Mục tiêu 1 triệu DN năm 2015 hoàn toàn khả thi, nhưng có ý nghĩa gì nếu DN mãi không lớn được?

11/07/2016 12:08 PM | Kinh tế vĩ mô

Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải cụ thể hơn nữa để giải quyết những vấn đề mà doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải.

Trong quan điểm của Chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân luôn đóng vai trò chính để đẩy nền kinh tế tiến lên. Trong rất nhiều phiên họp thường kỳ và các buổi gặp gỡ doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vai trò doanh nghiệp tư nhân rất nhiều lần. Các chính sách để hỗ trợ cho khối doanh nghiệp tư nhân vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự hỗ trợ vẫn còn chưa đầy đủ. Chẳng thế mà khối DN tư nhân lâu nay vẫn luôn bị gắn mác "đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa", nuôi mãi không lớn được.

Ông Lê Duy Bình - Giám đốc Công ty Economica chia sẻ, thống kê cho thấy số lượng doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam gấp 112 lần doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI nhưng năng suất lao động chỉ bằng 1/2 và 1/5. Còn lợi nhuận thu về chưa bằng một nửa.

Trao đổi tại hội thảo về DN nhỏ và vừa do VCCI tổ chức, ông Bình cho hay, mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp là hoàn toàn khả thi. Bằng chứng là chỉ trong giai đoạn 2005-2013, tức là 8 năm, có khoảng 600.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập.

Tuy nhiên, trong số tổng 600.000 doanh nghiệp đăng ký lại chỉ có 273.000 doanh nghiệp thực sự hoạt động, con số này chiếm khoảng 45%. Còn lại là các doanh nghiệp đăng ký nhưng chưa hoạt động.

"Điều này cho thấy khoảng trống doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp hoạt động khá lớn. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để khoảng cách này được kéo ngắn lại", ông Bình nhấn mạnh.

Về cơ cấu thành phần doanh nghiệp, ông Bình cho hay, số lượng doanh nghiệp tư nhân có khoảng hơn 359.000 doanh nghiệp, gấp 112 lần số lượng doanh nghiệp nhà nước khoảng hơn 3.000 DN và gấp 35 lần doanh nghiệp FDI khoảng 10.000 DN.

Về cấu trúc doanh nghiệp, theo ông Bình, khối doanh nghiệp tư nhân chỉ có 2,32% doanh nghiệp lớn; 1,36% doanh nghiệp vừa; 38,80% doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm đến 57,50%.

Ngược lại, ở khối doanh nghiệp FDI, có đến 28,86% doanh nghiệp lớn; 8,71% doanh nghiệp vừa; 54,58% doanh nghiệp nhỏ và chỉ có 7,85% doanh nghiệp siêu nhỏ.

Từ những thực tiễn trên, ông Bình cho rằng, Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải cụ thể hơn nữa để giải quyết những vấn đề trên.

Hiện tại, mục tiêu của Luật Hỗ trợ DNNVV đã xác định rõ trách nhiệm vai trò và trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Đặc biệt, Giám đốc Công ty Economica cho rằng Việt Nam có thể học hỏi Nhật Bản - một đất nước có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp nhỏ và vừa - khi ban hành Luật hỗ trợ DNNVV.

Chẳng hạn như, để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ nước này từ năm 1963 đã ban hành Luật cơ bản về DNNVV. Luật đưa ra các quy định khung về phát triển khối doanh nghiệp này, thay thế các Luật trước đó. Hay Luật Khuyến khích Hiện đại hoá các DNNVV nhằm cải thiện nâng cao năng suất; Luật Đầu tư vào các Công ty TNHH Quy mô nhỏ...

Tuy nhiên, đến năm 1999, Luật 1999 ra đời tư duy và triết lý khác hẳn Luật 1963. Luật năm 1999 dựa trên triết lý mới là khuyến khích sự phát triển đa dạng, mạnh mẽ của các DNNVV hơn là việc xử lý và lấp đầy khoảng cách giữa DNNVV với DN Lớn.

Các chính sách tập trung vào 3 vấn đề chính: Khuyến khích sự sáng tạo của doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp; Nâng cao trình độ quản lý của DNNVV; Tạo điều kiện thuận lợi để DNNVV tích ứng với các thay đổi, biến động của nền kinh tế và các thay đổi trong xã hội.

"Nhật Bản là một đất nước có nền kinh tế phụ thuộc vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng đến nay Nhật Bản có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Đây là đất nước chúng ta có thể học hỏi, tham khảo trong quá trình xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta", ông Bình nhấn mạnh.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM