Khám phá trang trại nuôi ngựa bạch lớn nhất cả nước

28/01/2014 15:02 PM |

Cách trung tâm thủ đô không xa, trang trại nuôi ngựa của bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (SN 1958) nằm tại địa phận xã Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội - được biết đến là một trang trại nuôi ngựa bạch lớn nhất cả nước.

Những hành động táo bạo

Vốn dĩ, giống ngựa bạch thường được nuôi rải rác trong các gia đình trên khắp các tỉnh miền núi; song xuất phát từ một ý nghĩ táo bạo, bà Hằng quyết định đầu tư vào loại ngựa quý hiếm và có giá trị cao về y học này.

Khu trang trại Vạn An khang trang của bà Hằng rộng chừng 7ha. Ít ai ngờ rằng, trước đây đó chỉ là một khu đất ven đê hoang mù cỏ mọc. Nhìn lại quá trình biến bãi đất hoang thành mành đất vàng – nguồn sinh sôi nảy nở cho hàng trăm loài thú nuôi, cây cỏ; bà Hằng vẫn chưa hết rưng rưng.

Ý tưởng kinh doanh đầu tiên của bà là xưởng sản xuất thức ăn gia súc. Bà đưa ra một phương châm rằng: “Chỉ lấy tiền khi vật nuôi xuất chuồng”; song mọi sự không dễ gì thuận lợi. Bà đã bị thất thoát rất nhiều tiền của do lòng tham của một số người chăn nuôi. Số tiền tích cóp được sau 10 năm đi lao động tại Đức cũng vì thế mà ngày một cạn kiệt. Thất bại với ngành sản xuất thức ăn, bà chuyển sang chăn nuôi, trồng trọt.

Ngày bà Hằng đưa ra ý tưởng ấy, không ít người cảm thấy sửng sốt bởi trước khi đi lao động ở nước ngoài, bà là “dân tài chính”, không am hiểu gì nhiều về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt. Bà cũng lo lắng suy nghĩ hàng tuần liền bởi đúng là làm nông nghiệp chẳng khác gì đánh bạc với trời. Thế nhưng, bà vẫn quyết tâm xây dựng lại cơ đồ.

Những con vật truyền thống như trâu, bò, lợn, gà… được mua về phủ lên mảnh đất ven đê. Nhưng thời ấy, có lẽ cái duyên của người làm nghề vẫn chưa đến với bà. Đàn gia ,gia cầm của trang trại Vạn An bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhiều đợt dịch bệnh. Chuồng trại tan hoang. Một lần nữa, bà lại thất bại thảm hại, nguy cơ phá sản đã hiện hình, vài tỉ đồng không cánh mà bay.

Nhụt chí đến lúc… dừng bước

Khó khăn bủa vây, ý chí bị lung lay, bà Hằng những tưởng mình sẽ dừng bước; song một ý tưởng loé lên khi bà nhìn thấy con ngựa kéo xe trên đường. Bà nghĩ, mình sẽ “nuôi ngựa bạch để nấu cao”.

Bà Hằng cho hay: “Ngựa bạch là giống ngựa quý và ngày càng bị hao hụt do không được bảo tồn, chăm sóc. Hơn nữa, cao của loại ngựa này rất quý, có tác dụng rất tốt đối với sức khoẻ. Ngựa ăn những thức ăn giống như trâu bò thì có thể thích ứng với mọi địa hình và vùng khí hậu như trâu bò. Đấy là điều thuận lợi nhất. Tuy nhiên, không phải thế mà ngựa bạch dễ nuôi, vì ngựa cũng dễ bị tử vong do những căn bệnh chưa có cách chữa”.

 Những chú ngựa bạch tạng của bà Hằng.

Sau khi tham khảo, biết được ngựa bạch Tây Tạng có tầm vóc lớn hơn ngựa bạch Việt Nam nhưng tốc độ sinh sản lại kém hơn ngựa bạch Việt Nam, nên bà quyết tâm tâm tìm mua bằng được ngựa bạch Tây Tạng về để lai giống. Khi đưa về, bà cùng các giáo sư, nhà khoa học của Hội Thú y Việt Nam cho phối giống với ngựa bạch Việt Nam, với kỳ vọng  ra được một thế hệ con lai có đặc điểm ưu việt hơn bố mẹ về tầm vóc và tốc độ sinh sản. 

Để có được một con ngựa giống tốt, bà cùng các đồng nghiệp phải rong ruổi khắp các tỉnh miền núi phía bắc, vào tận từng bản làng xa xôi để tìm mua ngựa bạch. Bà cũng mạnh tay chi hàng trăm triệu đồng để mua một con giống.

Song có lẽ ông trời vẫn muốn thử thách người phụ nữ ấy, thời gian đầu 9/10 con ngựa bạch Tây Tạng mà bà và các cộng sự trong Hội Thú y Việt Nam phải lặn, lội tìm kiếm đưa về Hà Nội để giữ giống lại phải cho vào nồi nấu cao do ngựa bị triệu chứng bất thường như lăn lộn, đập đầu xuống đất.

Bán nhà mua ngựa giống

Theo kinh nghiệm của người chuyên chăn nuôi ngựa thì đó là con ngựa bị cảm, không bao giờ chữa được. Tay trắng, bà đành bán nhà để lấy tiền mua ngựa giống. Cuối cùng, “ông trời đã không phụ lòng người”. Sau những kinh nghiệm đúc rút được, bà và các bác sĩ thú y của Hội Thú y Việt Nam đã tìm ra đúng bệnh và nguyên nhân gây bệnh, đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất, chế độ chăm sóc hợp lý nhất cho đàn ngựa bạch.

Sau hơn 6 năm, đàn ngựa của bà đã lên tới hơn 100 con, trong đó có 50 con cái sinh sản. Mỗi năm, trang trại đón chào 30-40 chú ngựa con ra đời. Sau khi con giống cứng cáp, chúng lại được đưa lên các tỉnh miền núi bán giống cho bà con chăn nuôi. 

Theo đánh giá của Hội Thú y Việt Nam, trang trại Vạn An là trang trại nuôi ngựa bạch có quy mô lớn nhất cả nước. Trang trại đóng góp một phần vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn giống ngựa bạch quý hiếm của Việt Nam.

10 năm gây dựng cơ đồ, giờ đây trong tay người phụ nữ can đảm ấy đã có một trang trại khang trang. Ngoài hàng trăm chú ngựa bạch quý hiếm, bà còn xây dựng trang trại học đường với không gian thiên nhiên sinh động cho học sinh nội thành đến tham quan. Bà đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển nhiều vật nuôi quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như nhím, lợn rừng Thái Lan…

Theo Cao Nguyên

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM