu lớn, khi phát hành riêng lẻ cổ phiếu để hoán đổi nợ nhằm nhận chuyển nhượng cổ phần đầu tư tại 4 dự án BOT bao gồm: Hầm đường bộ qua Đèo Cả (hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân), hầm Phước Tượng - Phú Gia, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và dự án mở rộng QL1A qua tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay, HHV đang vận hành 15 trạm thu phí BOT để hoàn vốn cho 4 dự án này.

Các mảng đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của HHV bao gồm: Thu phí BOT, Xây lắp, Bảo trì, duy tu và sửa chữa. Trung bình giai đoạn 2019 - 2022, mảng thu phí BOT đóng góp 70% doanh thu và 89% lợi nhuận gộp. Trong khi mảng xây lắp đóng góp 22% doanh thu và 6% lợi nhuận gộp trong cùng giai đoạn.

Nhà phát triển BOT lớn nhất Việt Nam có thể làm hầm xuyên núi, hầm bao biển... đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 2.

Đối với các dự án BOT của HHV, công ty đang gặp một số khó khăn. Đầu tiên là Hầm đường bộ qua Đèo Cả, theo phương án tài chính (PATC), dự án được phép vận hành 7 trạm BOT, bao gồm: Đèo Cả, Ninh Lộc, An Dân, Cù Mông, Bắc Hải Vân và La Sơn - Tuý Loan. Tuy nhiên, trạm La Sơn - Tuý Loan đã không được tiến hành thu phí như kế hoạch (đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đã được hoàn thành theo hình thức đầu tư BT trước đó nhưng lại được sử dụng trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả). Kết quả là doanh thu thu phí của cả dự án chỉ đạt 994 tỷ đồng trong năm 2022, chưa đạt PATC.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn cũng không được thu phí tại trạm thu phí Km93+160 trên QL1. Doanh thu thu phí của dự án chỉ đạt 286 tỷ đồng trong năm 2022, chưa đạt như PATC. Mặc dù, dự án đã được chấp thuận kéo dài thời gian thu phí thêm 4 năm tới 2048, tuy nhiên áp lực dòng tiền trong ngắn hạn vẫn là khá lớn.

Hiện nay, trạm thu phí Bắc Hải Vân được vận hành thu hồi vốn cho cả hầm Phước Tượng - Phú Gia và hầm Hải Vân 2. Giá vé tại trạm này đang cao tối đa trong mức cho phép. Do đó, việc tăng giá vé theo PATC trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn.

Các trạm thu phí còn lại (bao gồm trạm Ninh Lộc, An Dân, Đèo Cả) do đã được vận hành lâu hơn (từ giai đoạn 2016 - 2017) nên hiện tại vẫn đem lại doanh thu ổn định cho công ty, khoảng 600 - 750 tỷ đồng/năm.

Nhà phát triển BOT lớn nhất Việt Nam có thể làm hầm xuyên núi, hầm bao biển... đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 3.

Mới đây, đại hội cổ đông HHV đã chấp thuận phương án phát hành tăng vốn chủ sở hữu từ cổ đông hiện hữu và nhà đầu chiến lược.

Số tiền dự kiến huy động được là khoảng hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó HHV dự kiến chi 706 tỷ đồng để tham gia góp vốn đầu tư tại các dự án PPP bao gồm Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng và Tân Phú - Bảo Lộc. Đây là nhóm các dự án đã được công ty và Tập đoàn Đèo Cả theo đuổi trong thời gian dài và có nhiều cơ hội trở thành chủ đầu tư chính thức.

Với quy mô đầu tư lớn của các dự án PPP kể trên (tổng mức đầu tư 40.994 tỷ đồng) sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng cho HHV trong dài hạn.

Đối với mảng xây lắp, cùng với Tập đoàn Đèo Cả, HHV đã tham gia thi công nhiều dự án quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật cao như hầm qua núi, hầm bao biển, cao tốc... Đáng chú ý, nhiều dự án đã hoàn thành vượt tiến độ, giảm thiểu chi phí đầu tư so với kế hoạch ban đầu. Mới đây, HHV là số ít các nhà thầu được chỉ định tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với tổng giá trị xây lắp đạt 1.759 tỷ đồng.

Năm 2023, doanh thu mảng xây lắp của dự kiến HHV sẽ tăng mạnh 87% so với cùng kỳ, đạt 991 tỷ đồng nhờ ghi nhận các dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, dự án đường ven biển Bình Định. Trong năm 2024, doanh thu xây lắp kỳ vọng đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ.

Theo Pha Lê

Cùng chuyên mục
XEM