Khoảng 50% doanh nghiệp BĐS trên cả nước sẽ rơi vào tình trạng “hôm mê” không thể hồi phục

14/06/2023 15:05 PM | Kinh doanh

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam khi được hỏi về vướng mắc về pháp lý của các doanh nghiệp cũng như các dự án BĐS hiện nay.

Khoảng 50% doanh nghiệp BĐS trên cả nước sẽ rơi vào tình trạng “hôm mê” không thể hồi phục - Ảnh 1.

Theo dự báo, khoảng 50% doanh nghiệp BĐS trên cả nước sẽ rơi vào tình trạng “hôm mê” không thể hồi phục

Sáng nay, báo Dân trí tổ chức Tọa đàm trực tuyến về “Gỡ nút thắt pháp lý cho bất động sản: Từ chính sách đến thực tiễn” với sự tham gia của ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản  Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam; Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam và Ông Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế - BĐS.

Vừa qua, Chính phủ cũng đã có nhiều động thái quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, thị trường BĐS nói chung, đặc biệt là BĐS nhà ở, chưa có nhiều dấu hiệu chuyển biến rõ rệt. Trong số những vấn đề được xem là điểm nghẽn của thị trường BĐS, pháp lý luôn đứng đầu.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam về các yếu tố cản trở tốc độ, quy mô và quyết tâm tham gia vào thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam thì yếu tố pháp lý chiếm 50%, vượt qua cả yếu tố tài chính.

Hay như Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng nhiều lần khẳng định vướng mắc về pháp lý chiếm đến 70% khó khăn của các doanh nghiệp BĐS, các dự án BĐS.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, nguyên nhân làm cho hàng nghìn dự án đang phải nằm chờ, chờ sự điều chỉnh, chờ các tháo gỡ, chờ những quy định mới, chờ luật mới là khâu hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản có liên quan đến các luật, mà các luật lại có nhiều mâu thuẫn.

Ngoài ra, hầu hết trong các công đoạn của quá trình chuẩn bị đầu tư đều có những vấn đề, từ việc đền bù giải phóng mặt bằng, quy hoạch, giao đất, đến phương pháp lựa chọn chủ đầu tư và đặc biệt nhất là phương pháp tính giá đất, đền bù, nộp tiền sử dụng đất.

Đồng thời khi thực thi dự án cũng bộc lộ nhiều vấn đề từ cấp phép xây dựng, hoạt động kinh doanh, giao dịch,…

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, vấn đề quan trọng là phải công nhận chủ đầu tư, đặc biệt là những dự án có sử dụng các quỹ đất công. Trong các khu dự án, cũng có nhiều phần được cho là đất công, ví dụ như là đường xá, mương máng, sông ngòi, bờ ruộng. Mà đất công thì lại gặp vấn đề “tại sao giao cho doanh nghiệp một cách dễ dàng như thế, theo quy định thì đất công thì phải qua đấu giá, đấu thầu”.

Khoảng 50% doanh nghiệp BĐS trên cả nước sẽ rơi vào tình trạng “hôm mê” không thể hồi phục - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Đính nhận định: “Khoảng 50% doanh nghiệp BĐS trên cả nước sẽ rơi vào tình trạng “hôn mê” không thể hồi phục được”.

Do đó, Chính phủ, trung ương quyết định sửa các luật là điều tất yếu, vì các luật đang mâu thuẫn. Trong đó, luật đất đai là căn bản nhất, là gốc của các luật khác, phải chỉnh trước tiên. Sau đó, các luật tiếp theo như luật đầu tư, luật nhà ở, luật kinh doanh BĐS, luật quy hoạch cũng phải được xử lý đồng bộ. Tuy nhiên, để đồng bộ thì không phải ngày một ngày hai mà xử lý ổn thỏa được.

Hiện nay đang vướng nhiều nhất vẫn là lựa chọn việc giao đất, chấp nhận chủ trương đầu tư, tính giá đất. Nhiều dự án bị vướng về việc phê duyệt giá đất bao nhiêu, để cho chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình đối với ngân sách, đối với nhà nước. Tỷ trọng bị nghẽn trên 50%.

Có nhiều dựa án đã xong hệ thống hạ tầng, có thể đưa sản phẩm vào kinh doanh. Doanh nghiệp đã bán hàng, theo quy định của luật kinh doanh, cho phép bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng mà người mua có thể phải chờ để có thể nhận được sổ đỏ, bởi dự án bị vướng về việc phê duyệt giá đất, chủ đầu tư chưa thể thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vốn rất lớn mà bây giờ phải nằm lại đó chờ, không được giao dịch nữa, không được hoạt động nữa vì quy định của luật.

“Chúng tôi cho rằng các khó khăn này đến cuối năm 2023 mà không được giải quyết thì khoảng 50% doanh nghiệp BĐS trên cả nước sẽ rơi vào tình trạng “hôn mê”, không thể hồi phục được nữa, và đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm”, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam chia sẻ.

Theo Nguyên Trang

Cùng chuyên mục
XEM