Làm sao để thị trường thanh toán bằng mã QR phát triển nhanh và bùng nổ tại Việt Nam?

11/12/2017 16:36 PM | Xã hội

"Thị trường này là khổng lồ và nó vẫn đang tăng trưởng", Shen Wei, phó giám đốc một viện nghiên cứu chuyên về mã QR tại Trung Quốc nhận định. Ông ước tính rằng hơn 1,65 ngàn tỉ USD giao dịch đã sử dụng loại mã này trong năm ngoái, chiếm khoảng 1/3 trong tổng thanh toán trên thiết bị di động tại quốc gia này.

Thị trường thanh toán tiềm năng

Hàng trăm triệu người mua sắm ở Trung Quốc đang sử dụng điện thoại thông minh của họ để mua mọi thứ, từ túi xách thời trang đến những món ăn vặt trên đường phố. Mã QR hiện có mặt khắp mọi nơi, được những nhà bán lẻ lớn, các ngôi chợ bên đường và thậm chí là cả... người ăn xin và hát rong sử dụng.

Mới đây, trong diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017, tiềm năng phát triển của thị trường này cũng được các chuyên gia ngành ngân hàng mổ xẻ. Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank QR Pay đang được xem là một hiện tượng, hứa hẹn thay thế các phương thức thanh toán truyền thống.

Để thực hiện thanh toán QR Pay, khách hàng cần cài đặt ứng dụng mobile banking của ngân hàng hoặc ứng dụng thanh toán điện tử cho phép quẹt mã QR. Khi thanh toán, khách hàng quẹt mã QR (QR code), xác thực thông tin thanh toán và hoàn tất giao dịch. Lợi ích QR Pay mang lại cho tất cả chủ thể tham gia vào thanh toán bao gồm: khách hàng, người bán và ngân hàng thanh toán.

Với khách hàng, ngoài việc không cần đem theo tiền mặt hay thẻ ngân hàng thì lợi ích lớn mà QRPay mang lại là thông tin khách hàng được bảo mật do không bị rủi ro thất thoát thông tin khi đưa thẻ thanh toán cho người bán hàng, việc thanh toán được diễn ra thuận tiện và nhanh chóng.

 Với người bán hàng (còn gọi là các merchant), họ tiết kiệm được các chi phí đầu tư cho hoạt động thu ngân kiểm đếm tiền hay chi phí khảo sát, lắp đặt, đầu tư thiết bị đầu cuối vật lý như khi lắp đặt máy POS (thiết bị đọc và chấp nhận thanh toán thẻ). Đặc biệt đối với các doanh nghiệp có nhiều điểm kinh doanh, mỗi điểm kinh doanh sẽ được cấp một mã QR giúp cho việc quản lý thu chi được thuận tiện hơn rất nhiều.

Với ngân hàng, các ngân hàng vừa tiết giảm được chi phí đầu tư cho ATM, POS vừa tăng khả năng mở rộng mạng lưới khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán. Với những ưu điểm vượt trội này, hoạt động thanh toán sử dụng mã QR đang được phát triển mạnh mẽ, đặc biệt tại những quốc gia mà hoạt động thanh toán tiền mặt còn nhiều trong khi các thiết bị di động thông minh được sử dụng phổ biến.

Tại Việt Nam, tiềm năng thanh toán qua QR code cũng là rất lớn khi dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ và đặc biệt quá nửa dân số Việt Nam đang sử dụng smartphone. Một số con số có thể dẫn chứng cho việc này, tính từ đầu năm 2017 tới hết tháng 9/2017, thanh toán qua QR code tăng trưởng 120%, số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán QR code tăng lên tới gần 5.000 điểm và dự báo đến hết năm 2018 sẽ là 50.000 điểm (theo tính toán từ Công ty Cổ phần giải pháp thanh toán Việt Nam - VnPay) và hiện nay đã có tới 12 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR code.

Hiện một số ngân hàng đã bắt đầu ứng dụng, mở rộng hệ sinh thái cho hình thức thanh toán này cho nhiều loại dịch vụ khác nhau, từ chuyển khoản, thanh toán cước viễn thông, điện, nước,… tới thanh toán phí dịch vụ chung cư, phí bảo hiểm, hay trả nợ vay tiêu dùng.

Làm sao để thị trường thanh toán bằng mã QR phát triển nhanh và bùng nổ tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Làm sao để QRPay có thể phát triển nhanh và bùng nổ tại Việt Nam?

Là thị trường tiềm năng cho hoạt động thanh toán QR code nhưng để đạt được kỳ vọng đưa QR Pay thực sự phát triển và trở thành kênh thanh toán tiện dụng tại Việt Nam, thay thế cơ bản các hoạt động thanh toán bằng tiền mặt thì những điểm cốt lõi sau cần sớm được thực thi. Theo ông Quỳnh, để phát triển thị trường này cần giải quyết 4 vấn đề.

 Thứ nhất, cần sớm nghiên cứu và đưa ra một tiêu chuẩn thống nhất về định dạng QR code trong thanh toán di động cho thị trường Việt Nam. Đây là tiền đề đầu tiên, đặt nền móng cho việc thực hiện thanh toán liên thông trong toàn thị trường. Tránh việc mỗi một hoặc một nhóm các Ngân hàng, tổ chức/trung gian thanh toán phát hành một định dạng QR code riêng, gây khó khăn cho người mua và người bán. 

Khi có một chuẩn QR code chung cho toàn thị trường, ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng khác nhau đều có thể đọc hiểu và chấp nhận thanh toán cho một mã QR duy nhất gắn với một sản phẩm hoặc hóa đơn xác định. Điều này về mặt hình ảnh tương tự như việc, một máy POS do một ngân hàng lắp đặt có thể đọc và chấp nhận thanh toán cho Thẻ do ngân hàng khác phát hành. 

Thứ hai, cần có các chương trình hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng phương thức thanh toán QR code. QR code thực sự tiện dụng và dễ áp dụng cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu vi mô, các hộ kinh doanh cá thể với chi phí thực hiện tương đối thấp. Đặc biệt còn hỗ trợ công tác quản lý giám sát Nhà nước về các hoạt động thu chi, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

 Tuy nhiên với truyền thống kinh doanh cũng như quy mô nhỏ lẻ của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay tại Việt Nam thì việc thích nghi và áp dụng công nghệ QR code không thực sự dễ dàng và nhanh chóng nếu không có sự giúp sức của các cơ quan bộ ban ngành chủ quản hỗ trợ.

Thứ ba, từ bản thân người dân cũng cần chuyển dịch thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt sang phương thức thanh toán mới tiện dụng hơn. Thứ tư, các ngân hàng thương mại tăng cường cơ sở hạ tầng an ninh đảm bảo sự thông suốt trong hoạt động thanh toán; đơn giản hóa các thủ tục, quy trình đăng ký merchant.

 Với hình thức thanh toán POS, các merchant phải đến ngân hàng để làm thủ tục đăng ký mở POS và đợi khoảng 7 ngày làm việc kể từ khi nộp đơn cho tới khi điểm thanh toán thực sự được chấp nhận thanh toán Thẻ. Nếu các QR merchant cũng phải đi theo quy trình này thì việc nhanh chóng phủ rộng QR Pay sẽ khó có thể thực hiện được.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM