Làm thế nào mà chàng trai này có thể leo vách đá thẳng đứng cao 762 mét bằng tay không mà chẳng hề sợ hãi

25/05/2016 14:35 PM | Công nghệ

Leo một vách núi dựng đứng trong 3 giờ liền đòi hỏi ở vận động viên một sức khỏe, kỹ thuật phi thường và một khả năng tâm lý đặc biệt.

Alex Honnold có lẽ là một cái tên đặc biệt mà ngay cả giới leo núi chuyên nghiệp cũng phải kính nể. Anh chàng 30 tuổi người Mỹ này được biết đến như một trong những bậc thầy hàng đầu thế giới trong môn leo núi tự do - leo những vách đá thẳng đứng mà không dùng dây thừng hay các công cụ hỗ trợ.

Nhắc tới các thành tích của Honnold, nhiều người có lẽ phải "lắc đầu lè lưỡi" mà thán phục "tay điên rồ" này. Thành tích đáng kể đầu tiên của Honnold là leo tay không lên vách núi Regular Northwest Face of Half Dome ở rừng quốc gia Yosemite, Mỹ vào năm 2008.


Vách núi Regular Northwest Face of Half Dome.

Vách núi Regular Northwest Face of Half Dome.

Vào năm 2014, tay leo núi cự phách này đã thực hiện việc leo tay không lên vách núi El Sendero Luminoso, El Potrero, Mexio trong vòng 3 giờ - nơi người ta thường mất 2 ngày để đi theo lối đường rừng. Vách núi này cao 762 mét và hoàn toàn thẳng đứng.

Đương nhiên, để thực hiện được một pha leo núi mạo hiểm như vậy, Honnold cần có một sức mạnh phi thường và một kỹ thuật điêu luyện hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, chỉ khỏe và nhiều kỹ năng thôi chưa đủ.

Những người tham gia môn thể thao mạo hiểm này đều sẽ hiểu rằng, sự xao động tâm lý và nỗi sợ hãi mới là cản trở lớn nhất khi dành 3 giờ cheo leo trên một vách đá như thế.

Nhiều người đủ sức khỏe và kỹ thuật nhưng vẫn phải ngả mũ thán phục trước kỳ tích của nhà leo núi người Mỹ. Lý do đơn giản là họ không thể duy trì một tinh thần bình tĩnh trong một thời gian quá dài và đầy thử thách như thế. Chỉ một pha trượt tay cũng có thể kéo theo sự hoảng sợ kéo dài, và khiến người ta không thể tập trung vào những cú đu người mạo hiểm nữa.

Vậy bí kíp của Alex Honnold là gì?

Trước khi thực hiện chuyến chinh phục đầy thử thách này, Honnold dành nhiều giờ để tập trung suy nghĩ, tưởng tượng ra toàn bộ quá trình mà anh sẽ thực hiện. Tưởng tượng ra chi tiết nhất từng trải nghiệm có thể gặp phải trong quá trình leo núi.

Đồng thời, từ đó, anh xác định được từng động tác với mỗi trường hợp địa hình, xác định được những động tác chắn chắn không nên sử dụng và cũng xác định được chuyện gì xảy ra khi thực hiện sai một động tác.

Khi đã hình thành đầy đủ các trải nghiệm cần thiết, Honnold sẽ sẵn sàng để đối mặt với thực tế. Lúc đó, một pha trượt tay cũng hoàn toàn "đúng" với những gì anh dự tính, và do đó có thể dễ dàng lấy lại can đảm và sự điềm tĩnh cần thiết để hoàn thành hành trình.

Phương pháp nghe có vẻ đơn giản này của Honnold được các nhà tâm lý học gọi là kỹ thuật "diễn tập tâm lý". Không chỉ có ích với các nhà thể thao mạo hiểm, các bác sĩ phẫu thuật nổi danh cũng sử dụng kỹ thuật tâm lý này để có những ca phẫu thuật dài giờ thành công. Chính nhà du hành vũ trụ Chris Hadfield cũng sử dụng "diễn tập tâm lý" để chuẩn bị cho chuyến du hành ngoài không gian của ông.

Mấu chốt là người thực hiện kỹ thuật này phải tượng tượng ra thật chi tiết và tường tận các diễn biến có thể xảy ra, đưa mình vào viễn cảnh đó một cách chân thực nhất, qua đó tạo cho não bộ "thói quen" khi gặp tình huống đó ngoài thực tế.

Những người có nhiều kinh nghiệm trong một lĩnh vực sẽ dễ dàng tưởng tượng ra các viễn cảnh tốt hơn, thật hơn, và qua đó mà phần "diễn tập tâm lý" của họ cũng sẽ hoàn hảo hơn.

"Diễn tập tâm lý" còn có thể áp dụng cho rất nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Người ta có thể dùng nó để có một cuộc phỏng vấn tự tin hơn hay trải qua một cuộc tranh luận khốc liệt mà không hề mất bình tĩnh.

Tư Quảng

Cùng chuyên mục
XEM