Ngụy biện của tổng giám đốc Việt Á

04/01/2024 07:23 AM | Xã hội

Bị cáo Phan Quốc Việt nói việc mình đưa tiền cho các bị cáo khác là "chia sẻ lợi nhuận vì cảm kích" do đã giúp đỡ cho Việt Á chứ không phải hối lộ

Ngày 3-1, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 38 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cùng các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Tác động để được "tạo điều kiện"

Trong vụ án này, cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị truy tố tội "Nhận hối lộ". Cựu bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh, cựu thứ trưởng bộ này Phạm Công Tạc cùng bị truy tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". 

Bị cáo Phạm Xuân Thăng, cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ". VKSND còn truy tố Phan Quốc Việt, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á, tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".

Trước khi bước vào phần xét hỏi, HĐXX cho cách ly 4 bị cáo. Họ gồm Nguyễn Thanh Long, Trịnh Thanh Hùng, cựu phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH-CN); Nguyễn Văn Trịnh, cựu trợ lý phó thủ tướng và Nguyễn Huỳnh, cựu phó trưởng Phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).

Ngụy biện của tổng giám đốc Việt Á- Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa

Là người bị thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Phan Quốc Việt khai có "cơ duyên" khi vào cuối tháng 1-2020, ông Trịnh Thanh Hùng có gọi điện đề nghị Việt Á tham gia cùng Học viện Quân y nghiên cứu sản phẩm chẩn đoán COVID-19. 

Thời điểm đó, Việt Á là doanh nghiệp duy nhất có chứng chỉ của Bộ Y tế. Thời gian này rất cấp bách, cơ quan chức năng yêu cầu chỉ trong vòng 1 tháng phải vừa nghiên cứu và vừa sản xuất ra sản phẩm kit test.

Trong quá trình phối hợp, Học viện Quân y chuyển cho Việt Á một số tài liệu và Việt Á tận dụng nghiên cứu. Đến ngày 14-2-2020, Việt Á nghiên cứu ra kit test, đồng thời đưa qua Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để kiểm nghiệm.

Lúc kết quả kiểm nghiệm "đạt", Bộ Y tế yêu cầu có nghiệm thu giai đoạn 1 của Bộ KH-CN. Sau đó, Việt Á hoàn thiện 2 quy trình này rồi được Bộ Y tế cấp phép chính thức.

Bị cáo Việt thừa nhận trong cả 3 giai đoạn gặp nhiều khó khăn vì tình hình dịch COVID-19 cấp bách, các đơn vị liên quan đến cấp phép đều thận trọng nên chậm. Do đó, Việt nhờ nhiều người, tác động nhiều nơi để được "tạo điều kiện".

Phan Quốc Việt cũng khai trong quá trình kit test được cấp phép chính thức, bị cáo đã nhờ bị cáo Nguyễn Huỳnh và Nguyễn Minh Tuấn, cựu vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế), để "tác động, gửi gắm". Nghe Huỳnh nói kinh tế gặp khó khăn và "cần tiền đưa cho ông Long", Việt đã đưa ông Long hơn 2,2 triệu USD thông qua Huỳnh và 4 tỉ đồng cho Huỳnh.

Ngoài ra, bị cáo Việt cũng khai chi tiền cho ông Chu Ngọc Anh 200.000 USD, ông Phạm Công Tạc 50.000 USD, ông Phạm Xuân Thăng 100.000 USD...

Chia sẻ lợi nhuận?

Đối với CDC Hải Dương, bị cáo Việt nói quá trình bán kit xét nghiệm đã đưa Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC Hải Dương, số tiền 27 tỉ đồng. "Đây là khoản chia sẻ bởi 30 nhân viên của Việt Á về Hải Dương chống dịch xuyên Tết, được quan tâm nên rất muốn cảm ơn" - Phan Quốc Việt trình bày tại tòa.

Ngụy biện của tổng giám đốc Việt Á- Ảnh 3.

Bị cáo Phan Quốc Việt

Về nguồn gốc số tiền hối lộ, bị cáo Phan Quốc Việt khai vì thời điểm đó chưa có nguồn thu nên mượn tiền đồng Việt Nam của bạn bè, đổi sang USD.

HĐXX hỏi lý do Việt chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Phạm Duy Tuyến chứ không phải CDC Hải Dương, Phan Quốc Việt trình bày bản thân "hiểu hối lộ là sai nhưng chia sẻ lợi nhuận là không sai, nếu biết sai đã không chuyển khoản… Ở Việt Nam vấn đề này rất nhạy cảm" (!?).

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Long thừa nhận nôn nóng có sản phẩm chống dịch nên "có phần trách nhiệm trong đôn đốc cấp phép", đồng thời phủ nhận ưu ái, hỗ trợ Phan Quốc Việt.

Theo bị cáo Nguyễn Thanh Long, Phan Quốc Việt có đề nghị, tác động để cấp phép nhưng bị cáo đều từ chối và nói đơn vị nào trúng thầu của công ty nào thì sử dụng sản phẩm của công ty đó. Bản thân bị cáo còn chỉ đạo không mua kit test của Việt Á.

Nói về việc nhận tiền, cựu bộ trưởng Bộ Y tế khai sau khi cấp phép tạm thời, Nguyễn Huỳnh có đưa nhưng bị cáo không đòi hỏi. Khi đó, Nguyễn Huỳnh nói do Việt Á làm ăn được nên đưa. "Tôi đã sai, tôi xin lỗi" - ông Long nói.

Cũng đứng trước bục khai báo, bị cáo Chu Ngọc Anh thừa nhận sai quy định khi ký quyết định phê duyệt đề tài nghiên cứu có sự tham gia của Công ty Việt Á. Bị cáo đã có ý thức về sai phạm của bản thân trong thời gian qua.

Phiên tòa tiếp tục trong hôm nay, 4-1. 

Không có cơ hội trả lại

Với số tiền 200.000 USD nhận từ Việt Á, bị cáo Chu Ngọc Anh giãi bày ban đầu không biết trong túi quà cảm ơn có tiền. Sau nhiều lần Phan Quốc Việt trực tiếp hẹn bị cáo mà không thành, Việt liên hệ qua thư ký, nói muốn gặp để trao đổi về sản phẩm mới. Cuộc gặp chỉ hơn 15 phút, Việt có đưa túi quà Tết.

Ngụy biện của tổng giám đốc Việt Á- Ảnh 4.

Bị cáo Chu Ngọc Anh

"Hơn 1 tháng sau mở ra mới biết có cọc tiền. Bị cáo biết nhận tiền của doanh nghiệp là sai nên có định cầm số tiền cất vào vali, khi đi công tác có cơ hội sẽ trả lại số tiền này. Tuy nhiên, dịch bệnh căng thẳng kéo dài, chính vì thế bị cáo không có cơ hội đi để trả lại cho Việt, cho đến khi bị bắt. Đây là việc vô cùng đau xót đối với bị cáo" - bị cáo Chu Ngọc Anh nói.

Nguyễn Hưởng

Cùng chuyên mục
XEM