Khủng hoảng sau đại dịch, người dân Mỹ đổ xô đi mua đồ secondhand

26/06/2020 13:30 PM | Xã hội

"Kinh doanh đồ cũ đã thu lời rất tốt trong mùa dịch Covid-19. Thông thường khách hàng luôn thích những món đồ hàng hiệu hay xa xỉ nhưng với giá hời", Giám đốc Neil Saunders của GlobalData nhận định.

Trong khi hàng loạt hãng thời trang lớn lao đao vì dịch Covid-19 khi người tiêu dùng chẳng còn tâm trí đâu mua sắm thì những chủ doanh nghiệp kinh doanh quần áo như chị Christina Hurtado lại đang kiếm lời ngày một nhiều.

Trên thực tế, chị Hurtado chuyên kinh doanh quần áo secondhand trên chuyên trang đồ cũ Poshmark. Trong mùa dịch, nhu cầu mua sắm đồ thể thao, đồ bơi đã tăng vọt giúp chị Hurtado tăng doanh số mạnh. Rất nhiều mặt hàng chị đăng bán bị đặt mua hết chỉ trong vài phút đến 1 giờ.

"Tháng 4/2020 có lẽ là thời điểm có doanh số cao nhất đối với tôi kể từ năm 2017 đến nay. Mọi người đều đang cố gắng tìm việc để làm thời gian rảnh rỗi, ví dụ như tập thể thao hay tìm kiếm những món đồ secondhand trên mạng", chị Hurtado cho biết.

Khủng hoảng sau đại dịch, người dân Mỹ đổ xô đi mua đồ secondhand - Ảnh 1.

Với lệnh cách ly và thu nhập bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, người tiêu dùng Mỹ hiện nay đang hướng đến những chợ đồ cũ như Poshmark, OfferUp hay Mercari để mua đủ thứ, từ quần áo cho đến xe hơi nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm cũng như tiết kiệm chi phí.

Theo các chuyên gia phân tích, quần áo thời trang cũ vốn vô cùng hút hàng từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát và nay nó lại càng hấp dẫn người tiêu dùng hơn với giá cả rẻ mà vẫn tuân thủ được lệnh cách ly nhờ thương mại điện tử.

Ngân hàng đầu tư Cowen ước tính tổng giá trị thị trường thời trang secondhand online có thể tăng từ 7 tỷ USD trong năm nay lên 23 tỷ USD vào năm 2023.

Nhận thấy được tiềm năng của ngành này, hãng bán lẻ lớn nhất thế giới là Walmart cũng đã quyết định tham chiến. Tháng 5/2020, Walmart tuyên bố hợp tác với hãng bán lẻ ThredUP để kinh doanh quần áo, giày dép và túi xách secondhand trực tuyến.

"Kinh doanh đồ cũ đã thu lời rất tốt trong mùa dịch Covid-19. Thông thường khách hàng luôn thích những món đồ hàng hiệu hay xa xỉ nhưng với giá hời", Giám đốc Neil Saunders của GlobalData nhận định.

Năm 2019, số liệu của ThredUP và GlobalData cho thấy dù tầng lớp trung niên, người già vẫn là khách hàng chủ lực của ngành kinh doanh đồ cũ với 33% lượng người mua thì giới trẻ hiện nay cũng ngày càng hứng thú với mặt hàng này do áp lực tài chính. Khoảng 31% số người mua trong ngành này hiện thuộc tầng lớp trẻ.

Khủng hoảng sau đại dịch, người dân Mỹ đổ xô đi mua đồ secondhand - Ảnh 2.

Cháy hàng

Trong tuần đầu tiên hợp tác với ThredUP, nhà quản lý Denise Icandela của Walmart cho biết khách hàng đã vét sạch số quần áo và túi xách của các thương hiệu lớn như Calvin Klein, Tommy Hilfiger hay Old Navy.

Mức giá bình quân cho các loại đồ cũ của Walmart khá mềm, vào khoảng 20 USD cho mỗi bộ quần áo, 35 USD cho phụ kiện và túi xách, 40 USd cho giày dép.

Rõ ràng, bất chấp tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục từ Đại khủng hoảng 1930 đến nay cũng như thách thức suy thoái, nhiều người tiêu dùng Mỹ vẫn bị thu hút bởi những mặt hàng xa xỉ hay thương hiệu có tiếng với mức giá mềm.

Hãng kinh doanh đồ ký gửi chuyên về hàng hiệu lớn nhất thế giới là RealReal cho biết nhu cầu mua hàng vẫn khá cao trong các tháng 4-5/2020. Tuy nhiên công ty đang gặp vấn đề về nguồn cung khi các nhà kho của hãng khó vận chuyện đồ do lệnh cách ly.

Số liệu của RealReal cho thấy trong khoảng giữa tháng 3 đến giữa tháng 4/2020, số lượng người tìm mua khăn lụa của các thương hiệu lớn như Gucci hay Chanel đã tăng 24% so với cùng kỳ năm trước bởi chúng vừa thời trang lại có thể dùng làm khẩu trang.

Ngoài ra, nhu cầu mặt hàng túi cho nam giới cũng tăng 20% do nhiều người phải mang thêm khẩu trăng, nước rửa tay và găng tay trong mùa dịch.

Tại Poshmark, doanh số đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước trong khoảng giữa tháng 4 đến giữa tháng 5/2020. Mặt hàng bán chạy nhất là quần áo thể thao của các hãng lớn như Nike, Lululemon hay Fabletics.

Khủng hoảng sau đại dịch, người dân Mỹ đổ xô đi mua đồ secondhand - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, doanh số của những bộ đồ ngủ pajama cũng tăng 100% khi người dân phải ở nhà nhiều hơn do lệnh cách ly.

"Người tiêu dùng đang chi nhiều hơn cho những món đồ có giá cả hợp lý thay vì những mặt hàng đắt đỏ. Dấu hiệu này cho thấy xu thế người dân muốn cân bằng chi tiêu hợp lý hơn nhưng vẫn có thể mua thứ gì họ thích", CEO Manish Chandra của Poshmark nhấn mạnh.

Nắm bắt được xu thế này, những trang bán đồ cũ online như OfferUp đang tích cực tìm kiếm nguồn hàng, từ đồ gia dụng cho đến đồ chơi nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mùa dịch.

"Chúng tôi đã chứng kiến 2 làn sóng bùng nổ doanh số mạnh thời gian gần đây. Đầu tiên là vào ngày 13/3 và đợt bùng nổ thứ 2 là vào ngày 13/4/2020", CEO Nick Huzar của OfferUp nói.

Theo đó, số lượng tìm kiếm mặt hàng đồ chơi của các thương hiệu nổi tiếng như Pokemon, Hot Wheels đã tăng 150%. Trong khi đó, lượng tìm kiếm đồ gia dụng cũ như bàn ghế hay sô pha tăng tới 110% trong mùa dịch. Tương tự, mặt hàng trò chơi điện tử như máy Nintendo Switch cũng tăng 155% cho lượng tìm kiếm.

AB

Cùng chuyên mục
XEM