Mù tạt, khoai tây chiên đang thiếu hụt trên toàn thế giới

28/12/2021 16:33 PM | Kinh doanh

Hạn hán ở thảo nguyên của Canada và lũ lụt trên bờ biển Thái Bình Dương của nước này đã khiến việc sản xuất hạt cải dầu (nguyên liệu làm mù tạt) và vận chuyển khoai tây gặp khó khăn.

Ở Nhật Bản, các cửa hàng McDonald's đã bị buộc phải hạn chế khoai tây chiên khi lũ lụt diễn ra ở British Columbia gây khó khăn trong việc nhập khẩu khoai tây. Trong khi đó, các nhà sản xuất mù tạt ở Pháp dự báo giá tăng mạnh do hạn hán ở một khu vực khác của Canada - nhà cung cấp hạt mù tạt lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Nông nghiệp Marie-Claude Bibeau cho biết trong một bài phát biểu gần đây: "Khi nhìn lại thực trạng của ngành nông nghiệp năm 2021, chúng ta có thể nói năm nay bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết biến đổi khí hậu cực đoan".

Những người chăn nuôi, chủ trang trại đã phải vật lộn nhằm đảm bảo có đủ cỏ khô để nuôi gia súc khi đồng cỏ khô cạn. Theo dữ liệu của chính phủ, nông dân ở Canada sản xuất nhiều ngô hơn nhưng ít lúa mì, hạt cải dầu, lúa mạch, đậu nành và yến mạch vào năm 2021 so với năm 2020.

Theo cơ quan Thống kê Canada, sản lượng nông sản năm nay giảm xuống mức chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ - phần lớn là do điều kiện hạn hán ở Tây Canada.

Keith Currie thuộc Liên đoàn Nông nghiệp Canada cho biết: "Có nhiều nỗi lo trong cộng đồng nông dân". Một số nông dân đã mất tất cả, những người khác đang cân nhắc bỏ việc vì tương lai có vẻ ảm đạm.

Phòng thí nghiệm phân tích thực phẩm nông nghiệp tại Đại học Dalhousie đã công bố danh sách 10 vấn đề hàng đầu liên quan đến thực phẩm mỗi năm. Thảm họa khí hậu ở Tây Canada đứng thứ hai trong năm nay, sau lạm phát lương thực.

Giám đốc khoa học Sylvain Charlebois nói với AFP: "Biến đổi khí hậu đã tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp và chuỗi cung ứng" vốn đã căng thẳng bởi đại dịch, dẫn đến chi phí lương thực tăng.

Mưa lớn làm gián đoạn vận chuyển

Trong khi đó, sản lượng hạt cải dầu ở thảo nguyên đã giảm một nửa trong năm nay xuống còn gần 50.000 tấn do hạn hán. Do đó, giá trung bình dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi lên "mức kỷ lục 1700 USD/tấn", theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Canada.

Vùng Burgundy của Pháp có phần lớn các nhà sản xuất mù tạt nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nông dân Canada để sản xuất ra loại gia vị đậm đà, tiêu thụ khắp thế giới.

 Mù tạt, khoai tây chiên đang thiếu hụt trên toàn thế giới  - Ảnh 1.

Nhà phân tích thị trường hàng hóa Ramzy Yelda lưu ý rằng hạn hán ở Tây Canada xảy ra trung bình 10-15 năm một lần, nhưng năm nay "đặc biệt tàn khốc".

Currie nói thêm: "Tôi không nghĩ chúng ta đã giải quyết xong với những tình huống thời tiết khắc nghiệt như thế này. Chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với chúng thường xuyên hơn".

Trong khi đó, đây lại là một năm ấn tượng đối với các nhà sản xuất khoai tây Canada khi thu hoạch được 123.000 tấn khoai tây, tăng 18% so với năm trước.

Hiệp hội những người trồng khoai tây Canada cho biết hầu hết các tỉnh trong năm nay "được hưởng điều kiện thu hoạch tuyệt vời, không bị lạnh hoặc điều kiện ẩm ướt".

Tuy nhiên, những trận mưa như trút nước ở British Columbia đã khiến lái xe bị kẹt trong những trận lở đất nguy hiểm, buộc hàng nghìn người phải sơ tán khỏi nhà. Mưa lớn cũng đã phá hủy đường xá, đường sắt và cầu vào tháng 11 khiến cảng Vancouver ngăn cách khỏi phần còn lại của Canada. Điều này dẫn đến việc xuất khẩu từ cảng lớn nhất của Canada bị gián đoạn.

Các nhà hàng McDonalds ở Nhật Bản đã thông báo rằng họ sẽ chỉ bán khoai tây chiên cỡ nhỏ trong vòng một tuần kể từ ngày 24/12 để tránh tình trạng hết hàng.

"Do lũ lụt quy mô lớn gần cảng Vancouver ... và sự rạn nứt chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch coronavirus, việc cung cấp khoai tây bị đình trệ".

 Mù tạt, khoai tây chiên đang thiếu hụt trên toàn thế giới  - Ảnh 2.

Lũ lụt 500 năm mới có một lần hồi tháng 11 đang đẩy nông sản của Canada vào tình thế khó khăn trong việc tiêu thụ.

Cảng đã vận chuyển khối lượng ngũ cốc (và hàng hóa) kỷ lục vào giữa năm, tăng 20% ​​lên 16,5 triệu tấn so với sáu tháng đầu năm 2020, để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ ở nước ngoài. Nhưng một lượng lớn công việc tồn đọng đã tích tụ vào tháng 11.

Theo Khánh Huyền

Cùng chuyên mục
XEM