Nguyên tắc vàng 3-2-1 của người đàn ông khiếm thị Việt từng làm việc trong Nhà Trắng

10/02/2017 11:00 AM | Kinh doanh

“Mình sống đến 100 tuổi thì trong khoảng thời gian đó, mục đích của mình là gì: để kiếm tiền, mua xe hay những gì lớn hơn. Mình muốn viết gì trên bia mộ. Cuộc sống mà không có mục tiêu thì rất dễ bị lạc hướng”.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Đức Trung Kiên, Chủ tịch Red Square Việt Nam, Chủ tịch Việt Nam Foundation, Cố vấn cấp cao của Quỹ đầu tư TPG, Nguyên chủ tịch VEF (Vietnam Education Foundation) tại Hội thảo định hướng nghề nghiệp với chủ đề: Làm thế nào để phát triển sự nghiệp thành công và xây dựng cuộc sống ý nghĩa. Sự kiện do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam phối hợp với Viện đào tạo Quốc tế - Đại học Quốc Gia TP.Hồ Chí Minh (IEI-VNU) tổ chức đầu tháng 2/2017.

Ông Kiên sinh năm 1958 tại Sài Gòn và sau đó cùng gia đình sang Mỹ định cư tại bang Colorado. Ông bị thoái hóa võng mạc từ năm 19 tuổi và làm bạn với cây gậy giúp ông di chuyển dễ hơn từ nhiều năm nay.

Vượt qua những thiệt thòi của bản thân, ông đã làm nên điều khó tin: Năm 1985, ông được tuyển lựa vào chương trình White House Fellowship, chương trình đào tạo nhân tài đặc biệt của Mỹ và trở thành trợ lý đặc biệt tại phòng Đại diện thương mại Mỹ ở Nhà Trắng, chuyên về mậu dịch, đàm phán trong lĩnh vực kinh tế với các nước châu Á.

Ông Kiên đã đến với hội thảo với cây gậy, người bạn quen thuộc của ông trong nhiều năm qua, để gặp gỡ và chia sẻ với các bạn trẻ về các nguyên tắc của số 3-2-1 đã đồng hành cùng ông trong suốt chặng đường dài đến tuổi 60, chỉ đơn giản là bởi “Tôi trân trọng những khoảnh khắc với các bạn trẻ”.

Số 3 - Nguyên tắc 3 chữ P: (Purpose, Passion và Principle: Mục đích, khát vọng và nguyên tắc)

Theo ông Kiên, sống cần có mục đích. “Mỗi người học để làm gì. Mình sống khoảng 100 năm thì trong khoảng thời gian đó, mình sống để làm gì, để kiếm tiền, mua xe hay những gì lớn hơn. Mình muốn viết gì trên bia mộ của đời mình. Cuộc sống mà không có mục tiêu thì rất dễ bị lạc hướng”, ông Kiên nói.

Thứ nữa, đam mê là một trong 3 chữ P mà ông Kiên nhắc tới. “Mỗi người có một đam mê. Tôi thấy nhiều bạn trẻ không biết mình học cái gì, nên làm cái gì. Tôi từng hỏi: Tại sao bạn học ngành này, có người nói ba mẹ em nói thế và em theo. Nhiều bạn không thấy đam mê vào công việc mình theo đuổi thì khó có thể thành công. Phải đam mê mới có thể cống hiến việc mình theo đuổi”, ông Kiên chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Kiên, nguyên tắc rất quan trọng. Bởi các bạn trẻ đang lớn lên trong một quốc gia phát triển, đối diện với nhiều tình huống rẽ trái cũng được, rẽ phải cũng được. “Sự chọn lựa phụ thuộc vào kim la bàn trong tâm của mình. Có những từ trường hướng dẫn la bàn của bạn. Nếu gặp những tình hướng khó, sẽ dễ sa ngã”, Chủ tịch Red Square Việt Nam nói.

Số 2: Đi trước một bước và chú ý đến chi tiết

Theo ông Kiên, nhiều người trẻ có thói quen là được đến đâu, hay đến đó. Khi ai đó nghĩ trước một bước thì sẽ chủ động được tình huống. “Nếu nghĩ trước nhiều bước thì càng tốt”, ông Kiên hóm hỉnh nói.

Bên cạnh đó, nhiều người không chú ý đến chi tiết nên cẩu thả. Công việc đầy đủ, chi tiết thì sẽ tránh được việc phải sửa và làm lại.

Số 1: Tự tạo ra bức hình của chính mình

Số 1 là quan trọng nhất: Tự tạo ra bức hình của mình, chính là chúng ta, chính là người nhìn thấy trong gương, ta phải tập trung vào tu luyện, mài dũa từ đó mới phát triển đi lên.

Khán phòng tại buổi hội thảo lúc yên ắng, lúc lại rộn lên tiếng vỗ tay trước chia sẻ của người người đàn ông khiếm thị tuổi 60, một trong những người Việt thành công trên đất Mỹ nhưng trở về quê hương để góp phần xây dựng miền đất cha ông.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM