Người Việt sẵn sàng bạo chi cho một bữa ăn sang tốn kém gấp 6 lần bữa bình thường, vì đâu dân thành thị lại mê ăn hàng đến vậy?

10/08/2023 09:40 AM | Kinh doanh

Có tới 41% số người được khảo sát trong báo cáo của Decision Lab cho rằng mức giá hợp lý cho một bữa ăn sang trọng là 200.000 – 500.000 đồng mỗi người. 5% sẵn sàng trả trên 1 triệu đồng.

Người Việt sẵn sàng bạo chi cho một bữa ăn sang tốn kém gấp 6 lần bữa bình thường, vì đâu dân thành thị lại mê ăn hàng đến vậy? - Ảnh 1.

Decision Lab, đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam mới đây công bố Báo cáo Xu hướng F&B tại Việt Nam 2023, chỉ ra những khó khăn cũng như cơ hội đối với ngành này trong bối cảnh hiện nay.

Theo đó, do kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn khó khăn và Việt Nam không phải ngoại lệ, người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn, tập trung vào những nhu cầu thiết yếu. Ngành F&B không phải là lĩnh vực ưu tiên của người tiêu dùng, khi chỉ 15% cho biết họ đã chi tiêu nhiều hơn vào các nhà hàng và quán cà phê.

Với câu hỏi mức giá nào là hợp lý cho một bữa ăn bình thường bên ngoài, đa số đáp viên tham gia khảo sát của Decision Lab chọn mức 20.000 – 50.000 đồng (chiếm 40%), cao thứ hai là mức 50.000 – 80.000 đồng (chiếm 22%). Tổng hợp lại, mức giá trung bình được cho là hợp lý đối với một bữa ăn ngoài bình thường là 56.000 đồng mỗi người.

Tuy nhiên, đối với một bữa ăn sang trọng, mức giá trung bình được cho là hợp lý lên tới 331.000 đồng/người, tức là gấp khoảng 6 lần bữa bình thường . Cụ thể, 41% số người tham gia khảo sát sẵn sàng trả 200.000 – 500.000 đồng. Tỷ lệ cao thứ hai là những người chỉ sẵn sàng trả dưới 100.000 đồng – chiếm 21%.

Người Việt sẵn sàng bạo chi cho một bữa ăn sang tốn kém gấp 6 lần bữa bình thường, vì đâu dân thành thị lại mê ăn hàng đến vậy? - Ảnh 2.

Kết quả khảo sát về mức giá trung bình hợp lý cho một bữa ăn ngoài bình thường và sang trọng của người Việt. Nguồn: Decision Lab.

Đề cập tới những tiềm năng với ngành F&B tại Việt Nam, Decision Lab cho biết những người tiêu dùng sở hữu mức thu nhập cao có nhiều khả năng tăng chi tiêu cho dịch vụ F&B hơn so với các nhóm khác. Vì vậy, các chủ quán có thể hướng tới nhóm này, cũng như cư dân sống tại Hà Nội và TP. HCM.

Bên cạnh đó, một chiến thuật quan trọng để thu hút khách hàng là tung ra các chương trình khuyến mại/giảm giá hấp dẫn, bởi những lý do chính khiến khách hàng hạn chế ăn ngoài là điều kiện tài chính cá nhân khó khăn và thiếu chương trình khuyến mại.

Khi được hỏi những yếu tố nào thúc đẩy bạn tăng chi phí ăn ngoài, 23% đáp viên của Decision Lab lựa chọn lý do là hương vị ngon hơn . Ngoài ra, 23% cho biết họ không có thời gian nấu nướng, 22% cho rằng ăn ngoài rẻ hơn và 18% cần tăng tương tác xã hội (bằng cách gặp gỡ bạn bè, đối tác…).

Từ kết quả khảo sát này, Decision Lab nhận định các quán nên tập trung vào hương vị đồ ăn thức uống, cung cấp sự tiện lợi và giá cả hợp lý để thuyết phục người tiêu dùng “dốc hầu bao” nhiều hơn.

Ngoài ra, việc hợp tác với các nền tảng giao đồ ăn có thể giúp thương hiệu tiếp xúc với người tiêu dùng nhiều hơn, đồng thời đem lại sự tiện lợi trong khâu đặt đồ.

Hiện nay, Grab Food đang là nền tảng đặt đồ ăn được sử dụng nhiều nhất, chiếm 48% trong quý 1/2023. Tiếp đó là Shopee Food với 42%, GoFood 24%, Baemin 21% và Loship 10%. Grab cũng là ứng dụng duy nhất duy trì được tỷ lệ sử dụng so với quý trước, khi các nền tảng khác đều ghi nhận mức giảm nhẹ.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM