Mâm cỗ trông trăng ngày Trung thu gồm những gì?

28/09/2023 21:47 PM | Sống

Bên cạnh mâm cúng gia tiên thì nhiều gia đình cũng chuẩn bị sẽ mâm cỗ trông trăng ngày Trung thu để cả nhà quây quần dưới ánh trăng cùng thưởng thức.

Tết Trung thu đối với người Việt còn là Tết thiếu nhi, Tết đoàn viên. Mâm cỗ ngày rằm tháng 8 không chỉ thịnh soạn, đẹp mắt mà còn mang ý nghĩa về sự sum vầy, hạnh phúc gia đình.

Mâm cỗ trông trăng đêm Trung thu

Bên cạnh mâm cúng gia tiên thì nhiều gia đình cũng chuẩn bị mâm cỗ trông trăng đêm Trung thu, với trái xanh và trái chín xen kẽ để thể hiện sự âm dương hài hòa, cân bằng giữa trời và đất theo quan niệm dân gian.

Một số loại trái cây cần cho ý tưởng trang trí mâm cỗ Trung thu: Nải chuối chín, quả bưởi (mang ý nghĩa cầu mong những điềm lành), quả hồng (mang ý nghĩa của sự no đủ), quả na (mang ý nghĩa sinh sôi), quả lựu (tượng trưng cho sự may mắn).

Đặc biệt, mâm cúng trông trăng không thể thiếu bánh Trung thu - bánh nướng và bánh dẻo, thường có hình tròn và hình vuông tượng trưng cho trời và đất; có thể là bánh trung thu hình cá chép hay chú lợn béo tròn.

Nhiều gia đình chuẩn bị thêm cả cốm và các loại trà như trà sen, trà hoa nhài, trà mạn… để dùng cùng bánh.

Mâm cỗ này cũng không thể thiếu các loại đèn đặc trưng để trang trí cho bắt mắt như đèn ông sao, đèn cù, đèn con thỏ... khiến không gian xung quanh trở nên ấm áp và gần gũi.

Cỗ trông trăng có rất nhiều món hoa quả, bánh kẹo, vì thế không nhất thiết phải đặt vào mâm như mâm cúng gia tiên, chỉ cần đặt lên một chiếc bàn rộng.

Mâm cỗ trông trăng ngày Trung thu đầy màu sắc. (Ảnh: Cao Hương Thủy)

Cách làm chú chó bưởi đón Trung thu

Ở nhiều gia đình, mâm cỗ trông trăng ngày Trung thu luôn có sự xuất hiện của  chú chó lông xù bé bé xinh xinh làm từ quả bưởi - loại quả không thể thiếu trong dịp này.

Cách làm chó bưởi không hề khó, bất cứ ai cũng có thể trổ tài ngay trong Trung thu này theo 5 bước sau:

- Gọt vỏ bưởi, bỏ hết phần cùi trắng. Nên chọn quả bưởi có màu hồng tía, tép dài, không quá mọng nước để dễ tạo hình lông xù.

- Dùng dao gọt phần mép vỏ bưởi, bỏ hạt, sau đó nhẹ nhàng tẽ múi bưởi để phần tép bên trong lộn ra ngoài, xù đều lên như lông của chú chó.

- Dùng miếng xốp để làm khuôn chú chó (nếu không có sẵn, có thể dùng một quả đu đủ và một quả cam thay thế), dùng que gỗ để cố định các bộ phận.

- Ghim các múi bưởi đã bóc sẵn lên khuôn đã làm, phủ thật kín. Riêng phần tai chó, bạn nên chọn các múi bưởi dài, uốn cong thật khéo léo.

- Lấy hạt nhãn làm mắt và mũi chó, cà rốt làm lưỡi chó, buộc thêm chiếc nơ là bạn đã có một em chó bưởi thật xinh xắn rồi.

Chú chó bưởi sinh động trong mâm cỗ trông trăng. (Ảnh: VNE)


Theo Nhật Thuỳ/VTC

Từ khóa:  thiên niên kỷ
Cùng chuyên mục
XEM