Ngành bán lẻ truyền thống tiếp đà tụt dốc không phanh: Thêm một bộ đôi “cổ thụ” của Mỹ đóng hàng loạt cửa hàng, viễn cảnh phá sản không còn xa

08/11/2019 11:22 AM | Kinh doanh

Người ta thường nói “gừng càng già càng cay” nhưng dường như điều này không đúng với những ông lớn trong ngành bán lẻ truyền thống. Nhiều kinh nghiệm mà chậm thích ứng với thời cuộc, viễn cảnh lụi tàn là không thể tránh khỏi.

Sears là một chuỗi các cửa hàng bán lẻ được thành lập bởi Richard Warren Sears và Alvah Curtis Roebuck tại Chicago vào năm 1893, nay đã 127 tuổi. Tập đoàn Kmart, cũng là một nhà bán lẻ, được thành lập sáu năm sau đó, có trụ sở tại Hoffman Estates, Mỹ.

Hôm thứ Năm vừa qua, Transform Holdco, công ty mẹ sở hữu hai "cây cổ thụ" này thông báo rằng 96 cửa hàng Sear và Kmart sẽ đóng cửa ở Mỹ vào tháng 2 năm 2020.

Vậy là vừa nhận tin buồn từ Forever 21, Barneys không lâu, ngành bán lẻ truyền thống lại đối mặt với một sự mất mát nữa, cho thấy đà tụt dốc chưa có dấu hiệu cải thiện.

Bá chủ thời đại cũ

Vào những năm 1980, Sears là một cái tên quen thuộc trên khắp Hoa Kỳ, một đại diện cho sự tiết kiệm và công nghiệp hóa ở nông thôn cũng như sự phong phú về vật chất của người tiêu dùng.

Ngành bán lẻ truyền thống tiếp đà tụt dốc không phanh: Thêm một bộ đôi “cổ thụ” của Mỹ đóng hàng loạt cửa hàng, viễn cảnh phá sản không còn xa - Ảnh 1.

Sears từng là thương hiệu bán lẻ lớn nhất nước Mỹ những năm 1980.

Ban đầu, công ty được thành lập như một nhà bán lẻ đồng hồ nhỏ. Năm 1895, sau khi hợp tác với một thương nhân bán quần áo - Julius Rosenwald, công ty đã mở rộng sang các sản phẩm và cả những vùng đất mới.

Trong thời đại truyền thông in ấn vẫn đang thống trị, Sears chiếm lĩnh thị trường bán lẻ nông thôn nhờ sự ủng hộ của chính phủ, đầu tư quảng cáo thương hiệu cùng chính sách giao hàng miễn phí. Từ đồng hồ, trang sức đến xe đẩy, xe đạp, đồ thể thao hay thậm chí là máy may, đều có thể tìm mua ở chuỗi cửa hàng này.

Dẫn đầu vận chuyển, thanh toán tiền mặt đến đổi trả hàng, Sear được ca ngợi là có công dạy người Mỹ cách mua sắm. Công ty trở thành nhà bán lẻ lớn nhất xứ cờ hoa cho đến khi bị Walmart và Kmart vượt mặt vào năm 1990.

Ngành bán lẻ truyền thống tiếp đà tụt dốc không phanh: Thêm một bộ đôi “cổ thụ” của Mỹ đóng hàng loạt cửa hàng, viễn cảnh phá sản không còn xa - Ảnh 2.

Cuốn catalog giới thiệu sản phẩm của Sears mỗi năm lại một dày thêm.

Năm 1899, Kmart được thành lập bởi S. S. Kresge, với tên ban đầu là S. S. Kresge Corporation và đổi thành Kmart Corporation vào năm 1977. Trong ngay năm đầu tiên, hai cửa hàng đã được mở, chủ yếu bán đồ trang sức, đồ gia dụng và dụng cụ chăm sóc cá nhân.

Ngành bán lẻ truyền thống tiếp đà tụt dốc không phanh: Thêm một bộ đôi “cổ thụ” của Mỹ đóng hàng loạt cửa hàng, viễn cảnh phá sản không còn xa - Ảnh 3.

Kmart sinh sau nhưng cũng phát triển nhanh chóng, lấn át cả Sears.

Đến năm 1912, Kmart đã có tổng cộng 85 cửa hàng, mang lại tổng doanh thu 10,3 triệu USD. Sáu năm sau, công ty ra mắt công chúng trên thị chứng khoán New York. Năm 1928, 597 cửa hàng trong và ngoài nước Mỹ đã mang về cho công ty 156,3 triệu USD.

Về chung một nhà

Là đối thủ cùng ngành, sự đi lên của Kmart và Walmart cũng kéo theo đà sụt giảm của Sears. Nhưng chẳng lâu sau, Kmart cũng rơi vào khủng hoảng.

Sau khi Conaway lên nắm giữ chức giám đốc điều hành Kmart, ông tuyên bố rằng 72 cửa hàng hoạt động kém hiệu quả sẽ bị đóng cửa và đưa ra một kế hoạch cải tạo chuỗi cung ứng trị giá 1,7 tỷ USD.

Trong khi Walmart thúc đẩy bán hàng nhờ giảm giá, Kmart lại mắc sai lầm khi giảm quảng cáo. Từ những tháng cuối năm 2001, doanh thu của công ty liên tục sụt giảm, dẫn đến khủng hoảng thanh khoản.

Tháng 11 năm 2002, Kmart đệ đơn xin phá sản, trở thành nhà bán lẻ lớn đầu tiên từng làm vậy.

Ngành bán lẻ truyền thống tiếp đà tụt dốc không phanh: Thêm một bộ đôi “cổ thụ” của Mỹ đóng hàng loạt cửa hàng, viễn cảnh phá sản không còn xa - Ảnh 4.

Sears và Kmart về cùng nhà từ năm 2004.

Vào ngày 17 tháng 11 năm 2004, Tập đoàn Kmart Holdings tuyên bố sẽ mua Sears với giá 11 tỷ USD sau khi Kmart hoàn thành việc phá sản. Công ty mới có tên Sears Holdings Corporation, lợi nhuận kết hợp đạt đỉnh 1,5 tỷ USD vào năm 2006.

Lụi tàn thời đại mới

Tưởng như vụ sáp nhập có thể là phương thuốc cứu sống cả hai thương hiệu bán lẻ truyền thống lâu đời này nhưng cùng kịch bản với nhiều tên tuổi khác, Sears và Kmart không thể tránh khỏi sự càn quét của thương mại điện tử. Các chương trình khách hàng trung thành, dài hạn cũng không mấy tác dụng.

Năm 2010, công ty không còn có lãi. Từ 2011 đến 2016, họ đã mất 10,4 tỷ USD. Trong năm 2014, tổng số nợ 4,2 tỷ USD đã vượt quá cả vốn hóa thị trường.

Ngành bán lẻ truyền thống tiếp đà tụt dốc không phanh: Thêm một bộ đôi “cổ thụ” của Mỹ đóng hàng loạt cửa hàng, viễn cảnh phá sản không còn xa - Ảnh 5.

Vào tháng 2 năm 2017, Sears đã công bố kế hoạch tái cấu trúc, hy vọng sẽ cắt giảm chi phí 1 tỷ USD thông qua việc bán thêm cửa hàng, cắt giảm việc làm và bán thương hiệu.

Trong quý II năm 2017, 42 cửa hàng ở 40 tiểu bang đã đóng cửa. 12 địa điểm tiếp tục bị dừng hoạt động sau đó. Vào tháng 5 năm 2017, Sears Holdings tuyên bố sẽ đóng cửa 20 cửa hàng. Hai tháng sau, công ty ra thông báo sẽ dừng hoạt động 43 cửa hàng khác (8 cửa hàng Sears và 35 Kmart).

Tổng cộng, từ năm 2010 đến 2017, Sears Holdings đã giảm số lượng cửa hàng ở Mỹ từ 3.500 cuống chỉ còn 695.

Không thể cứu vãn tình hình kinh doanh, Sears Holdings nộp đơn xin phá sản vào ngày 15 tháng 10 năm 2018. Transform Holdco đã mua phần lớn tài sản thuộc sở hữu của công ty với giá 5,2 tỷ USD.

Ngành bán lẻ truyền thống tiếp đà tụt dốc không phanh: Thêm một bộ đôi “cổ thụ” của Mỹ đóng hàng loạt cửa hàng, viễn cảnh phá sản không còn xa - Ảnh 6.

"Làn sóng" đóng cửa vẫn tiếp tục diễn ra. Transform Holdco vừa thông báo sẽ đóng cửa thêm 96 địa điểm (51 cửa hàng Sears và 45 cửa hàng Kmart) vào tháng 2 năm 2020. Việc bán hàng thanh lý dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 2 tháng 12. Theo đó, sẽ chỉ còn 182 địa điểm tiếp tục được vận hành.

Người ta thường nói "gừng càng già càng cay" nhưng dường như điều này không đúng với những ông lớn trong ngành bán lẻ truyền thống. Nhiều kinh nghiệm mà chậm thích ứng với thời cuộc, viễn cảnh lụi tàn như Sears, Kmart hay Barneys là không thể tránh khỏi.

T.Dương

Cùng chuyên mục
XEM