M&A hàng loạt công ty, Chủ tịch TTC: Startup nào dám chuyển nhượng lúc đang thịnh? Nếu để suy mới bán thì tôi đánh giá không cao!

29/11/2023 11:14 AM | Kinh doanh

Chủ tịch TTC cũng tiết lộ, Tập đoàn sẽ tiếp tục mua lại một nhà máy đường ở Tây Ninh cuối năm nay và đầu năm 2024 sẽ mua lại một nhà máy đường của Ấn Độ ở Campuchia.

Trước xu hướng chậm lại của thị trường M&A toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài vùng chịu ảnh hưởng. Ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia tại Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 năm 2023 cho biết, tổng giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2023 là 4,4 tỷ USD, giảm 23% so với đầu năm. Số lượng thương vụ cũng thấp hơn so với hai năm trước.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được các chuyên gia đánh giá là thị trường tiềm năng của các thương vụ M&A. Theo bà Bình Lê Vandekerckove - nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thương vụ ASART, khoảng 3 năm tới, thị trường M&A của Việt Nam sẽ đạt con số 20 tỷ USD.

Trên thực tế, hình thức M&A đã nhen nhóm tại Việt Nam từ khi nền kinh tế bao cấp chuyển dịch sang kinh tế thị trường. Chia sẻ trong phiên thảo luận tại Diễn đàn, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC nhớ lại, từ năm 2001, Tập đoàn đã M&A thành công 2 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Nông thôn Thạnh Thắng và Ngân hàng Đông Phương. Theo ông, hoạt động này là quy luật của nền kinh tế thị trường, M&A tạo ra cơ hội cho những người mua và cả người bán.

Năm 2010, khi thị trường vốn đã quen với các thương vụ doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp Việt, thì TTC lại “đi ngược”, mua 2 nhà máy đường của nhà đầu tư Pháp là Bourbon Tây Ninh và Bourbon Gia Lai.

M&A hàng loạt công ty, Chủ tịch TTC: Startup nào dám chuyển nhượng lúc đang thịnh? Nếu để suy mới bán thì tôi đánh giá không cao! - Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC (Ảnh: Diễn đàn đầu tư chứng khoán)

"Vào năm 2010, Chủ tịch Tập đoàn Bourbon đã tìm đến và trao đổi về việc muốn tìm người để nhượng lại dự án mà ông đã ấp ủ rất lâu (sau 16 năm đặt nền móng cho nhà máy và phát triển tại thị trường Việt Nam). Lúc đó, Bourbon Tây Ninh là nhà máy đường lớn nhất tại Việt Nam, với công suất gần 10.000 tấn mía cây/ngày. Ngoài mía đường, nhà máy còn sản xuất điện sinh khối.

Điều mà Chủ tịch Bourbon làm tôi nhớ mãi là câu nói: “Với đứa con sinh ra sau 16 năm và trách nhiệm với những người nông dân đã gắn bó với Bourbon, nên tôi muốn tìm kiếm người tâm huyết như TTC để chuyển giao”. Thực sự tôi rất ngưỡng mộ các doanh nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhất là người Pháp, vì họ luôn đề cao trách nhiệm với cán bộ, nhân viên Bourbon và cả người dân trồng mía ở Tây Ninh, cũng như Gia Lai", Chủ tịch Tập đoàn TTC nói tại Diễn đàn. 

Ngoài ra, Tập đoàn TTC còn thực hiện nhiều thương vụ M&A khác trong suốt 44 năm hoạt động. Năm 2017, "ông trùm" mía đường hoàn tất thương vụ sáp nhập CTCP Đường Biên Hòa và CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh thành CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS). TTC còn mua lại nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào và một số nhà máy đường khác trong nước. Trong bài phỏng vấn với Báo đầu tư, Chủ tịch Đặng Văn Thành cho biết sẽ tiếp tục mua lại một nhà máy đường ở Tây Ninh cuối năm nay và đầu năm 2024 sẽ mua lại một nhà máy đường của Ấn Độ ở Campuchia, với quy mô 5.000 tấn mía cây/ngày, nhằm mở rộng vùng nguyên liệu.

Nói về chiến lược M&A các doanh nghiệp lớn, Chủ tịch Tập đoàn TTC bày tỏ: "M&A các doanh nghiệp lớn, trong chiến lược cũng đặt ra vấn đề này, đây là con đường nếu có kiểm soát, quản trị tốt thì cơ hội sẽ đến với chúng ta, nhất là khi Việt Nam đang trong nền kinh tế mở, đây là cơ hội rất lớn với cơ hội trong nước và quốc tế. Các định chế tài chính cũng nhìn thấy vấn đề này. Năm 2024, qua những cơn biến động thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng chúng ta cũng đứng trên đường đua mới, đan xen thách thức và cơ hội là điều bình thường.

Xin hỏi rằng những doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp startup nào dám chuyển nhượng lúc đang thịnh? Nếu để suy mới bán thì tôi đánh giá không cao. Người mua cũng phải dám mua, mua cái tương lai, đòi hỏi ở chiến lược doanh nhân. Khát vọng doanh nghiệp Việt Nam phải cùng chung tay với doanh nghiệp nước ngoài trên đường đua mới".

M&A hàng loạt công ty, Chủ tịch TTC: Startup nào dám chuyển nhượng lúc đang thịnh? Nếu để suy mới bán thì tôi đánh giá không cao! - Ảnh 2.

Vị thuyền trưởng TTC cũng chia sẻ kinh nghiệm, sau khi tiếp nhận một doanh nghiệp khác, nếu không thể hài hòa được sẽ rất khó, nhất là vấn đề văn hóa doanh nghiệp. Trong đó, về vấn đề lao động, sau tiếp nhận, Tập đoàn sẽ có một đội ngũ “cán bộ khung” cốt cán của TTC xuống đào tạo lại, lưu dụng người lao động; đánh giá, phân loại, xếp loại, giao thêm nhiệm vụ hoặc giảm bớt công việc... nhằm tạo mọi điều kiện để người lao động ở đơn vị mới có thể hội nhập vào TTC một cách tốt nhất.

Vì trên thực tế, không ai có thể hiểu hết văn hóa của vùng miền bằng chính người ở địa phương nên Tập đoàn rất linh hoạt, kinh nghiệm trong việc sử dụng đội ngũ cán bộ từ đơn vị sáp nhập, để giúp họ có thể hòa nhập một cách tốt nhất vào văn hóa của Tập đoàn TTC.

Thứ hai, nên chọn thời điểm tiếp nhận, địa bàn, thị trường nào cần thì phải điểm lại để quyết định M&A, chúng ta nên ở tâm thế nào, chuẩn bị nguồn lực nào.. là mũi nhọn để chúng ta tiếp nhận.

Hoàng Thùy

Cùng chuyên mục
XEM