Muốn biết kinh tế Mỹ thế nào, hãy nhìn vào ngành bia

20/10/2019 16:38 PM | Xã hội

Những dấu hiệu cảnh báo kinh tế giảm tốc có thể đã xuất hiện tại một quán bar của hãng bia Denver Beer Co.Biến động sức mua tại Mỹ được phản ánh ngay trong doanh thu các quán bar và nhà hàng.

Nếu như kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại, những dấu hiệu cảnh báo có thể đã xuất hiện trước đó tại một trong những quán bar của hãng bia Denver Beer Co, công ty có tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm lên đến 17%. Trong khi đó, nhà sáng lập Charlie Berger nói bia thủ công mới “Juicy Freak” của hãng là sản phẩm bán chạy nhất với giá mỗi lít cao hơn gần 2 USD so với giá đề xuất.

Các quán bar và nhà hàng từ lâu đã là những “trụ cột” góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ. Loại hình kinh doanh này phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu của khách hàng, và nếu như những doanh nghiệp như Denver Beer Co bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, chắc chắn không lâu sau, một viễn cảnh không mấy tươi sáng sẽ phủ bóng lên nền kinh tế toàn cầu.

“Có những con số mà chúng tôi không thể tin vào mắt mình”, Berger chia sẻ về tốc độ tăng trưởng doanh số tại các quán bar của công ty. Trong năm nay, sản lượng bia công ty sản xuất tại nhà máy lớn nhất dự đoán tăng hơn 30% so với năm 2018, lên 20.000 thùng.

Nếu như tình hình kinh doanh tại các quán bar của Denver vẫn mang những dấu hiện tích cực, đó chỉ là một điểm sáng hiếm hoi trong “bức tranh” kinh tế trái chiều của Mỹ cũng như thế giới. Các nhà kinh tế cũng như hoạch định chính sách đang rất quan tâm đến một giả thiết: nền kinh tế thế giới trở nên mỏng manh hơn và phụ thuộc nhiều vào sức mua của người tiêu dùng.

Muốn biết kinh tế Mỹ thế nào, hãy nhìn vào ngành bia - Ảnh 1.

Charlie Berger, nhà sáng lập Denver Beer Co. Ảnh: Reuters.


Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) trong tuần hạ dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2019 xuống còn 3%, mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn hơn 10 năm trước. Quan chức các quốc gia chỉ ra rằng tình hình đầu tư và thương mại trì trệ là nguyên nhân dẫn chính dẫn đến kết quả đang buồn này, khi đã có tác động tiêu cực lên sức mua của người tiêu dùng, vốn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng khối doanh nghiệp tư nhân.

Và tình hình còn có thể diễn biến theo hướng xấu hơn.

Doanh số bán lẻ của Mỹ đã giảm 0,3% trong tháng 9, theo báo cáo công bố ngày 16/10 của Bộ Thương mại. Đây là tháng đầu tiên trong 7 tháng chỉ số này sụt giảm bởi người dân không còn chi quá nhiều tiền cho các mặt hàng như xe hơi, vật liệu xây dựng, các vật dụng phục vụ sở thích cá nhân và các sản phẩm hàng hóa trực tuyến.

Tại Trung Quốc, chủ các cửa hàng cho biết sức mua yếu đã khiến họ trở nên thận trọng hơn. Nhiều người hạn chế tiêu dùng cá nhân và điều này càng làm trầm trọng hơn tình hình bất ổn hiện tại ở quốc gia này. Vốn đang chìm sâu trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 6,2% trong quý II, chậm nhất trong vòng 27 năm qua. Doanh số bán lẻ tại thị trường Trung Quốc đang ở mức thấp nhất tính từ đầu năm 2003, trong khi đó, doanh số xe hơi bán ra tại quốc gia này giảm lần đầu tiên kể từ những năm 1990 vào năm 2018.

“Công việc làm ăn của chúng tôi không tốt chút nào. Ngày càng có ít hơn những lao động nhập cư đến cửa hàng của chúng tôi mua sắm. Do đó, chắc tôi phải tiết kiệm thêm 2 năm nữa mới có đủ tiền mua một chiếc ôtô”, theo Lou Shuzhen, một chủ cửa hàng tại thành phố Đông Hoản, miền nam Trung Quốc. Ông đang dự tính mua xe hơi trong năm nay.

Đó là tâm lý chung của rất nhiều người dân Trung Quốc. Tình trạng này cũng xuất hiện tại vài quốc gia châu Âu như Đức. Số lượng xe hơi xuất khẩu của quốc gia này đã giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Tại Nhật Bản và châu Âu, những dấu hiệu tích cực về sức mua của người tiêu dùng lại bị che phủ bởi nhiều yếu tố tiêu cực khác.

Chỉ số tiêu dùng thu thập bởi Ngân hàng Nhật Bản đã tăng lên mốc cao thứ 2 trong lịch sử hồi tháng 8. Bằng chứng là doanh số xe hơi hạng sang cũng như thịt bò thượng hạng phục vụ trong các nhà hàng đã có bước nhảy vọt. Tuy nhiên, mức lương bình quân đã giảm tháng thứ 8 liên tiếp, tính đến tháng 8 năm nay. Điều này càng làm phức tạp hơn triển vọng tiêu dùng trong tương lai của đất nước mặt trời mọc, khi dự luật tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% chính thức có hiệu lực ngay trong tháng 10 này.

Người tiêu dùng tại Đức dường như được hưởng lợi từ một số chính sách gần đây ban hành bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu nhằm hỗ trợ các nền kinh tế nằm trong khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone. Người tiêu dùng tại Pháp cũng chung niềm vui khi các chính sách thuế đã được “nới lỏng” trong khoảng thời gian gần đây. Nhưng đã xuất hiện một số bằng chứng chứng minh rằng người tiêu dùng tại xứ sở sương mù đang thực hiện “thắt lưng buộc bụng”. Thay vì chi tiền ăn tại các nhà hàng hoặc các khách sạn, giờ đây, họ sẽ mua thức ăn về chế biến tại nhà.

Muốn biết kinh tế Mỹ thế nào, hãy nhìn vào ngành bia - Ảnh 2.

Một nhà hàng của Denver Beer Co ở Denver, bang Colorado, Mỹ. Ảnh: Reuters.



Dấu hiệu đổ vỡ

Tiêu dùng luôn là một nhân tố quan trọng đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia. Tiêu dùng chiến đến 70% GDP của Mỹ và 60% GDP của Trung Quốc. Nhưng lý tưởng nhất là khi tiêu dùng “đứng” ở một ví trị cân bằng đối với đầu tư và đóng góp từ thương mại, những yếu tố không chỉ đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế mà còn tạo động lực gia tăng việc làm và gia tăng quy mô nền kinh tế trong tương lai.

Ở thời điểm hiện tại, GDP của 36 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong đó bao gồm cả Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu, những thành viên đóng góp lớn vào nền kinh tế toàn cầu, đã có thể phải chứng kiến sự sụt giảm trong quý II nếu như không có sự đóng góp tích cực từ sức mua của người tiêu dùng.

Tăng trưởng trong tương lại sẽ phụ thuộc vào “thể trạng” của sức mua toàn cầu, trong bối cảnh thương mại giữa các quốc gia trên thế giới đang có sự chững lại, nhất là phản ứng của người tiêu dùng Mỹ.

Một số nhà hoạch định chính sách đã cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng trong ngành sản xuất của Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 của nền kinh tế số một thế giới đang ở 3,5%, thấp nhất trong vòng 50 năm, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng việc làm cũng như mức lương lại đang rất chậm.

“Người tiêu dùng Mỹ là trụ cột, không chỉ của nền kinh tế Mỹ, mà còn là nền kinh tế toàn cầu. Nếu như sức mua tại Mỹ có dấu hiệu yếu đi, tương lai của nền kinh tế thế giới là rất khó lường”, theo Gregory Daco, nhà kinh tế học trưởng thuộc Oxford Economics.

Dấu hiệu yếu đi của sức mua tại Mỹ có thể trước tiên xuất hiện ngay trong doanh thu các quán bar và nhà hàng, ông cho biết. Trong tháng 7, tốc độ gia tăng tiêu dùng “trong ngành thực phẩm và giải khát” đã đạt mức thấp nhất trong vòng 2,5 năm. Con số này đã sụt giảm trong vòng 3 tháng liên tiếp.

Vấn đề này thoạt nhìn thì không có gì to tát nhưng “khi bạn đi từ điểm A đến điểm B trong bối cảnh người tiêu dùng mở hầu bao ít hơn, các nhà hàng có ít doanh thu hơn, họ sẽ thuê ít nhân viên hơn, họ cũng cảnh giác với mỗi quyết định tăng lương. Điều đó cũng khiến họ chi tiêu ít hơn và ảnh hưởng bắt đầu lan sang các lĩnh vực kinh doanh khác. Người tiêu dùng có thể sẽ mua ít xe hơi cũng như các vật dụng trong nhà hơn. Còn các doanh nghiệp sẽ hạn chế mua các thiết bị văn phòng cũng như các phần mềm phục vụ cho công việc”, Daco chia sẻ.

Bart Watson, nhà kinh tế học trưởng của Hiệp hội sản xuất bia Mỹ, một liên minh có hơn 5.000 thành viên là các công ty sản xuất bia nhỏ, cho biết thật khó để có thể phủ nhận sản lượng sản xuất bia đang có sự sụt giảm, cho dù đã có sự dịch chuyển nhu cầu sang các loại bia cao cấp hơn được sản xuất bởi những công ty như Denver Beer.

“Chúng ta nên có một cách tiếp cận đầy thận trọng đến vấn đề này”, ông nói.

Với tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp, cộng với việc mức lương bình quân vẫn chưa có dấu hiệu đảo chiều, trong tương lai gần, mọi chuyện dường như vẫn không có gì đáng quan ngại. Mọi việc xem ra vẫn đang đi đúng hướng của nó.

Nhưng Thomas Costerg, nhà kinh tế học kỳ cựu người Mỹ, nhấn mạnh rằng một số dấu hiệu cảnh báo “ưa thích” của ông khi dự báo nền kinh tế đang nhăm nhe xuất hiện. Số lượng việc làm trong ngành sản xuất xe hơi không có bất cứ sự gia tăng nào trong năm nay, và “nếu như tình hình này vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới, đó có thể là một nguyên nhân khiến chúng ta lo lắng. Đó là tính chu kỳ của một nền kinh tế có dấu sụp đổ”, ông nói.

“Tôi nghĩ chúng ta đang ở 'những phút cuối' của vòng đời khách hàng”, Costerg cho biết. “Chi tiêu tiêu dùng có thể tăng mạnh trong vòng 2 đến 3 quý, nhưng tôi quan ngại rằng sẽ xuất hiện hiệu ứng dốc đứng (ý ám chỉ sự giảm mạnh đột ngột) khi chi tiêu doanh nghiệp và đầu tư không được cải thiện”.

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM