Kiến nghị nhà nước yêu cầu Google và Facebook lập pháp nhân đại diện ở Việt Nam

22/10/2017 14:21 PM | Công nghệ

Giám đốc VTC Mobile đã đưa ra kiến nghị nhà nước cần có biện pháp yêu cầu Google và Facebook lập pháp nhân đại diện ở Việt Nam để thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam, nhằm tạo ra sự cân bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới điển hình là Facebook, YouTube, Google, NetFlix đã cung cấp nhiều dịch vụ nội dung cho người dùng Việt Nam như: quảng cáo online, game, phim ảnh, người dùng có thể mua trực tiếp các dịch vụ này và thanh toán bằng thẻ thanh toán quốc tế như Visa, Master, hoặc qua các ứng dụng trung gian thanh toán.

Liên quan đến vấn đề này, hiện có ý kiến cho rằng khâu thanh toán có phải là lỗ hổng để các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới hưởng lợi từ người dùng Việt Nam mà không phải đóng góp bất cứ nghĩa vụ tài chính nào cho Việt Nam.

Theo Điều 2 Nghị định 72/2013/NĐ-CP thì đối tượng áp dụng là cả cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, như vậy thì Facebook, Google, NetFlix đều thuộc đối tượng phải tuân thủ Nghị định 72 của Việt Nam. Riêng ngành game thì có điều khoản quy định: Các doanh nghiệp hoạt động đủ điều kiện để cung cấp trò chơi điện tử trên mạng là doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thì việc cung cấp dịch vụ không con hạn chế bởi yếu tố vật lý, không còn một rào cản kỹ thuật nào. Nhu cầu sử dụng dịch vụ của con người là luôn tồn tại, nên dù quản lý không theo kịp thì dịch vụ vẫn phát triển bằng cách này hay cách khác để vượt qua rào cản của quản lý.

Với hợp đồng mềm với các đơn vị cung cấp hạ tầng, platform như Google, Facebook, Netflix và các công ty cung cấp Cloud (còn gọi tắt là "hạ tầng") thì người sử dụng đăng tải nội dung, dịch vụ lên phải tự chịu hoàn toàn trước pháp luật. Đây là một vấn đề lớn cho các doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài thì không bị quản lý.

Với việc không bị quản lý thì tất yếu sẽ tạo cơ hội cho các đối tượng cung cấp nội dung, dịch vụ xuyên biên giới như quảng cáo online, game, phim ảnh trên hạ tầng. Để có thể ngăn chặn thì sẽ cần quản lý được các đơn vị cung cấp hạ tầng về cả hạ tầng vật lý và kênh thanh toán. Bằng cách yêu cầu các công ty này phải thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam và tích hợp kênh thanh toán của Việt Nam.

"Theo tôi, kênh thanh toán thực sự không phải là lỗ hổng, mà vấn đề ở đây là cách quản lý và sự thống nhất của các bên liên quan để tích hợp kênh thanh toán của Việt Nam và quản lý các dịch vụ cung cấp cho thị trường Việt Nam phải bắt buộc sử dụng kênh thanh toán này", ông Bảo cho hay.

Cũng liên quan đến chính sách thanh toán cho dịch vụ nội dung số, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của Bộ TT&TT mới đây, ông Lưu Vũ Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty VTC cho biết, năm 2017 bỗng xuất hiện các khó khăn từ trên trời rơi xuống gây khó cho Tổng công ty VTC trong sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, hai nền tảng phân phối nội dung số lớn nhất là Google và Apple đã thay đổi chính sách độc quyền thanh toán dịch vụ nội dung qua hệ thống thanh toán của họ. Quy định này dẫn đến các doanh nghiệp nội dung số phải tăng thêm 30% chi phí cho Google và Apple, cao hơn gấp đôi so với kênh thanh toán dịch vụ bằng thẻ cào mà các nhà cung cấp dịch vụ nội dung chi trả cho Telco của Việt Nam.

Ông Lưu Vũ Hải cho rằng, việc áp đặt chính sách độc quyền thanh toán của Google và Apple là khó khăn chung của cả ngành nội dung số, chứ không phải khó khăn riêng của VTC. Hiện nay thách thức hội nhập với lĩnh vực nội dung số đang tác động mạnh nên Bộ TT&TT cũng tìm cách gỡ rối cho các doanh nghiệp nội dung số. Việt Nam đang quản lý rất chặt chẽ dịch vụ thanh toán nhưng các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đã áp đặt chính sách độc quyền vào dịch vụ thanh toán của họ, gây tác động lớn đến ngành nội dung số Việt Nam. Do đó, ông Hải đề nghị Bộ sớm có chính sách để đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa doanh nghiệp nội dung số trong nước với các doanh nghiệp quốc tế.

Trước đó, ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc Công ty VTC Intecom, nhà cung cấp dịch vụ nội dung số trong nước có doanh thu lớn nhất đã nêu ra khó khăn này tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2017 của Tổng công ty VTC. Theo ông Hưng, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam phát hành dịch vụ và kinh doanh trên hai nền tảng chính của mobile là iOS của Apple và Android của Google nên có thể nói là doanh nghiệp Việt Nam khai thác dịch vụ mobile phụ thuộc rất lớn vào Apple và Google.

Apple và Google có những điều khoản rất chặt chẽ áp dụng trên toàn cầu, mới đây họ đã đưa ra quy định chặt hơn về thanh toán, bắt buộc người dùng phải thanh toán qua cổng thanh toán của họ. Quy định này gây trở ngại rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đưa dịch vụ lên hai nền tảng vì người Việt có thói quen thanh toán chủ yếu qua thẻ cào.

VTC đã cố gắng kết nối làm việc với Apple và Google để tích hợp cổng thanh toán của VTC nhưng họ có nguyên tắc chung. Hiện Google có chấp thuận cho một số doanh nghiệp tích hợp kết nối với Telco của Việt Nam để thanh toán, còn Apple thì chưa chấp thuận vì áp dụng chính sách chung trên toàn cầu.

Theo Đình Anh

Cùng chuyên mục
XEM