Ngành co-working space Việt Nam tìm hướng đi mới: Tăng cường không gian xanh và cung cấp nhiều dịch vụ hơn ngoài bán chỗ làm việc

12/12/2020 06:36 AM | Kinh doanh

Hiện tại, để cạnh tranh trên thị trường co-working space, chỉ bán mỗi chỗ ngồi và không gian sinh hoạt chung là không đủ. Hướng đi cạnh tranh mới của các cựu binh lẫn tân binh đang là tăng cường không gian xanh cũng như cung cấp thêm các giải pháp/dịch vụ như nhân sự để các thành viên phát triển nhanh hơn.

Kairos - tân binh của thị trường co-working space.
Kairos - tân binh của thị trường co-working space.

Ngành co-working space vẫn đang phát triển tốt bất chấp đại dịch

Đã có rất nhiều lo toang cho mô hình làm việc chung co-working space trong đại dịch. Khi đánh giá về thị trường năm 2020, CBRE cho rằng với sự bùng phát dịch bệnh, mô hình không gian làm việc linh hoạt sẽ được kiểm nghiệm tính khả thi ở nhiều thị trường.

Trong những tuần gần đây, không chỉ Trung Quốc và Việt Nam, chính quyền nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Hồng Kông, Macau và các nước châu Âu đã phải khuyến cáo nhân viên làm việc tại nhà nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh. Việc sử dụng không gian ở các văn phòng làm việc linh hoạt sẽ được điều chỉnh do yêu cầu đảm bảo mật độ khai thác nhằm hạn chế sự lây lan bệnh. Đồng thời, nhân viên sẽ trở nên linh động hơn trong công việc và tăng cường thích ứng với các không gian làm việc linh hoạt sau sự bùng phát của dịch bệnh.

Tuy nhiên, mặt khác, trong một báo cáo gần đây của JLL cho thấy, chi phí thiết kế văn phòng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021. Cụ thể: theo báo cáo Chi phí thiết kế văn phòng khu vực Châu Á Thái Bình Dương 2020/2021 của JLL ghi nhận chi phí nội thất trung bình đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp các nỗ lực cắt giảm chi tiêu do tác động tài chính của đại dịch. Tình trạng thiếu lao động, các cân nhắc về sức khỏe và an toàn, nguồn nguyên liệu sẵn có và chi phí giao hàng cao là những nguyên do chính thúc đẩy mức tăng này.

Tokyo là thị trường có giá xây dựng nội thất văn phòng đắt nhất với 1,921 USD/m2, so với mức trung bình 998 USD/m2 của khu vực. Chi phí văn phòng cũng sẽ tăng ở Brisbane, Singapore, Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và hầu hết các thành phố của Ấn Độ vào năm 2021 do thiếu hụt lao động và đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ngành co-working space Việt Nam tìm hướng đi mới: Tăng cường không gian xanh và cung cấp nhiều dịch vụ hơn ngoài bán chỗ làm việc - Ảnh 1.

Chi phí thiết kế văn phòng tại châu Á - Thái Bình Dương tăng lên đáng kể bởi Covid-19.

TP. HCM và Hà Nội cũng ghi nhận mức tăng chi phí xây dựng văn phòng lần lượt là 751 USD/m2 và 772 USD/m2. Hai thành phố kinh tế lớn của Việt Nam có giá cả xây dựng văn phòng phải chăng hơn nhiều thành phố lớn khác trong khu vực như Manila, Kuala Lumpur và Quảng Châu.

"Doanh nghiệp vẫn sẽ giảm chi phí bất động sản nhưng không gian làm việc vẫn đóng một vai trò không thể thiếu trong việc duy trì văn hóa doanh nghiệp của công ty, cũng như tuyển dụng và giữ chân nhân tài. Khi hoạt động kinh doanh trở lại, văn phòng cần được thay đổi với mật độ chỗ ngồi thấp và kết hợp công nghệ để tạo điều kiện cho tương tác không chạm và làm việc từ xa.

Ghi nhận một số công ty đã bắt đầu thay đổi về mặt thiết kế cho văn phòng, đưa ra nhiều lựa chọn hơn trong loại không gian mà nhân viên có thể chọn để đạt năng suất cao nhất. Những công việc đơn lẻ có thể được hoàn thành từ xa, trong khi văn phòng truyền thống sẽ là nơi làm việc nhóm hoặc gặp gỡ khách hàng. Để tối ưu hóa không gian, một số công ty chọn chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ văn phòng hiện có thành không gian linh hoạt, hoặc hợp tác với bên cung cấp thứ ba khi cần mở rộng quy mô văn phòng trong ngắn hoặc trung hạn.

JLL dự báo chi phí nội thất văn phòng trên toàn khu vực sẽ tăng vào năm 2021. Không gian làm việc sẽ tiếp tục phát triển và tạo động lực mạnh mẽ cho các công ty đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ, y tế sức khỏe, để đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng từ nhân viên trong bối cảnh ‘bình thường mới’ sau từng làn sóng dịch", JLL kết luận.

Hơn nữa, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam không nghiêm trọng như ở nước ngoài và ngành co-working space vẫn tốt, bằng chứng là có rất nhiều doanh nghiệp quyết định ra mắt thêm chi nhánh mới trong Covid-19.

Ngành co-working space Việt Nam tìm hướng đi mới: Tăng cường không gian xanh và cung cấp nhiều dịch vụ hơn ngoài bán chỗ làm việc - Ảnh 2.

Toàn cảnh địa điểm mới của Dreamplex tại Thảo Điền - Quận 2.

Ngành co-working space Việt Nam tìm hướng đi mới: Tăng cường không gian xanh và cung cấp nhiều dịch vụ hơn ngoài bán chỗ làm việc - Ảnh 3.

Một khu vực tại không gian chung nhiều cây xanh.

Ngành co-working space Việt Nam tìm hướng đi mới: Tăng cường không gian xanh và cung cấp nhiều dịch vụ hơn ngoài bán chỗ làm việc - Ảnh 4.

Phòng họp tại Dreamplex Thảo Điền.

Dreamplex vừa ra mắt địa điểm thứ 5 của mình tại Quận 2 - TP. HCM. Toong cũng thông báo sắp mở thêm 2 địa điểm mới tại TP. HCM – Toong đang là thương hiệu co-working space lớn nhất Việt Nam với 16 địa điểm trải dài khắp cả nước và 2 tại Campuchia cùng Lào. Cách đây chưa lâu, thị trường co-working space vừa đón chào một gương mặt mới là Kairos – Quận 1. CirCO ra mắt thêm không gian thứ 4 tại Đông Du – Quận 1.

"Sau dịch, nhiều doanh nghiệp bắt đầu có xu hướng co cụm và giảm thiểu chi phí để phục hồi. Một số công ty trả mặt bằng và ngưng hoạt động luôn, cũng có 1 số công ty thu hẹp lại về mặt quy mô, chuyển đổi từ mặt bằng lớn sang mặt bằng nhỏ hơn. Một số doanh nghiệp chỉ còn còn lại một mình ông chủ, nên phải tự hoạch định lại để khởi động một doanh nghiệp mới sau khi dịch qua đi.

Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp đều muốn tinh gọn doanh nghiệp, không sẵn sàng bỏ chi phí ra quá nhiều cho việc set up, xây dựng, đầu tư nội thất ban đầu, nên một bộ phận lớn tập trung tìm co-working để làm việc. Việc bỏ chi phí đầu tư ban đầu trong 1 thị trường nhiều biến động như hiện nay là 1 khoản rủi ro lớn.

Các nhân sự thì thích làm việc tại các coworking vì ngoài việc mọi thứ được phục vụ sẵn sàng, từ nội thất, nơi tiếp khách, cho tới máy in, phòng họp, trà, cafe, nước, không gian sáng tạo; họ còn được tham gia, kết nối và học hỏi, giao lưu với cộng đồng những doanh nghiệp có cùng chí hướng phát triển như mình.

Do đó, co-working space trở thành 1 thị trường khá sôi nổi và có sự tham gia thêm của nhiều doanh nghiệp", anh Nguyễn Xuân Hải – founder kiêm CEO Kairos giải thích nguyên do vì sao vẫn quyết định ra mắt Kairos trong năm 2020.

Không gian xanh và đa tiện ích

Ngành co-working space Việt Nam tìm hướng đi mới: Tăng cường không gian xanh và cung cấp nhiều dịch vụ hơn ngoài bán chỗ làm việc - Ảnh 5.

Một buổi tiệc chung tại 1 cơ sở của Circo - hoạt động thường xuyên diễn ra ở các co-working space hiện đại.

Ngành co-working space Việt Nam tìm hướng đi mới: Tăng cường không gian xanh và cung cấp nhiều dịch vụ hơn ngoài bán chỗ làm việc - Ảnh 6.

Một buổi tập yoga tại một cơ sở của Dreamplex.

Tuy nhiên, nhu cầu thị trường cho thấy, các doanh nghiệp trong ngành co-working space chỉ bán mỗi chỗ ngồi và không gian sinh hoạt chung là không đủ. Các doanh nghiệp cần nhiều thứ hơn từ không gian làm việc chung, như các dịch vụ hỗ trợ về hành chính, nhân sự, tài chính….để giúp doanh nghiệp chỉ tập trung vào mỗi việc kinh doanh hiệu quả hơn hoặc giúp chính các nhân sự của các công ty phát triển bản thân – cả mặt tinh thần lẫn thể chất.

Với những thay đổi lớn trong cách làm việc trong vài tháng qua, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lập kế hoạch cho năm 2021 đang ưu tiên nhiều hơn cho khả năng làm việc linh hoạt và các lựa chọn phù hợp với những thay đổi của nền kinh tế để hỗ trợ lực lượng lao động một cách tốt nhất. Tại Việt Nam, môi trường làm việc đang dần trở thành yếu tố quan trọng để định hình văn hóa doanh nghiệp và thúc đẩy sáng tạo.

Ông Paul Ahlgrim, Giám đốc Phát triển Quan hệ Đối tác, WeWork Đông Nam Á, cho biết: "Chúng tôi đã thấy sự thay đổi rõ rệt trong quan điểm của các công ty về chiến lược thiết lập môi trường làm việc. Các doanh nghiệp đang dần tập trung hơn vào tính liên tục của hoạt động kinh doanh và chống lại những ảnh hưởng của đại dịch trong tương lai.

Những gì chúng tôi nhận thấy là tính linh hoạt đang nhanh chóng trở thành tài sản quan trọng và cần thiết đối với bất kỳ công ty nào. WeWork có đủ tiềm lực để giúp các công ty củng cố chiến lược phục hồi của họ phù hợp với kỳ vọng ngày càng cao của lực lượng lao động".

Cùng với việc theo đuổi những đổi mới của khu vực, WeWork cũng đang áp dụng cách tiếp cận số hóa cho doanh nghiệp của mình, với việc triển khai dịch vụ "không giới hạn" và "theo yêu cầu" để đáp ứng nhu cầu thay đổi linh hoạt của người dùng.

Ngành co-working space Việt Nam tìm hướng đi mới: Tăng cường không gian xanh và cung cấp nhiều dịch vụ hơn ngoài bán chỗ làm việc - Ảnh 7.

Một khu vực dành cho các hoạt động nghệ thuật tại 1 cơ sở của Toong.

Tại Việt Nam, Toong, Dreamplex hay CirCO, chính là những thương hiệu tiên phong đi theo xu hướng này. Với Toong, họ có rất nhiều hoạt động về văn hóa – nghệ thuật phục vụ cho nhu cầu giải trí – nâng cao chất lượng đời sống cho các cá nhân làm việc trong không gian chung. Thậm chí, mới đây họ còn mời các nghệ sỹ như nhà thiết kế thời trang/họa sỹ/nhà sắp đặt đến các địa điểm của Toong để thể hiện – trưng bày các tác phẩm của họ.

Phần CirCO, ngoài những tiện ích mà những co-working space hàng đầu Việt Nam phải có, thỉnh thoảng họ còn cộng tác với các nhãn hàng về tiêu dùng như thời trang hay F&B mang tới những chương trình quà tặng/giảm giá hấp dẫn, như một cách tăng thêm tiện ích cho các nhân sự - công ty đang làm việc trong tòa nhà.

Với Dreamplex, nếu so về cơ sở hạ tầng, những cơ sở của thương hiệu này thường không đẹp bằng Toong hay CirCO, nhưng điều đó đã thay đổi với địa điểm mới nhất họ vừa đưa vào hoạt động cách đây không lâu. Dreamplex đã đổ rất nhiều tâm huyết vào ngôi nhà mới này, bằng cách hợp tác với các đối tác như T3 Architects Vietnam, Kobi Lighting Studio và KOTO. Rồi từ vật liệu và đồ nội thất đến ánh sáng, nhiệt độ cùng quán cà phê trong tòa nhà, tất cả các các chi tiết đều được tối ưu hóa để mang đến cho người dùng một không gian thoải mái nhất khi làm việc.

Đặc biệt, không gian mới này của Dreamplex có rất nhiều khoảng xanh mướt mắt, không chỉ rải rác bên trong tòa nhà mà còn ở bên ngoài tòa nhà. Thế nên, khi ngồi làm việc tại Dreamplex Thảo Điền, ở bất cứ vị trí nào chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy khoảng xanh trước mặt mình.

Tuy nhiên, Dreamplex không phải là thương hiệu duy nhất chọn đi theo xu hướng xanh đang hot của ngành bất động sản, mà còn có cả ‘tân binh’ Kairos.

Ngành co-working space Việt Nam tìm hướng đi mới: Tăng cường không gian xanh và cung cấp nhiều dịch vụ hơn ngoài bán chỗ làm việc - Ảnh 8.

Một góc trong co-working space của Kairos.

Ngành co-working space Việt Nam tìm hướng đi mới: Tăng cường không gian xanh và cung cấp nhiều dịch vụ hơn ngoài bán chỗ làm việc - Ảnh 9.

Không gian làm việc chung ở Kairos.

Ngành co-working space Việt Nam tìm hướng đi mới: Tăng cường không gian xanh và cung cấp nhiều dịch vụ hơn ngoài bán chỗ làm việc - Ảnh 10.

Một góc hành lang với thiết kế khá độc đáo của Kairos.

Kairos tiết lộ rằng, họ muốn thông qua mô hình co-working này, giúp cho nhiều người được trải nghiệm 1 môi trường xanh với nhiều lợi ích về cả sức khoẻ vật lý lẫn tinh thần. Không chỉ thế, Kairos còn muốn truyền cảm hứng cho khách hàng có được 1 cuộc sống văn phòng thật đa dạng - thú vị, để thăng hoa trong sự nghiệp.

Trong 3 năm tới, chiến lược của Kairos là sẽ mở 20 chi nhánh tại TP. HCM và các thành phố lớn trung tâm ở Việt Nam. Định hướng trong khoảng 1 năm trở lại, Kairos sẽ tập trung nâng cao chất lượng của 2 chi nhánh hiện tại trước, như công nghệ hoá và tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, sau đó mới bắt đầu mở rộng quy mô kế hoạch.

Thế nên, Kairos đang tập trung xây dựng nội lực, để doanh nghiệp của mình ngày càng hoàn thiện, đầu tư nhiều cho hoạt động đào tạo phát triển nhân sự, và xây dựng các quy trình hiệu quả nhất để 1 co-working hoạt động. Kairos hoạt động theo triết lý "give what you want - cho đi những gì mình muốn", nên chúng tôi cũng đang ấp ủ liên kết để tạo ra 1 chương trình đồng hành cùng sự phát triển nội lực nhân sự của doanh nghiệp.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM