Mất 16 năm để hòa vốn, tương lai của Grab sẽ ra sao?

12/10/2023 10:18 AM | Kinh doanh

Grab đốt đến 480 USD trên mỗi khách hàng để mở rộng thị phần, trong khi người dùng chỉ tiêu trung bình 29 USD/năm trên ứng dụng này, nghĩa là sẽ phải mất hơn 16 năm để hãng thu hồi vốn.

Mất 16 năm để hòa vốn, tương lai của Grab sẽ ra sao? - Ảnh 1.

“Hôm nay, chúng ta đã trở thành tâm điểm của Đông Nam Á”, nhà sáng lập Anthony Tan tự hào nói với quan khách ở một buổi tiệc tại khách sạn Shangri-La tại Singapore khi Grab mới được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq.

Hãng tin Bloomberg cho hay khoảng khắc Anthony Tan và người đồng sáng lập Tan Hooi Ling rung chuông mở cửa giao dịch tại sàn Nasdaq vào ngày 12/2/2021 là một giờ khắc lịch sử với Grab. Ban giám đốc vui mừng trong tiếng nhạc “Chúng ta là nhà vô địch” (We Are the Champions).

Thế nhưng tiệc vui chẳng dài khi cổ phiếu Grab lao dốc 21% ngay trong phiên đầu giao dịch. Kể từ đó đến nay, dù giá cổ phiếu có hồi lại thời gian gần đây thì vẫn giảm gần 70% so với mức giá khởi điểm khi lên sàn.

Mất 16 năm để hòa vốn, tương lai của Grab sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Ngay lập tức, giới đầu tư bắt đầu hoài nghi về tương lai của Grab cũng như Masayoshi Son-người hậu thuẫn đằng sau startup đình đám này.

Thậm chí, sự rung lắc của Gran còn khiến giấc mơ trở thành “Thung lũng Silicon tại Đông Nam Á” của Singapore trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Mất 16 năm hồi vốn

Chuyên gia phân tích Eric Wen của hãng Blue Lotus Capital Advisors đã tìm hiểu kỹ về Grab và thấy những con số bị thổi phồng một cách phi lý.

Theo Wen, hãng Grab chỉ có chưa đến 25 triệu người dùng mỗi tháng tại thời điểm năm 2020, tức chỉ bằng 7% lượng người dùng của siêu ứng dụng Meituan tại Trung Quốc.

Thêm nữa, lượng khách trung lưu và thu nhập bình quân đầu người ở Đông Nam Á cũng thấp hơn so với Trung Quốc, khiến những hứa hẹn thái quá của startup này trở nên đáng ngờ nếu so sánh với nền kinh tế lớn nhất Châu Á.

Trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán, Grab đã gọi vốn được 12 tỷ USD và theo tính toán, hãng đã đốt 480 USD bình quân trên mỗi khách hàng để mở rộng thị phần nhưng người dùng lại chỉ tiêu trung bình 29 USD/năm trên ứng dụng này, nghĩa là sẽ phải mất hơn 16 năm để hãng thu hồi vốn.

Chỉ 6 tuần sau khi Grab niêm yết trên sàn chứng khoán, báo cáo của Wen được công bố với lời khuyến nghị nhà đầu tư bán ra. Ngay lập tức cổ phiếu của hãng mất một nửa giá trị so với lúc ra mắt xuống chỉ còn 6 USD/cổ.

Theo Wen, con số này có thể xuống đến mức 3 USD/cổ và đúng như dự đoán, chỉ 2 tháng sau đó giá cổ phiếu của Grab rơi xuống ngưỡng này.

Mất 16 năm để hòa vốn, tương lai của Grab sẽ ra sao? - Ảnh 3.

Giáo sư Mak Yuen Teen của trường đại học quốc gia Singapore nhận định bài học của Grab cho thấy nhà đầu tư quá tin vào những lời hứa và bảng thành tích “phông nền” của nhà sáng lập Tan mà không chịu nhìn kỹ hiệu quả mô hình kinh doanh.

Cho đến tận hiện tại, rất nhiều vấn đề của Grab bị đem ra mổ xẻ, ví dụ như việc nhà sáng lập Tan nắm giữ 63% quyền biểu quyết nhưng lại chỉ có 3% cổ phần thường, một điều khá bất hợp lý.

Ngoài ra vào năm 2018, việc bổ nhiệm mẹ của Tan vào quan quản trị cũng khiến nhiều người nghi vấn về tính hiệu quả trong hoạt động quản lý của Grab.

Những lo lắng của các nhà đầu tư là có cơ sở khi Uber đã báo cáo có lợi nhuận hoạt động trong quý II/2023 nhưng tính đến cuối năm 2022, Grab vẫn lỗ lũy kế đến 16 tỷ USD.

Một số chuyên gia nhận định Uber dù thất thế ở vài thị trường nhưng startup này vẫn có sân nhà tại Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới.

Trái lại Grab bị giới hạn ở Singapore, thị trường chỉ có 5,9 triệu dân. Mặc dù hãng cố gắng mở rộng sang các thị trường Đông Nam Á khác nhưng cũng rất khó để thu lời nhanh chóng như ở Mỹ.

Thêm nữa, sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, luật pháp tại các nước trong khu vực cũng là cản trở gia tăng chi phí hoạt động cho Grab.

Giấc mơ thành ác mộng?

Nhà sáng lập Tan gây dựng nên Grab Holding vào năm 2012 khi làn sóng các doanh nghiệp gọi xe bùng nổ trước thành công của Uber.

Đặc biệt hơn, startup này có sự tham gia từ Masayoshi Son, vị tỷ phú của Softbank từng nổi tiếng với thương vụ đầu tư cho Alibaba và Jack Ma.

Chính Masayoshi Son là người đã từng đầu tư cho Uber và giờ đây là Grab, một startup địa phương dám đứng lên thách thức cho ngành dịch vụ gọi xe ở Đông Nam Á.

Ngoài Softbank, hàng loạt cái tên sáng giá cũng xuất hiện trong danh sách đầu tư cho Grab như BlackRock, Fidelity, Morgan Stanley và Temasek-quỹ đầu tư quốc doanh của Singapore, qua đó cho thấy tham vọng trở thành “quốc gia khởi nghiệp” từ nền kinh tế này.

Mất 16 năm để hòa vốn, tương lai của Grab sẽ ra sao? - Ảnh 4.

Grab rung chuông niêm yết lần đầu trên sàn chứng khoán Nasdaq

Hãng tin Bloomberg cho hay chưa bao giờ những startup lỗ vốn như Grab lại được giới đầu tư săn lùng như vậy kể từ cuộc bùng nổ Internet thập niên 1990. Trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán, Grab đã được định giá đến 40 tỷ USD, gần ngang bằng các tập đoàn lớn như American Airlines, Delta Air hay Uniyed Airlines.

Ngay cả nhà sáng lập Tan lúc đó mới 39 tuổi cũng nhanh chóng được kỳ vọng trở thành vị tỷ phú mới ở Đông Nam Á.

Thế nhưng với đà giảm giá liên tục từ khi niêm yết đến nay, giấc mơ của Grab nói riêng và Singapore nói chung đang dần chuyển xấu.

Với Singapore, nền kinh tế giàu có này đã trở thành một trong những trung tâm giao thương, dịch vụ tài chính lớn của khu vực lẫn thế giới.

Tuy nhiên với những thách thức mới, Singapore đang nhắm đến trở thành quốc gia khởi nghiệp khi chuyển hướng sang công nghệ, kỳ vọng trở thành “Thung lũng Silicon mới” tại Đông Nam Á.

Năm 2011, bộ phận khởi nghiệp của trường đại học quốc gia Singapore đã kết hợp cùng các quỹ đầu tư mạo hiểm và một cơ quan truyền thông của chính phủ để thành lập nên “Vườn ươm công nghệ” (Tech Incubator) mang tên “Block 71”.

Tại đây, hơn 1.100 startup đã được bơm tiền nuôi dưỡng, qua đó bành trướng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh trên khắp Châu Á và Mỹ.

Cũng chính nơi đây là tâm điểm cho tham vọng “Thung lũng Silicon mới” khi ngày càng nhiều công ty nổi tiếng như Canon, Fujitsu bắt đầu xuất hiện.

Địa điểm này cũng có mặt 3 startup đình đám nhất Singapore là Razer, Grab và Sea.

Trong khi Rzaer nổi tiếng là nhà phát triển game như Free Fire thì Sea lại sở hữu trang thương mại điện tử Shopee.

Bản thân Sea đã từng là cổ phiếu nóng nhất thế giới khi tăng giá gấp 24 lần tính từ lúc niêm yết năm 2017 cho đến mức đỉnh tháng 10/2021, đạt tổng giá trị vốn hóa thị trường hơn 200 tỷ USD.

Thế nhưng giờ đây cả 3 niềm hy vọng của Singapore đều đang gặp khó khăn. Cổ phiếu của Sea đã giảm gần 90% so với mức đỉnh, buộc hãng phải sa thải hàng nghìn nhân viên để cắt giảm chi phí.

Mất 16 năm để hòa vốn, tương lai của Grab sẽ ra sao? - Ảnh 5.

Tương tự, Razer do gặp khó khi niêm yết trên sàn đã quyết định chuyển mình thành hãng tư nhân khép kín trong mắt nhà đầu tư.

“Khát vọng bùng nổ công nghệ của Singapore dựa quá nhiều vào những lời hứa hẹn hơn là hiệu quả hoạt động thực tế”, giám đốc Devadas Krishanadas của Future Moves Group nhận định khi nói rằng các startup nên làm việc hiệu quả hơn là chỉ đốt tiền của nhà đầu tư.

Tất nhiên, cả 3 niềm hy vọng của Singapore vẫn đang cố gắng hoạt động và câu chuyện của họ vẫn đang bị mổ xẻ.

Cả Tan của Grab và các giám đốc điều hành từ 3 startup trên đều bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai của công ty mình bất chấp khó khăn trên thị trường.

Dẫu vậy, diễn biến giá cổ phiếu cho thấy cái nhìn của nhà đầu tư không lạc quan như vậy.

Khởi nguyên của màu áo xanh

Nhà sáng lập Tan của Grab lớn lên tại Malaysia và bắt đầu khởi nghiệp tại một nhà kho từ 11 năm trước.

Vị doanh nhân này đã thành lập nên MyTeksi ở thủ đô Kualar Lumpur-Malaysia, chuyên kết nối các taxi thông qua ứng dụng trên smartphone.

Bản thân Tan là một người con trong gia đình có truyền thống khởi nghiệp.

Ông nội của Tan là nhà đồng sáng lập Tan Chong Motor vào năm 1957, chuyên lắp ráp và bán xe Nissan tại Malaysia, qua đó trở nên giàu có. Cha của Tan cũng là chủ tịch của một hãng đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Với gia thế “con nhà nòi” cùng tấm bằng thạc sĩ của Harvard University, chẳng có gì khó hiểu khi chỉ 2 năm sau ngày khởi nghiệp, Tan đã có được cuộc hẹn với Masayoshi Son.

Tại thời điểm đó, Son đang rất nổi tiếng nhờ thương vụ đầu tư thành công vào Alibaba của Jack Ma.

Cuộc gặp với Son đã giúp Tan nhận được cam kết đầu tư 250 triệu USD từ SoftBank.

Năm 2014, startup của Tan chuyển đến Singapore và sau đó chính thức đổi tên thành Grab để chuẩn bị bành trướng ra toàn khu vực. Đến tháng 3/2018, Grab mua lại Uber Technologies chi nhánh Đông Nam Á và biến Uber Eats thành GrabFood.

Đây được coi là một trong những chiến thắng quan trọng cho Tan và Grab trong tiến trình bành trướng ở Đông Nam Á.

Mất 16 năm để hòa vốn, tương lai của Grab sẽ ra sao? - Ảnh 6.

Anthony Tan

Năm 2019, hình ảnh của Tan xuất hiện trong bản báo cáo của SoftBank, cùng hàng loạt những tên tuổi đình đám khác như Adam Neumann của WeWork hay Dara Khrowshani của Uber.

Đích thân Masayoshi Son đã cam kết đầu tư 3 tỷ USD cho Grab và Tan bắt đầu khởi động kế hoạch xây dựng một siêu ứng dụng bao gồm dịch vụ gọi xe, tài chính và nhiều thứ khác tương tự như Wechat tại Trung Quốc.

Năm 2020, hãng mở trụ sở thứ 2 ở thủ đô Jakarta-Indonesia. Đây cũng là năm bùng nổ của Grab khi hãng sắp niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq.

Ngoài ra, đại dịch khiến nhu cầu gọi đồ ăn về nhiều hơn cũng trở thành động lực cho tăng trưởng.

Thế nhưng, cuộc phiêu lưu của Grab bắt đầu nhận được các nghi vấn khi hãng đốt quá nhiều tiền của nhà đầu tư và còn lâu thì mới hồi được vốn.

Cơ hội vẫn còn

Theo Bloomberg, hiện Grab đã giảm đầu tư cho tham vọng xây dựng siêu ứng dụng của mình để cắt giảm chi phí, mặc dù hãng vẫn cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Về tổng thể, tiềm năng của startup này vẫn còn khi có đến 35 triệu người dùng hàng tháng, hoạt động ở 8 quốc gia với hơn 500 thành phố.

Doanh thu năm 2022 của Grab đạt 1,4 tỷ USD cùng tổng mức vốn hóa đạt hơn 13 tỷ USD.

Thương hiệu màu xanh của Grab cũng được nhận diện phổ biến tại Đông Nam Á và giá cổ phiếu của hãng đã tăng 11% trong tháng 8/2023 nhờ cắt giảm được thua lỗ trong quý II.

Với đà tăng trưởng doanh thu và khả năng cắt giảm thua lỗ trong 6 quý liên tiếp, nhà đầu tư đang kỳ vọng vào sự hồi sinh của Grab.

Tương tự, Singapore vẫn chưa từ bỏ giấc mơ “Thung lũng Silicon” khi cho biết ngành công nghệ đã đóng góp đến 77 tỷ USD, tương đương 17,3% GDP cho nền kinh tế.

Hiện quốc gia này đang tập trung đầu tư phát triển mảng xe hơi và điện thoại khi hút vốn được 16,5 tỷ USD, mức cao kỷ lục, trong năm ngoái vào mảng bán dẫn.

“Quy mô thị trường không phải yếu tố giới hạn được chúng tôi khi các startup được xây dựng với tầm nhìn bành trướng ra toàn cầu”, trợ lý giám đốc điều hành Emily Liew của Enterprise Singapore, một tổ chức của chính phủ chuyên hỗ trợ khởi nghiệp, cho biết.

*Nguồn: Bloomberg

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM