Một bệnh mà các tài xế sợ xanh mặt, xảy ra bất ngờ, nguy cơ tử vong cực cao!

17/09/2023 12:00 PM | Sống

Tài xế là một trong những ngành nghề có nguy cơ đột quỵ não cao.

Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới, tỷ lệ ước tính 218/100000 dân số và được hiển thị màu đỏ trên bản đồ Đột quỵ thế giới. Những ca đột quỵ xảy ra gần đây đang ngày càng trở thành nỗi lo lắng, bất an cho nhiều người. Theo nhiều nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ mắc đột quỵ trong cộng đồng có xu hướng gia tăng, trẻ hóa và tỷ lệ nam giới bị đột quỵ cao gấp 1,5 lần so với nữ giới.

Nguy cơ đột quỵ cũng khác nhau ở từng nhóm ngành nghề do liên quan đến đặc thù nghề nghiệp. Trong đó, nghề tài xế cũng thuộc nhóm ngành có nguy cơ bị đột quỵ cao, đặc biệt là các lái xe đường dài. 

Tài xế với đặc thù công việc phải di chuyển những khoảng cách xa, trong thời gian dài, đặc biệt là các tài xế lái xe đường dài. Trong thời gian làm việc, họ phải thay đổi thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống và giờ giấc nghỉ ngơi. Chính những thay đổi này khiến họ dễ mắc nguy cơ gây bệnh, trong đó có đột quỵ não. 

Một bệnh mà các tài xế sợ xanh mặt, đến bất ngờ, nguy cơ tử vong cực cao! - Ảnh 1.

Tài xế với đặc thù công việc phải di chuyển những khoảng cách xa, trong thời gian dài, đặc biệt là các tài xế lái xe đường dài. (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân dẫn tới nguy cơ đột quỵ não

1. Tăng huyết áp và béo phì

Các lái xe thường dành phần lớn thời gian trong ngày ngồi sau tay lái nên ít có thời gian vận động. Theo khuyến cáo của Viện quốc gia về an toàn và sức khỏe lao động Mỹ, người lớn nên tập thể dục cường độ cao ít nhất 2,5 giờ/tuần. Các tài xế thường không đạt yêu cầu này. 

Ngoài ra, do đặc thù công việc phải di chuyển nhiều, liên tục, bận rộn, thời gian hạn chế nên nhiều tài xế lựa chọn các thức ăn nhanh (cơm suất, cơm hộp) tại các quán ăn hoặc nhà hàng ven đường. Thức ăn chế biến sẵn khiến cho 22% tài xế xe tải của Mỹ bị rối loạn mỡ máu. Chính thói quen ăn uống không lành mạnh cùng ít tập thể dục đã làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như: Tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu, tiểu đường,… 

2. Nguy cơ hình thành cục máu đông

Do không gian trong các buồng lái chật hẹp khiến nhiều tài xế phải ngồi yên trên ghế trong một thời gian dài (từ 4-6 giờ). Công việc lái xe liên tục khiến họ không có thời gian thay đổi tư thế như duỗi chân tay, giãn cơ, vươn vai, hay đứng dậy đi lại,… Việc ngồi lâu một tư thế có nguy cơ hình thành cục máu đông, đặc biệt ở những người có sẵn các yếu tố thuận lợi như bị suy giãn tĩnh mạch, bị bệnh rối loạn đông máu,… 

3. Sử dụng các chất kích thích

Để giúp bản thân tỉnh táo trong những chuyến đi dài vào ban đêm hoặc sau những đêm mất ngủ, nhiều tài xế đã sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, cà phê thậm chí là ma túy. Việc hút thuốc lá trong thời gian dài được nhiều nghiên cứu chứng minh là tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu, từ đó là tăng nguy cơ bị các bệnh lý nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não hoặc ung thư phổi,… Ma túy cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ não gấp 4 lần ở người trẻ. 

4. Mệt mỏi quá độ và hội chứng ngưng thở khi ngủ

Nhiều lái xe cảm thấy cực kỳ mệt mỏi khi lái xe, kể cả vào ban ngày và có thể gặp hội chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là một hội chứng do tình trạng rối loạn giấc ngủ, gây tắc nghẽn đường thở, làm giảm lượng oxy cung cấp cho não khi ngủ. Hội chứng này thường gặp ở nam giới và có thể liên quan đến một số yếu tố như: Béo phì, hút thuốc lá, tư thế ngủ hoặc có các bệnh lý về mũi xoang, amidan. 

Khoảng 1/3 tài xế xe tải ở Mỹ mắc hội chứng này. Biểu hiện bao gồm: Đau đầu nhiều vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Khi ngủ, tiếng ngáy ngắt quãng, có lúc như ngạt thở, thở hổn hển. Mệt mỏi quá mức, suy giảm trí nhớ, giảm độ tập trung do chất lượng giấc ngủ kém và thiếu oxy cung cấp cho não. 

Tình trạng này nếu không được điều trị sẽ tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột tử trong đêm,… 

Một bệnh mà các tài xế sợ xanh mặt, đến bất ngờ, nguy cơ tử vong cực cao! - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

5. Căng thẳng tâm lý, stress thường xuyên

Do áp lực công việc phải xử lý hàng loạt các tình huống xảy ra bất ngờ trên đường đi cùng với chế độ sinh hoạt thất thường, mất ngủ kéo dài, ăn uống không điều độ,… có thể gây stress cho các tài xế. 

Khi bị stress sẽ kích thích cơ thể tăng tiết hormon Cortisol để chống lại. Cortisol có tác dụng làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim, tăng đường máu. Nếu căng thẳng diễn ra trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ bị đột qụy não. 

Cách phòng tránh và giảm thiểu nguy cơ

Đột quỵ não mặc dù là một bệnh lý nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh. Đột quỵ não xảy ra ở những lái xe không những gây nguy hiểm cho người bệnh mà còn có thể gây hậu quả nặng nề cho những hành khách trên xe hoặc những người tham gia giao thông trên đường. Do vậy, các tài xế cần có những biện pháp phòng tránh như sau. 

- Khám sức khỏe sàng lọc nhằm phát hiện sớm những trường hợp không đủ điều kiện tham gia lái xe, đặc biệt là lái xe đường dài như: Tăng huyết áp khó kiểm soát, huyết áp thường xuyên dao động mạnh kể cả khi đã uống thuốc theo phác đồ, co giật, động kinh, thường xuyên bị tụt huyết áp,...

- Trong thời gian làm việc, các tài xế cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi phát hiện có bất thường cần tuân thủ điều trị của bác sĩ. Trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ gặp phải khi dùng thuốc có thể liên quan đến việc điều khiển phương tiện. Ví dụ như: một số thuốc gây đau đầu, chóng mặt hoặc run chân tay…  

- Cải thiện chế độ ăn uống bằng việc mang theo trái cây, hoa quả làm bữa ăn nhẹ hoặc ăn kèm để bổ sung thêm chất dinh dưỡng. Hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích và thức ăn nhanh, chiên rán sẵn.  

- Cần có quy định về thời gian lái xe liên tục và có khoảng nghỉ ngơi giữa các ca lái xe. Tài xế nên tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để thay đổi tư thể, vận động cơ thể tại chỗ hoặc ở gần chỗ nghỉ như các bài tập co duỗi chân, nhón chân, bài tập vùng vai,… Theo khuyến cáo, cần vận động ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày trong một tuần sẽ giúp cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng, tăng cường sự tỉnh táo và giảm nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Theo BS Phạm Hằng

Cùng chuyên mục
XEM