Người hay than vãn "bận rộn, không có thời gian" thường rất khó thành công: Cách quản trị thời gian của người tài giỏi

18/09/2019 14:15 PM | Sống

Không giống với chuyện có thể cất giữ tiền trong ngân hàng hoặc giấu vàng trong rương báu, ta chẳng thể lưu trữ thời gian. Chúng ta không còn cách nào khác ngoài sử dụng từng khoảnh khắc của thời gian và hiểu rằng mỗi khoảnh khắc trôi qua sẽ mãi mãi tan biến.

Chúng ta đang bị thời gian rượt đuổi như thế nào?

Các phát minh và thành tựu khoa học công nghệ suốt 100 năm qua ra đời nhằm mang đến cho con người nhiều thời gian thư giãn hơn. Xe hơi và máy bay được chế tạo để những chuyến đi ngắn hơn. Máy tính được phát triển khiến công việc đơn giản hơn. Điện thoại được sáng chế giúp thông tin liên lạc nhanh chóng hơn. Nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes vào thế kỷ 19 đã hình dung rằng vào năm 1930 "cháu chắt của chúng ta sẽ chỉ làm việc 3 giờ một ngày".  Trên thực tế, theo những thống kê gần đây, người Mỹ làm việc ít hơn 12 tiếng mỗi tuần so với 40 năm trước đó và con số này ở châu Âu thậm chí còn thấp hơn.

Thế nhưng ngày nay, con người đang bận rộn hơn bao giờ hết. Càng ngày ta càng khan hiếm thời gian, đặc biệt là trong giới doanh nghiệp, cụ thể là ở những bậc phụ huynh phải đi làm.  

Thời gian rảnh rỗi do công nghệ mang lại thường không được sử dụng vào chuyện tận hưởng cuộc sống mà dành để làm việc nhiều hơn. Và cho dù có thể kiếm nhiều tiền hơn, người ta sẽ chẳng tìm ra thêm thời gian để tiêu pha số tiền đó. Tiền lương càng cao, thời gian càng như ít đi và con người càng trở nên hối hả. Chúng ta cứ luôn trả giá và suy đi nghĩ lại trước lúc tiêu tiền một cách "khôn ngoan", song không chú ý làm điều tương tự với thời gian. "Lãng phí" vài giờ đồng hồ không đáng kể bằng mất đi vài trăm đô la trong ví, dù trên thực tế, thời gian quan trọng hơn tiền bạc rất nhiều. Tuy nhiên, cảm giác liên tục bị thúc giục ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần, khiến chúng ta mất kiên nhẫn và bốc đồng hơn.

Trong một nghiên cứu nhỏ, Google phát hiện hơn 1/5 số người dùng Internet sẽ bỏ qua một video trực tuyến nếu mất hơn 5 giây để tải nó. Áp lực thời gian cũng có thể dẫn đến căng thẳng và tạo nên các tác động tiêu cực cho sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tim mạch, cao huyết áp, nhức đầu và đau bao tử. Nó có thể gây ra chứng tức giận mãn tính, trầm cảm, gắt gỏng, ngủ không ngon và thậm chí là cảm giác vô vọng. Tác động tổng quan của nó khiến ta kém thỏa mãn và kém hạnh phúc với cuộc sống. Sự thật là cuộc đời khá ngắn ngủi còn tuổi già thì đến nhanh. Trước khi bạn kịp nhận ra, vở kịch lớn của cuộc đời đã hạ màn.

Người hay than vãn bận rộn, không có thời gian thường rất khó thành công: Cách quản trị thời gian của người tài giỏi  - Ảnh 1.

Kiểm soát thời gian

Vậy chúng ta phải ứng xử với thời gian như thế nào để có thể có được sự cân bằng và có ý nghĩa trong cuộc sống?  Làm sao chúng ta có thể vượt qua được nỗi sợ "không có thời gian" trong thời đại bận rộn ngày nay? Tóm lại, có cách nào để ta có thể kiểm soát được thời gian trong đời mình không? Có. Cuốn sách Thời gian - Thấu hiểu để sống xứng đáng từng giây của Jean Paul Zogby lý giải về cách con người cảm nhận về thời gian và cách để ta có thể "hô biến" thời gian thành dài hay ngắn trong suy nghĩ và cảm nhận của mình.

Đầu tiên, thời gian là ảo ảnh được ta cảm nhận thông qua sự thay đổi của tâm trạng bản thân và sự nhận thức về ngoại cảnh thay đổi bên ngoài. Sự nhận thức và nắm bắt của bạn về ngoại cảnh càng lớn, càng nhiều, càng rõ ràng sắc nét, bạn sẽ càng cảm thấy thời gian trôi mau. Nếu nhận thức của bạn về ngoại cảnh đơn điệu, trùng lặp, cũ kỹ, phức tạp khó hiểu, thời gian cảm nhận sẽ trôi càng chậm, cụ thể là bạn sẽ rất dễ dàng cảm thấy chán chường.

Chúng ta chắc chắn không thể thay đổi tốc độ thật sự của thời gian, nhưng ta kiểm soát được trải nghiệm thời gian của mình và đó mới chính là điều đáng nói. Chúng ta chỉ có thể thực hiện điều này bằng cách tác động đến tốc độ của chiếc đồng hồ bên trong bộ não và bộ đếm lực chú ý của mình, hay nói chính xác hơn là tốc độ mà ta ghi nhận các bức ảnh tinh thần cũng như số lượng hình ảnh ta giữ lại được trong ký ức. Chú ý hay xao lãng đều là công cụ, bạn sử dụng nó như thế nào là tùy bạn để kiếm soát linh hoạt cảm nhận thời gian của mình.

Người hay than vãn bận rộn, không có thời gian thường rất khó thành công: Cách quản trị thời gian của người tài giỏi  - Ảnh 2.

Chú ý đến cuộc đối thoại giữa thời gian và cảm xúc tiêu cực của bạn

Chính tâm trạng của bạn cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự nhận thức của bạn và cả cách mà bạn cảm nhận về thời gian. Những cảm xúc tiêu cực như lo sợ, tức giận, lo lắng và buồn bã dường như làm chậm bước đi của thời gian, qua đó khiến chúng ta cảm thấy như thể mình đang chịu đựng những cảm xúc ấy lâu hơn thực tế. Trong khi đó những cảm giác tích cực như vui vẻ, kinh ngạc, háo hức,.. lại khiến cho thời gian có vẻ trôi qua nhanh chóng.

Để vô hiệu hóa tác động kéo dài thời gian của nỗi sợ, cơn giận, sự căng thẳng hay nỗi buồn, bạn cần tự thuyết phục bản thân rằng mình đang kiểm soát được tình hình. Khi bạn nghĩ mình kiểm soát được tình hình bạn sẽ kiểm soát được cảm xúc và chiếc đồng hồ nội tại cảm nhận thời gian của bạn sẽ không còn méo mó nữa. Và để kéo dài những khoảnh khắc tích cực bạn hãy cứ đắm chìm mình vào dòng chảy của cảm xúc này. Khi một niềm vui được tận hưởng trọn vẹn qua đi, nó sẽ trở thành một ký ức dài lâu và đáng giá.

Người hay than vãn bận rộn, không có thời gian thường rất khó thành công: Cách quản trị thời gian của người tài giỏi  - Ảnh 3.

Cách ứng xử đúng với quá khứ và tương lai

Chúng ta sống trọn vẹn hơn khi ta dừng sống cho quá vãng, tận hưởng hiện tại, và hướng về tương lai. Thế nhưng, một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên hạnh phúc của chúng ta là cảm giác mình đã sống một cuộc đời thật dài, và cảm nhận mình vẫn còn đủ thời gian để thực hiện được tất cả các giấc mơ. Vậy nên, cảm nhận của chúng ta về thời gian trong quá khứ và ở tương lai thật sự rất quan trọng.

Nếu cuộc sống của bạn chẳng có gì ngoài một chuỗi thói quen, những năm tháng đó trông sẽ rất ngắn ngủi khi nhìn lại. Thổi những làn gió mới vào cuộc sống sẽ giúp bạn có nhiều kỷ niệm ấn tượng hơn và khiến cuộc sống như kéo dài hơn. Bạn có thể kéo chậm cuộc đời của mình lại và làm cho nó có vẻ dài hơn một cách có ý nghĩa bằng cách lấp đầy từng tuần, từng tháng, từng năm của mình với thật nhiều trải nghiệm mới. Điều đó khiến cho tương lai của bạn thật đáng mong đợi còn quá khứ của bạn thì thật lộng lẫy, trong khi đó hiện tại luôn sinh động. Điều cuối cùng, thật sự quan trọng, đó là: Thời gian có thể thuộc về chúng ta chứ không hẳn chúng ta luôn thuộc về thời gian như những người bận rộn vẫn thường nghĩ.

Những mẹo giúp bạn cảm thấy có nhiều thời gian hơn

- Lên kế hoạch với thời gian lẻ. Bạn có thể hẹn giờ báo thức lúc 6:23 sáng thay vì bình thường là 6:30.

- Có một chế độ ăn uống tốt cho não bộ kèm theo quyết tâm giảm mức căng thẳng, ngủ đủ giấc và tập thể dục điều độ.

- Sống trọn khoảnh khắc này chính là tận hưởng trọn vẹn "hiện tại", để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt của cuộc sống.

- Gặp gỡ người mới, cảnh mới, gặp gỡ bạn bè có nhiều ý nghĩa.

- Cải thiện trí nhớ và sức chú ý.

- Tạo dựng mong đợi trong tương lai.

- Tránh xa cái bẫy của sự vội vã.

Bài viết dựa theo cuốn sách Thời gian - Thấu hiểu để sống xứng đáng từng giây của Jean Paul Zogby

Mọt Sách

Cùng chuyên mục
XEM