Kiếm tiền ngày càng khó hơn !

21/03/2017 15:16 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo Báo cáo kinh tế Việt Nam, trong vòng 6 năm từ 2011 đến 2016 trở lại đây, thu nhập thực tế của người Việt đang có mức tăng ngày càng chậm lại.

Mới đây, trường Đại Học Kinh tế Quốc Dân đã công bố thành quả nghiên cứu hàng năm của mình là Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2016, với nội dung đánh giá toàn diện thực trạng kinh tế Việt Nam 2016 và triển vọng năm 2017.

Đặc biệt, báo cáo cũng đã chỉ ra một số đặc điểm khá đáng chú ý trong các thống kê về thu nhập thực của người Việt vài năm trở lại đây.

Theo đó, trong vòng 6 năm từ 2011 đến 2016 trở lại đây, thu nhập thực tế của người Việt đang có mức tăng ngày càng chậm lại.

Điều đó có hiểu theo nghĩa rằng vào thời điểm năm 2017 này, nếu so với những người anh chị của mình cách đây 6 năm thì bạn hẳn sẽ có ít cơ hội để tăng các nguồn thu nhập của mình, như là lương và các nguồn khác, với mức cao như ở thời điểm cách đây 6 - 7 năm.

Cụ thể, từ các số liệu trong báo cáo thì vào năm 2016, thu nhập thực (chỉ số đo là GNI) của người Việt chỉ đạt mức tăng là 3,1%, thấp hơn khá nhiều so với mức năm 2015 là 4,28% và mức năm 2014 là 4,07%.


Tốc độ tăng trưởng GNI đầu người (danh nghĩa) giảm mạnh từ 2011-2016.

Tốc độ tăng trưởng GNI đầu người (danh nghĩa) giảm mạnh từ 2011-2016.

Nhìn tổng thể từ thời điểm năm 2011 thì theo biểu đồ mà Báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2016 đưa ra, tốc độ tăng của chỉ số GNI/người danh nghĩa đã giảm mạnh từ lúc đó đến nay.

Theo báo cáo, nguyên nhân một phần chính là do chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2016 cao hơn khá nhiều so với mức 0,63% năm 2015.

Tuy nhiên, nếu xét trong cả giai đoạn 2011 – 2016 thì kể cả ở những năm nền kinh tế có chỉ số giá tiêu dùng cao hơn rất nhiều so với năm 2016 thì tốc độ tăng trưởng thu nhập thực nhìn chung vẫn cao hơn so với năm 2016.

Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập giảm so với 2015 và một số năm trước là do tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 thấp hơn và so với năm 2015, trong khi đó, tốc độ tăng lạm phát lại cao hơn.

Lấy một thước đo khác là GDP thì báo cáo chỉ ra rằng, nếu so sánh giữa GDP và GNI trong giai đoạn 2011 – 2016, chúng ta cũng có thể thấy một điều tương tự.

Theo đó, tỷ lệ GNI/GDP đang có xu hướng giảm dần, đặc biệt từ năm 2013 đến nay. Nhìn chung, nếu như năm 2011 tỷ lệ GNI/GDP là 95,69% thì năm 2016 giảm xuống chỉ còn 94,49%.

Việc thu nhập chậm cải thiện này sẽ là một nguyên nhân ảnh hưởng đến khuynh hướng tiêu dùng và qua đó cản trở tích lũy của nền kinh tế.

Ngay buổi công bố báo cáo lúc đó, các vị chuyên gia đã đưa ra 4 nguyên nhân lý giải tại sao trong năm 2016, kinh tế Việt Nam không đạt được mức tăng trưởng 6,7%; một trong số đó chính là sự giảm của yếu tố tiêu dùng trong nền kinh tế.

Xoay quanh câu chuyện về thu nhập thực của người Việt thì báo cáo cũng chỉ ra rằng từ năm 2013 đến năm 2016 vừa qua, tốc độ tăng GNI/người thực cũng luôn nhỏ hơn so với tốc độ tăng GDP/người.

Điều này chứng tỏ rằng phần thu nhập do khu vực nước ngoài tạo ra ở Việt Nam đang ngày càng tăng và vì thế, đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang ngày càng lớn.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM