Đào tạo lao động công nghệ cao của Việt Nam: Chỉ mất ... 3 ngày

06/12/2012 16:59 PM | Nghề nghiệp

Buồn thay !

Sau 25 năm đổi mới, các nhà đầu tư vẫn tìm tới Việt Nam bởi môi trường ưu đãi với nguồn nhân công giá rẻ thay vì một đội ngũ lao động chất lượng cao.

Đánh giá về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trước các đối thủ nước ngoài, ông Trương Gia Bình, Tổng giám đốc, chủ tịch tập đoàn FPT cho rằng, nguồn lao động là một yếu tố quan trọng, và lao động của Việt Nam đang có những bước cải thiện đáng kể. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã chọn Việt Nam làm nơi đầu tư phát triển những dây chuyền hiện đại bậc nhất.

“Thời gian qua, việc Samsung chọn Việt Nam để đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại di động xuất khẩu có quy mô lớn nhất và hiện đại nhất. Ngoài ra, nhiều DN Nhật Bản cũng đã chọn Việt Nam làm phát triển vì tin tưởng vào nguồn nhân lực đầy tiềm năng của chúng ta”, ông Bình cho biết.

Kinh tế Việt Nam đang có điểm sáng trong xuất khẩu, đó là tỷ trọng xuất khẩu công nghệ cao, chiếm khoảng gần 10% tỷ trọng xuất khẩu và tăng lên khoảng 6-7% trong 10 năm lại đây. Xuất khẩu các sản phẩm điện thoại di động như Samsung Việt Nam tăng trưởng tốt, khoảng 6-7 tỷ USD.

Nhưng nếu nhìn sâu vào đằng sau sự tiến bộ đó sẽ thấy bức tranh không thực sự đáng lạc quan như ông Bình nhận định.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên Chương trình Kinh tế Fulbright cho biết, các công ty công nghệ cao như Intel, Samsung đầu tư vào Việt Nam vẫn là nhờ những ưu đãi thuế và nhân công giá rẻ chứ không phải chúng ta có một lực lượng kỹ sư giàu kinh nghiệm mang đẳng cấp quốc tế.

“Chúng ta tự hào vì Việt Nam đã có tăng trưởng về tỷ trọng trong xuất khẩu công nghệ cao, nhưng cá nhân tôi đã từng đi thăm một số các cơ sở được gọi là công nghệ cao của Việt Nam, sản xuất các thiết bị y tế xuất khẩu sang Nhật Bản. 

Những mặt hàng này được xếp vào dạng công nghệ cao, nhưng công nhân Việt Nam chỉ có mỗi việc là lấy một con chip đặt vào bo mạch trên cả một dây chuyền. Yêu cầu tuyển dụng công nhân chưa cần tốt nghiệp hết lớp 5, và chỉ cần từ 3-5 ngày để làm quen với dây chuyền sản xuất.

Vì vậy, không nên quá lãng mạn khi nhìn vào con số xuất khẩu công nghệ cao mà phải nhìn vào thực sự đóng góp được gì, thu được bao nhiêu % giá trị gia tăng hay là chỉ xuất khẩu hộ các nền kinh tế khác”, ông Tự Anh chia sẻ.

Để cải thiện vấn đề này, theo ông Tự Anh, sẽ còn mất rất nhiều thời gian. Việc dạy nghề cũng như đào tạo tại các trường đại học của Việt Nam còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Cùng quan điểm với ông Tự Anh, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện kinh tế Việt Nam cho rằng, vấn đề nhân lực đang là một vấn đề cố hữu, cản trợ sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nhưng vẫn chưa có phương hướng giải quyết. Việc Việt Nam liên tục tụt hạng về môi trường kinh doanh trong những năm gần đây đã cho thấy rõ nền kinh tế của Việt Nam đang có vấn đề.

"Sau 25 năm đổi mới, xuất khẩu của chúng ta mãi là khai thác khoáng sản, đào cát, than đi bán,  hay gia công dệt may, lắp ráp… Đây là những công việc ở đẳng cấp rất thấp. Trong khi đó, Việt Nam không có được bước tiến cơ bản nào vào được chuỗi giá trị. Lao động thì chúng ta cũng toàn xuất khẩu lao động chất lượng thấp mà thiếu đi nguồn lao động giỏi, có chiều sâu", ông Thiên nhận định.

Trang Lam

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM