Không nuông chiều nhân viên: Lý do Elon Musk luôn đuổi việc 10% lao động mỗi năm, không ai ở Tesla dám đòi tăng lương, thưởng

03/01/2024 10:02 AM | Kinh doanh

Sự nuông chiều của doanh nghiệp sẽ dẫn đến hậu quả người lao động coi đó là điều hiển nhiên, đồng thời phản ứng khi không còn được hưởng lợi ích như trước nữa bất kể công ty đang khó khăn.

Không nuông chiều nhân viên: Lý do Elon Musk luôn đuổi việc 10% lao động để tránh đình công và nỗi than phiền lương thưởng - Ảnh 1.

Câu chuyện lương thưởng cuối năm hay đình công là nỗi ám ảnh của nhiều doanh nghiệp. Thế nhưng với Elon Musk, đây lại không phải vấn đề quá lớn khi vị tỷ phú này luôn cứng rắn với người lao động.

Với vị tỷ phú giàu nhất thế giới, bất kỳ ai cũng có thể thay thế và người lao động cần hiểu vị trí của mình trong doanh nghiệp.

Đuổi việc liên tục

Theo tờ Fortune, tỷ phú Elon Musk cho rằng việc không thay đổi bộ máy nhân sự liên tục và loại bỏ các nhân viên yếu kém sẽ không thể duy trì được hiệu quả tối đa của doanh nghiệp.

Đây là cách tiếp cận mà Cựu CEO Jack Welch của GE đã từng sử dụng khi sa thải 10% lao động hàng năm dù chúng khiến uy tín của công ty bị tổn hại nghiêm trọng.

"Elon Musk nói rằng việc sa thải 10% lao động hàng năm là điều hợp lý. Ông ấy cho rằng nếu không thay thế 10% nhân lực hàng năm bằng nguồn lao động tốt hơn thì công ty sẽ không giữ được hiệu suất làm việc cao nhất. Đây đơn giản chỉ là một bài toán về hiệu quả với Elon Musk", kỹ sư Branden Spikes từng làm việc với Elon Musk ở SpaceX suốt 10 năm từ 2002 đến 2012 nhớ lại.

Không nuông chiều nhân viên: Lý do Elon Musk luôn đuổi việc 10% lao động để tránh đình công và nỗi than phiền lương thưởng - Ảnh 2.

Theo Spikes, làm việc cùng Elon Musk đầy áp lực nhưng cũng cực kỳ hấp dẫn khi cải thiện được năng lực rõ rệt.

"Ông ấy chưa bao giờ sa thải ai đó mà không có lý do và nguyên nhân sa thải cũng chẳng cần phải quá to tát. Ví dụ bạn có thể mắc lỗi nhưng không thể tha thứ nếu tái phạm", Spikes cho biết.

Lợi ích công ty trên hết

Trên thực tế, tờ NYT cho biết nhiều nhà lãnh đạo nhận định môi trường làm việc thời gian qua đã quá thả lỏng, nhất là hậu đại dịch Covid-19 khi các nhà máy, công ty thiếu lao động, dẫn đến tình trạng quyền lực của nhân viên lấn át lợi ích công ty.

Thế nhưng mọi chuyện đã phải thay đổi khi rủi ro khủng hoảng kinh tế dần lớn hơn và các ông chủ nhận ra rằng họ không thể nuông chiều nhân viên quá nhiều được nữa.

Bởi vậy nhiều giám đốc dù không có động thái thẳng thừng và mạnh tay như Elon Musk vì muốn giữ hình ảnh, nhưng họ cũng dần ủng hộ phương pháp cứng rắn với người lao động của ông chủ Tesla.

"Tôi nghĩ rằng những CEO giỏi hiện nay đã quá mệt mỏi với việc phải chiều chuộng người lao động", CEO Michael Friedman của hãng đầu tư First Level Capital thú nhận.

Tờ NYT nhận định những động thái của Elon Musk đang được ngày càng nhiều các giám đốc ủng hộ khi họ vừa phải chịu đựng gánh nặng lợi nhuận từ cổ đông, lại vừa phải chiều lòng những lời than vãn về môi trường làm việc của người lao động hậu đại dịch.

Đó là chưa kể đến những đợt đình công đòi tăng lương thưởng hay phản đối các phương án sa thải hàng loạt.

Nếu trong giai đoạn mới bắt đầu mở cửa, người lao động ở phía có lợi thế đàm phán hơn do tình trạng thiếu nhân lực thì nay gió đã đảo chiều và Elon Musk bắt đầu trở thành "tấm gương" cho nhiều ông chủ học tập.

Đồng quan điểm với ông chủ Tesla, CEO Friedman cho biết khi còn làm môi giới chứng khoán, bản thân ông thậm chí còn không được cấp bàn làm việc tử tế cho đến khi kiếm được 100 tài khoản khách hàng đầu tiên.

Vị giám đốc này cũng cười mỉa trào lưu bỏ việc, sống vì bản thân hay làn sóng đại nghỉ việc (Great Resignation) bởi chúng chỉ khiến gia tăng chuyện người lao động đòi tăng lương nhưng lại lười làm.

Theo Friedman, thị trường lao động sẽ không bao giờ thiếu thốn, có chăng chỉ là tình trạng nhất thời và doanh nghiệp trong dài hạn sẽ luôn kiếm được người thay thế. Ngay cả đến CEO cũng có thể thay thế được chứ đừng nói là lao động phổ thông.

Bởi vậy, CEO Friedman cho rằng những yêu cầu của Elon Musk chẳng có gì quá đáng hay to tát cả, nhất là khi công ty đang gặp khó khăn còn ông chủ gánh trên vai những khoản nợ khổng lồ thì nhân viên không thể đòi hỏi lương thưởng hay một môi trường làm việc thoải mái như trước được.

Không nuông chiều nhân viên: Lý do Elon Musk luôn đuổi việc 10% lao động để tránh đình công và nỗi than phiền lương thưởng - Ảnh 3.

Nụ cười của Elon Musk

Cũng theo Fortune, tỷ phú Elon Musk đang là người cười sau cùng khi cứng rắn với người lao động thay vì chiều chuộng nhân viên như các hãng xe hơi truyền thống từng làm.

Với việc Tesla là hãng xe hơi lớn duy nhất ở Mỹ không có đại diện công đoàn cho người lao động, đế chế của Elon Musk đã tránh được các cuộc đình công đòi tăng lương thưởng, đồng thời liên tục sa thải nhân viên để giữ được hiệu quả làm việc.

Tính đến tháng 1/2023, Tesla có hơn 127.000 nhân viên trên toàn cầu và thường xuyên bị tố cáo vì tỷ lệ thương tật cao trong các nhà máy, số giờ làm quá tải, thu nhập thấp và bất kỳ cố gắng xây dựng công đoàn nào đều bị Elon Musk bác bỏ.

Theo Fortune, chính những "điểm yếu" này của Tesla giờ đây đã trở thành lợi thế khi hãng không bị trì hoãn bởi các cuộc biểu tình đòi quyền lợi của công đoàn bất chấp môi trường lao động khắc nghiệt.

Thậm chí báo cáo của Wedbush Securities còn nhận định Elon Musk chắc chắn đang là "người chiến thắng với ly rượu mừng đổ đầy đá" khi các hãng xe truyền thống ở Mỹ đau đầu với cuộc đình công đòi tăng lương.

Tờ New York Times (NYT) cho hay gần 13.000 lao động đã biểu tình ở 3 nhà máy xe hơi tại Ohio, Michigan và Missouri để đòi tăng 40% lương trong vòng 4 năm tới,

Những yêu cầu này của công đoàn lao động Detroit có thể khiến các ông lớn ngành ô tô càng khó cạnh tranh về giá so với Tesla hơn. 

Cái giá của nuông chiều

Trong khi sự nuông chiều lao động gây khó cho các hãng xe truyền thống vốn đang đối mặt thách thức trên thị trường thì ngay cả những hãng kinh doanh tốt cũng gặp vấn đề vì không cứng rắn với nhân viên.

Một ví dụ điển hình là Nvidia với văn hóa "công thần lười biếng".

Không nuông chiều nhân viên: Lý do Elon Musk luôn đuổi việc 10% lao động để tránh đình công và nỗi than phiền lương thưởng - Ảnh 4.

Tờ Business Insider cho hay đà tăng giá cổ phiếu mạnh của Nvidia cùng công việc kinh doanh bùng nổ khiến tập đoàn này đang phải đối mặt với vấn đề dở khóc dở cười: Một số nhân viên lâu năm với số cổ phiếu thưởng đầy giá trị của mình đã không còn làm việc tích cực như trước.

Thậm chí, vấn đề này đã bị nhà sáng lập và CEO Jensen Huang của Nvidia gọi thẳng là tình trạng "bán nghỉ hưu" (Semi Retirement) trong cuộc họp vào tháng 11/2023.

Vị giám đốc này kêu gọi nhân viên trong công ty nên tự giác nâng cao ý thức trách nhiệm trong bối cảnh nhiều lao động lâu năm bất chợt giàu lên và mất ý chí chiến đấu.

Theo BI, rất nhiều nhân viên Nvidia đã giàu nhanh chỉ sau vài năm khi giá cổ phiếu hãng này tăng đến 1.200% chỉ trong 5 năm. Tình hình kinh doanh bùng nổ khiến thu nhập, lương thưởng của nhân viên trong công ty trở tăng lên.

Bên cạnh đó, Nvidia có lịch sử tránh sa thải nhân viên trong các thời kỳ khó khăn. Suốt quãng thời gian đại dịch Covid-19 năm 2020 và đà lao dốc của tiền điện tử năm 2022 khiến máy đào Bitcoin dùng chip Nvidia mất giá, tập đoàn này không sa thải quá nhiều nhân viên như những hãng công nghệ khác.

Thậm chí đích thân CEO Jensen Huang đã liên tục cam kết và trấn an nhân viên rằng sẽ không xảy ra tình trạng sa thải hàng loạt dù giá cổ phiếu của Nvidia đang giảm mạnh.

Lần cắt giảm nhân sự hàng loạt cuối cùng của Nvidia diễn ra cách đây 15 năm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Chính điều này khiến nhiều nhân viên "mặc định" về sự an toàn cũng như thu nhập của bản thân như là điều hiển nhiên và không còn muốn cố gắng nữa.

Trên thực tế vấn đề "bán nghỉ hưu" xuất hiện ở hầu như mọi hãng công nghệ khi các nhân viên kỳ cựu đã quen tất cả đường đi nước bước của doanh nghiệp và bắt đầu lười biếng, giảm ý chí lao động so với trước.

Chính Thung lũng Silicon cũng có một thuật ngữ riêng cho những "công thần" này với tên gọi "Rest and Vest", nghĩa là những lao động lâu năm không còn làm việc tích cực như trước nữa mà chọn công việc nhàn (Rest) để ngồi đó đợi cổ phiếu thưởng (Vest) tăng giá.

Rất rõ ràng, sự nuông chiều nhân viên là con dao 2 lưỡi khi có thể cổ vũ tinh thần làm việc nhưng cũng có thể giết chết hiệu suất lao động.

Với Elon Musk, vị tỷ phú giàu nhất thế giới, nhân lực là tài sản quý giá nhất của công ty, nhưng cũng là thứ dễ dàng thay thế nhất nếu không "nghe lời".

*Nguồn: Fortune, BI, NYT

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM