Kinh nghiệm chống dịch tại các ‘điểm nóng’ đông dân cư: Mô hình 4T của Ấn Độ đã làm giảm tỷ lệ tử vong như thế nào?

01/10/2021 16:45 PM | Xã hội

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những hạn chế cũng như giải pháp chống dịch COVID-19 ở các khu ổ chuột.

Tình hình tại các khu thiếu thốn nhưng đông dân cư

Các khu vực dân cư đông đúc và thiếu thốn điều kiện sinh hoạt ( khu ổ chuột ) hầu như tồn tại ở mọi thành phố. Những khu vực này luôn được xem là những "điểm nóng chống dịch" với nguy cơ lây nhiễm cao vượt trội.

Thứ nhất, mật độ dân cư tại đây vô cùng cao với điều kiện về nhà ở rất kém. Các nhà xếp san sát nhau; mỗi gia đình thường đông con nhưng nhà nhỏ, rất nhiều người chung sống trong một diện tích nhỏ, hẹp và kín.

Do đó, nếu có một ca nhiễm mới thì dễ lây lan cho cả khu. Đồng thời, nhà nhỏ nên rất khó thực hiện chính sách "khoảng cách" trong phòng, chống dịch.

Ví dụ, một nhà có 4 người nhưng chỉ sống chung trong "một căn nhà" vài mét vuông (thực chất chỉ như một căn phòng nhỏ) thì không thể đảm bảo thông thoáng, giữ khoảng cách.

Thứ hai là gánh nặng về thu nhập thấp. Chủ yếu dân cư ở đây là người lao động chân tay không có nghề nghiệp ổn định, kiếm ăn theo ngày và cũng không có nhiều khoản tiết kiệm, do đó cách ly xã hội trong thời gian vài tuần đến vài tháng sẽ cắt đứt nguồn trang trải hoàn toàn.

Đồng thời vì những người này phải đi làm hằng ngày, nghề nghiệp không ổn định, phải thay đổi nơi làm việc liên tục nên việc truy vết tiếp xúc cũng vô cùng phức tạp .

Thứ ba, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, thậm chí là ô nhiễm. Đã có nhiều bằng chứng cả nghiên cứu và trên thực tế cho thấy khu vực này thiếu thốn trầm trọng những nhu cầu cơ bản cho cuộc sống.

Cụ thể là thiếu thốn về nước và vệ sinh (WASH – water, sanitation and hygiene), thiếu điện và thậm chí là thiếu thức ăn.

Nguồn nước không đủ hoặc không sạch. Lời kêu gọi rửa tay nhiều lần hằng ngày là xa xỉ vì không có nước rửa tay. Nhà vệ sinh không đảm bảo tiêu chuẩn, thậm chí nhiều nhà dùng chung làm nơi để sơ chế thức ăn.

Thiếu điện do thiếu nguồn cung cấp, hoặc người dân không thể chi trả. Vì chủ yếu người dân có thu nhập thấp, việc thiếu thức ăn là nguy cơ xảy ra hằng ngày cả trong điều kiện không cách ly xã hội.

Những thiếu thốn này dẫn đến nhiều hệ luỵ trực tiếp như tình trạng suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, bệnh mạn tính không được kiểm soát,… do đó làm tăng gánh nặng bệnh tật nói chung và COVID-19 nói riêng .

Thứ tư, mức độ hợp tác của người dân với chính quyền có sự dao động rất lớn. Khó có thể đòi hỏi sự hợp tác cao của người dân với chính quyền khi bản thân họ còn phải lo hôm nay có gì để ăn hay không.

Vấn đề này dẫn tới rất nhiều khó khăn trong chống dịch, đặc biệt là việc khai báo y tế tự nguyện. Bằng chứng cho thấy nếu việc tự nguyện khai báo đem lại nhiều "phiền phức" nhưng người dân lại không nhận được lợi ích gì trước mắt, thì họ sẽ chọn không khai báo .

Ngoài ra, thành phần dân cư đa dạng, có thể có cả dân nhập cư, với rất nhiều khác biệt về văn hoá-xã hội, về niềm tin, lối sống, tôn giáo,… nên rất khó để đưa ra một chính sách chung phù hợp cho tất cả. Thiếu thốn cơ sở hạ tầng tại chỗ (bệnh viện, cơ sở y tế hay trường học,…) trong thời gian dài khiến khó tìm được cơ sở phù hợp để thiết lập thành khu cách ly hay điều trị tạm thời. Cộng thêm sự phân hoá về học vấn, bất ổn xã hội, tệ nạn xã hội,…, tất cả những lý do đó khiến đây là một trong những "điểm nóng" trong phòng chống dịch.

Việc thực hiện một mô hình y tế dịch tễ học để chống lại sự lây lan của dịch bệnh thường dẫn đến những hậu quả nặng nề ở những quần thể nguy cơ cao nói riêng và ở dân cư tại khu ổ chuột nói riêng.

Điều này cuối cùng dẫn đến việc thực hiện các biện pháp không hiệu quả, dịch bệnh lây lan nhanh hơn và mạnh hơn ra những "vùng xanh" khác, tăng số ca mắc và tử vong cùng rất nhiều hệ luỵ xấu khác.

Do đó, các chiến lược ứng phó với dịch bệnh nên đặc biệt tập trung vào nhóm dân số nghèo và dễ bị tổn thương tại những khu ổ chuột để chiến lược chống dịch được đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả.

Mô hình can thiệp tại Dharavi- Khu ổ chuột lớn nhất Châu Á

Nhắc đến mô hình can thiệp cho những khu ổ chuột, không thể không nhắc đến thành công của Dharavi, một địa phương tại Mumbai - Ấn Độ. Dharavi là một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á, cũng là một trong những nơi có mật độ dân số cao nhất trên thế giới: khoảng 850.000 người sinh sống trong 55.000 căn nhà với tổng diện tích chỉ khoảng 2,1 km2 (mật độ dân cư là 340.000 người/km2). Việc thực hiện giãn cách xã hội tại khu vực này là không thể.

Chính quyền Dharavi đã áp dụng sáng tạo mô hình 4T: "Tracing – Tracking – Testing – Treating", (tạm dịch: Theo dõi - Theo dõi - Kiểm tra - Điều trị), kết hợp với một số biện pháp bảo vệ những đối tượng dễ tổn thương.

Mục tiêu của Dharavi là chủ động vây bắt và dập dịch, thay vì đợi có ca nhiễm mới rồi mới xử lý. Chính quyền thiết lập một Ban chống dịch với đội ngũ đa ngành, bao gồm: quan chức-chính trị gia, quan chức y tế, bác sĩ, các nhân viên/công nhân,… Những chính sách đưa ra bởi đội ngũ đa ngành như vậy đều được xem xét trên cả ba quy mô: cộng đồng, gia đình và cá nhân, do đó góc nhìn được rộng mở và toàn diện hơn.

 Kinh nghiệm chống dịch tại các ‘điểm nóng’ đông dân cư: Mô hình 4T của Ấn Độ đã làm giảm tỷ lệ tử vong như thế nào? - Ảnh 1.

Khu Dharavi trong làn sóng COVID-19.

Khoảng 700.000 người đã được sàng lọc (bằng việc đo thân nhiệt và SpO2), qua đó phát hiện 14.000 ca nghi ngờ để xét nghiệm và cuối cùng 13.000 người được đưa đi cách ly. Nhiều phòng khám được thiết lập bên trong khu ổ chuột để chăm sóc sức khoẻ tổng quát cho người dân, đồng thời qua đó gián tiếp phát hiện những bệnh nhân có triệu chứng trong cộng đồng. Chín trung tâm cách ly đã được bố trí trong các trường học, khu thể thao, khu phức hợp, hội trường cộng đồng và nhiều cơ sở khác. Năm bệnh viện tư nhân trong khu vực cũng được chính quyền tiếp quản để làm khu điều trị bệnh nhân .

Chính quyền Dharavi cũng có chính sách riêng để bảo vệ những đối tượng dễ tổn thương. Tại khu ổ chuột này, hơn 70% người dân không có toi-let riêng tại nhà mà phải dùng toi-let công cộng. Đây là một nguồn lây nhiễm vô cùng lớn. Chính quyền đã thực hiện khử khuẩn toi-let công cộng hằng giờ, giảm nguy cơ lây nhiễm đi đáng kể. Những bếp ăn công cộng cũng được mở ra, với nhiều suất ăn miễn phí cho người dân. Đồng thời, chính quyền đã kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ. Hơn 25.000 gói tạp hoá, đồ ăn đã được trao tận tay người dân để họ cùng hợp tác chống dịch .

Kết quả là tỷ lệ tử vong trên số ca nhiễm (Case-Fatality Rate – CFR) đã tụt giảm rất nhanh tại Dharavi. Từ tỷ lệ tử vong cao đột biến CFR = 37.5%, vào cuối tháng 04/2020 (nghĩa là có đến hơn 37 ca tử vong trên mỗi 100 ca nhiễm), con số này đã giảm mạnh chỉ còn 4.55% vào đầu tháng Bảy cùng năm đó .

Một số mô hình áp dụng tại các Quốc gia thu nhập thấp - trung bình

Các chính sách phòng chống dịch bệnh nói chung và giãn cách xã hội nói riêng gây ra rất nhiều hệ luỵ xấu cho những khu ổ chuột. Đặt cách ly có thể đẩy người dân đến đường cùng, gây ra phân hoá xã hội, bạo lực và rất nhiều hậu quả không thể lường trước. Điều này không chỉ là thách thức đối với những nước thu nhập thấp – trung bình mà còn làm đau đầu cả chính quyền của những nước có thu nhập cao. Có chăng sự khác nhau chỉ nằm ở quy mô và mức độ ảnh hưởng đối với xã hội.

Qua tìm hiểu và phân tích, chúng tôi nhận thấy một số điểm chung trong mô hình đối phó với đại dịch tại những khu vực ổ chuột. Họ chủ yếu đưa ra các gói hỗ trợ để giải quyết những nhu cầu thiết yếu của người dân về ăn, uống, nơi ở và thu nhập. Khi những nhu cầu cơ bản được đáp ứng, người dân tuyệt đối tuân thủ cách ly và từ đó kiểm soát tình hình. Điều này nghe rất đơn giản nhưng lại vô cùng thực tế và đã chứng minh được hiệu quả .

Các chiến lược ứng phó với bùng phát nên đặc biệt tập trung vào nhóm dân số nghèo và dễ bị tổn thương. Ngoài các gói hỗ trợ lớn cho kinh tế, nên ưu tiên một khoản để hỗ trợ tiền mặt, thực phẩm, chỗ ở và chỗ cách ly miễn phí cho người dân.

Các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ tiền mặt cho người nghèo, cũng như trả lương hưu sớm và gia hạn thời gian nộp thuế giúp giải quyết rất nhiều "mối lo hằng ngày" của người dân khu ổ chuột.

Chính phủ có thể kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng (đóng góp từ thiện), từ các tổ chức phi chính phủ/phi lợi nhuận, kêu gọi tình nguyện để giảm thiểu chi phí. Tuy nhiên, cần lưu ý và giám sát chặt chẽ quá trình cung cấp gói từ thiện đến tay người dân, vì bất bình đẳng sẽ càng làm xấu thêm tình hình.

 Kinh nghiệm chống dịch tại các ‘điểm nóng’ đông dân cư: Mô hình 4T của Ấn Độ đã làm giảm tỷ lệ tử vong như thế nào? - Ảnh 2.

Nhân viên y tế làm việc tại Dharavi.

Tóm lại:

Các khu vực dân cư đông đúc và thiếu thốn điều kiện sinh hoạt (khu ổ chuột) luôn là những "điểm nóng chống dịch" với nguy cơ lây nhiễm cao vượt trội gây khó khăn cho việc chống dịch. Việc giáo dục người dân bằng các hạng mục cần thực hiện hàng ngày (daily checklist), tự phát hiện sớm các ca nhiễm (bằng đo thân nhiệt, SpO2, hỏi triệu chứng và mỗi ngày), truy vết, cắt đứt chuỗi lây nhiễm bằng cách ly tập trung miễn phí, điều trị tập trung, ưu tiên vaccine, đồng thời bảo đảm an sinh đưa ra các gói hỗ trợ là những biện pháp cần thực hiện.

Ngoài đặt cách ly xã hội giữa những người trong khu ổ chuột, cần đặt thêm cả cách ly giữa khu ổ chuột với những khu vực xung quanh. Việc rào chốt triệt để, đặt các chốt kiểm dịch tại tất cả các ngõ ra/vào khu vực này là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của toàn bộ quá trình cách ly. Nên cân nhắc thêm việc cung cấp thêm khẩu trang, nước rửa tay cho những người dân tại đây và hướng dẫn rửa tay thường quy.

Nhóm tác giả:

BS. Nguyễn Khởi Quân, Đại học Y Dược Huế

Nguyễn Thanh Hoàng Mai, 10CH – trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y, Trường Bệnh Nhiệt Đới và Sức Khỏe Toàn Cầu, Đại học Nagasaki, Nhật Bản)

BS Nguyễn Hải Nam (Khoa Y, Đại học Kyoto, Nhật Bản)

Fatima Abdallh (Khoa Y, Đại học Hashemite, Jordan)

BS Tiwari Ranjit (Khoa Y, Đại học Tribhuvan, Nepal)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Kaushal J, Mahajan P. Asia's largest urban slum-Dharavi: A global model for management of COVID-19. Cities (London, England). 2021;111:103097.

2. George CE, Inbaraj LR, Rajukutty S, de Witte LP. Challenges, experience and coping of health professionals in delivering healthcare in an urban slum in India during the first 40 days of COVID-19 crisis: a mixed method study. BMJ open. 2020;10(11):e042171.

3. Golechha M. COVID-19 Containment in Asia's Largest Urban Slum Dharavi-Mumbai, India: Lessons for Policymakers Globally. Journal of urban health : bulletin of the New York Academy of Medicine. 2020;97(6):796-801.

4. Chackalackal DJ, Al-Aghbari AA, Jang SY, Ramirez TR, Vincent J, Joshi A, et al. The Covid-19 pandemic in low- and middle-income countries, who carries the burden? Review of mass media and publications from six countries. Pathogens and global health. 2021;115(3):178-87.

5. von Seidlein L, Alabaster G, Deen J, Knudsen J. Crowding has consequences: Prevention and management of COVID-19 in informal urban settlements. Building and environment. 2021;188:107472.

6. Auerbach AM, Thachil T. How does Covid-19 affect urban slums? Evidence from settlement leaders in India. World Development. 2021;140.

7. Eeshanpriya M. WHO praises Dharavi’s Covid fight: HinduTimes; 2020 [Available from: https://www.hindustantimes.com/mumbai-news/who-praises-dharavi-s-covid-fight/story-quFz7j1kyguZztFCwN8ZtK.html .

8. Peteet JO, Hempton L, Peteet JR, Martin K. Asha's response to COVID-19: Providing care to slum communities in India. Christian Journal for Global Health. 2020;7(4).

9. Adiga A, Chu S, Eubank S, Kuhlman CJ, Lewis B, Marathe A, et al. Disparities in spread and control of influenza in slums of Delhi: findings from an agent-based modelling study. BMJ open. 2018;8(1):e017353.

10. Corburn J, Vlahov D, Mberu B, Riley L, Caiaffa WT, Rashid SF, et al. Slum Health: Arresting COVID-19 and Improving Well-Being in Urban Informal Settlements. Journal of urban health : bulletin of the New York Academy of Medicine. 2020;97(3):348-57.

11. WorldBank. GDP per capita (current US$): The World Bank Data; 2021 [

12. VisualisingKorea. How well equipped is Korea’s healthcare system compared to other countries? : Visualising Korea; 2020 [Available from: https://visualisingkorea.com/2020/03/29/how-well-equipped-is-koreas-healthcare-system-compared-to-other-countries/ .

Nhóm nghiên cứu chống dịch COVID toàn cầu

Cùng chuyên mục
XEM