Kinh doanh ‘bar sàn’ dần hết thời: Nỗi sợ ‘nồng độ cồn’ khiến số tụ điểm bán bia rượu giảm 44%, từ kiếm đậm 15 tỷ đồng/năm thành lỗ 12 tỷ/năm

19/02/2024 11:20 AM | Kinh doanh

Số liệu của NHS cho thấy 1/3 số người trẻ trong độ tuổi 16-24 hiện nay không uống bia rượu khiến các quán bar sàn không mong lợi nhuận mà chỉ muốn sống sót.

Kinh doanh ‘Bar sàn’ dần hết thời: Nỗi sợ ‘nồng độ cồn’ khiến số tụ điểm bán bia rượu giảm 44% so với năm 2003, không mong lợi nhuận mà chỉ muốn sống sót - Ảnh 1.

Theo tờ Fortune, trào lưu không sử dụng đồ uống có cồn (The Moderation Movement) đang trỗi dậy cực kỳ mạnh mẽ trong giới trẻ và lan dần sang cả các tầng lớp khác trong xã hội.

Điều này không chỉ khiến các hãng bán bia rượu phải chuyển hướng kinh doanh bia không cồn mà còn khiến những tụ điểm vui chơi, kinh doanh bia rượu như bar sàn, hộp đêm cũng bị giảm mạnh do người dân thích "quẩy" tại gia hơn.

Thời hoàng kim đã qua

"Tôi đi chơi phố lúc 11h đêm và chưa có đến nổi 200 người trong khu trung tâm. Trong khi đó trước đây khu vực này đầy ắp người đi chơi đêm", anh Peter Marks, chủ hộp đêm Rekom nói với BBC.

Nỗi lo của anh Marks chẳng có gì lạ khi số liệu của NHS cho thấy 1/3 số người trẻ trong độ tuổi 16-24 hiện nay không uống bia rượu. Việc người dân ý thức hơn về bảo vệ sức khỏe đang ngày càng phổ biến, khiến thói quen say xỉn trở thành dĩ vãng.

Kinh doanh ‘Bar sàn’ dần hết thời: Nỗi sợ ‘nồng độ cồn’ khiến số tụ điểm bán bia rượu giảm 44% so với năm 2003, không mong lợi nhuận mà chỉ muốn sống sót - Ảnh 2.

Tệ hơn, lạm phát và kinh tế khó khăn cũng khiến người dân không thể vung tiền cho các hoạt động giải trí như bar sàn như trước. Việc tốn quá nhiều tiền cho một đêm say xỉn vô bổ hại sức khỏe trở thành chi phí cần cắt giảm trước tiên trong tình hình khó khăn hiện nay.

Theo Fortune, những người trong độ tuổi 22-29 hiện nay có thu nhập kém hơn nhiều so với những người cùng độ tuổi vào năm 2008.

Chính vì lý do này mà khảo sát của Savanta cho thấy hơn 2/3 số người trong độ tuổi 18-34 tại Châu Âu cắt giảm chi tiêu cho bar sàn năm 2023.

"Ngành chúng tôi từng kiếm được 500.000 Bảng (15,5 tỷ đồng)/năm thì chỉ trong 2 năm, con số này đã chuyển thành lỗ ròng 400.000 Bảng (12,4 tỷ đồng)/năm", anh Mark chủ hộp đêm Rekom ngán ngẩm nói.

Tình hình khó khăn của ngành bar sàn không chỉ diễn ra tại Anh mà hầu hết trên thế giới. Tại Mỹ, khoảng 1/6 số quán bia rượu ở đây đã đóng cửa trong khoảng 2004-2014, qua đó cho thấy tác động của đại dịch Covid-19 chỉ là giọt nước tràn ly.

Đỉnh điểm vào năm 2014, thị trường này chứng kiến 6 tụ điểm bia rượu đóng cửa mỗi ngày trong bối cảnh người dân quan tâm đến sức khỏe và uống có trách nhiệm hơn.

Số liệu của Nightlife Association cho thấy khoảng 6.500 hộp đêm ở Mỹ phải đóng cửa hoặc thu nhỏ quy mô ngay trong năm đầu tiên hoạt động vì nhu cầu quá yếu.

Tại Hà Lan, số hộp đêm cũng giảm 38% trong khoảng 2001 đến 2011 bất chấp nền kinh tế này nổi tiếng với khu phố đèn đỏ ở Amsterdam và việc cho phép kinh doanh cần sa.

Báo cáo của Vivino thì cho thấy một nửa số người trung niên và 61% người cao tuổi hiện nay thích uống bia rượu tại gia hơn là ra ngoài quán.

Tương tự, khảo sát của yPulse cho thấy khoảng 73% số người trong độ tuổi 18-33 muốn hẹn hò cuối tuần ở nhà hay chốn riêng tư hơn là nơi công cộng. Nguyên nhân chính là sự trỗi dậy của các ứng dụng hẹn hò như Tinder, ứng dụng chia sẻ thuê nhà như Airbnb, mạng xã hội, ứng dụng gọi đồ...khiến mọi người có nhiều lựa chọn thú vị hơn khi gặp nhau ở nhà.

Với việc chi ít tiền hơn cho những trải nghiệm tuyệt vời hơn so với tốn tiền ra bar sàn ầm ĩ, xu thế giải trí của giới trẻ ngày nay đang khiến một ngành kinh doanh về đêm từ cơ hội hốt bạc đến tình trạng phải đối mặt với nguy cơ sinh tồn.

Kinh doanh ‘Bar sàn’ dần hết thời: Nỗi sợ ‘nồng độ cồn’ khiến số tụ điểm bán bia rượu giảm 44% so với năm 2003, không mong lợi nhuận mà chỉ muốn sống sót - Ảnh 3.

Khủng hoảng và giận dữ

"Các chủ bar sàn, hộp đêm và tụ điểm bán bia rượu đang cực kỳ khủng hoảng lẫn giận dữ. Những yếu tố lạm phát và sự suy giảm sử dụng bia rượu của giới trẻ, xu thế thích ‘quẩy’ tại gia hơn ra ngoài đã khiến ngành kinh doanh về đêm này gặp quá nhiều khó khăn", CEO Michael Kill của NTIA ngậm ngùi cho hay.

Nhận định của CEO Kill là có cơ sở khi số liệu của NTIA cho thấy nước Anh đã mất 31% số hộp đêm kể từ đại dịch Covid-19 đến nay.

Đồng quan điểm, số liệu của UKHospitality cho thấy hơn 44.000 tụ điểm bán bia rượu tại Anh đã phải đóng cửa kể từ năm 2003, tương đương mức giảm 31%. Nếu chỉ tính riêng con số các quán nhậu, hộp đêm, bar sàn thì con số này là giảm 43,6%.

Cách đây 10 năm, nước Anh có khoảng 1.700 hộp đêm thì con số tính đến tháng 6/2023 chỉ còn chưa đến 873.

"Hộp đêm đang dần trở nên tẻ nhạt với người dân. Bất kể các tụ điểm bia rượu về đêm có làm gì đi chăng nữa thì họ cũng không còn hút khách được như trước, thời hoàng kim của bar sàn đã qua. Thêm vào đó lạm phát cùng chi phí tăng cao khiến các tụ điểm này tốn tiền vận hành gấp 10 lần so với năm 2019. Thật không đáng để tiếp tục nữa", anh Martin Murray, một chủ hộp đêm ở Anh phải đóng cửa than thở.

Báo cáo của UKHospitality cũng cho thấy những tụ điểm bán bia rượu tồn tại được thì cũng tăng cường chuyển đổi sang mảng kinh doanh thực phẩm đi kèm. Doanh số mảng đồ ăn tại các tụ điểm bia rượu này đã tăng đến 14,8% ở Anh, một con số khá trớ trêu.

Kinh doanh ‘Bar sàn’ dần hết thời: Nỗi sợ ‘nồng độ cồn’ khiến số tụ điểm bán bia rượu giảm 44% so với năm 2003, không mong lợi nhuận mà chỉ muốn sống sót - Ảnh 4.

"Tình hình đang vô cùng căng thẳng khi ngành bia rượu đang lụi tàn dần, trong khi tâm lý bị chính phủ bỏ rơi đang lan rộng giữa các chủ bar sàn. Để những tụ điểm bia rượu này có thể sống sót thì chính phủ sẽ phải giảm thuế doanh nghiệp và thuế VAT xuống 12,5%, nhưng điều này là không thể xảy ra trong bối cảnh mới tăng thuế tháng 4/2023. Ngành bar sàn hiện không còn dám mơ đến lợi nhuận nữa mà chỉ quan tâm liệu có sống sót nổi hay không mà thôi", CEO Kill cho biết.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu bar sàn chứng kiến cuộc khủng hoảng toàn ngành. Anh Murray cho hay giới trẻ, đối tượng khách hàng chính của các tụ điểm ăn chơi về đêm này cho biết họ thường thích những cái mới. Đây là lý do mà các hộp đêm ở Anh chuyển về vùng ngoại ô giữa thập niên 1980 thay vì tập trung trong khu trung tâm.

Thế rồi sang thập niên 1990, phong trảo tổ chức tiệc đêm ở cánh đồng hay nhà kho trỗi dậy, tạo nên sự thay đổi nữa trong ngành.

Tuy nhiên tình hình hiện nay thì khác rất nhiều khi vấn đề không phải là sự nhàm chán về phong cách mà còn liên quan đến ý thức bảo vệ sức khỏe, hạn chế rượu bia, coi trọng sự riêng tư của giới trẻ ngày nay đang lan rộng ra cả những phân khúc khác trên toàn xã hội.

Tờ The Guardian cho hay khách hàng chơi đêm ngày nay thường thích có không gian riêng tư để nói chuyện hơn là bị vây quanh bởi tiếng nhạc ầm ĩ. Kể cả những bạn trẻ ngày nay cũng ngày càng ghét uống rượu bia với phong trào The Moderation Movement, chuyển hướng các loại hình vui chơi lành mạnh giải trí về đêm hơn.

Với phân khúc những người thích quẩy trong âm nhạc và đồ uống có cồn thì cũng thích chuyển về tư gia hay các địa điểm tư nhân để thỏa thích tiệc tùng, hưởng thụ mà không sợ bị lợi dụng hay bắt bớ vì các quy định của pháp luật.

"Ngành giải trí về đêm không biến mất, thậm chí còn phát triển hơn trước, chẳng qua là môi trường đã thay đổi. Hiện nay các tụ điểm bia rượu, hộp đêm phải cạnh tranh gay gắt với những loại hình kinh doanh lành mạnh khác. Người tiêu dùng có quá nhiều lựa chọn thay vì chỉ đến bar sàn uống rượu bia như trước", chuyên gia Karrl Chessell của EMEA cho hay.

"Giới trẻ hiện nay vẫn thích đi chơi đêm với bạn bè, tuy nhiên thay vì chỉ đi bar thì họ có nhiều lựa chọn để trải nghiệm hơn", bà Chessell bổ sung.

*Nguồn: The Guardian

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM