Khảo sát của Visa: 90% người Việt đã thực hiện giao dịch phi tiền mặt, gần 80% có thể không dùng tiền mặt trong 3 ngày

01/06/2023 22:11 PM | Kinh doanh

Theo nghiên cứu mới nhất của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt, 90% số người được khảo sát đã thực hiện giao dịch không tiền mặt trong năm 2022, tăng đáng kể so với mức 77% năm 2021.

Khảo sát của Visa: 90% người Việt đã thực hiện giao dịch phi tiền mặt, gần 80% có thể không dùng tiền mặt trong 3 ngày - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: NLĐ.

Visa - công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới vừa công bố Nghiên cứu Thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022, cho thấy xu hướng thích nghi nhanh chóng với thanh toán số và ngày càng hạn chế sử dụng tiền mặt khi giao dịch. Theo đánh giá của Visa, Covid-19 đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam thanh toán bằng thẻ hoặc ví điện tử đã tăng trên mọi nhóm độ tuổi so với năm 2021. Trong đó, có tới 92% Gen Y (những người sinh từ năm 1981 – 1996) đã thanh toán không tiền mặt trong năm 2022.

Hàng loạt con số ấn tượng khác cũng được Visa liệt kê:

- 66% người dùng thanh toán thẻ trực tuyến;

- 70% thanh toán ví điện tử trực tuyến hoặc trong ứng dụng, tăng hơn gấp đôi so với tỷ lệ 32% năm 2021;

- 61% thanh toán bằng mã QR, tăng vượt bậc so với mức 35% năm 2021;

Nhìn chung, 90% số người được khảo sát đã thực hiện giao dịch thanh toán không tiền mặt trong năm 2022, tăng đáng kể so với mức 77% vào năm 2021. Ngoài ra, 77% đáp viên tin rằng họ có thể không dùng tiền mặt trong 3 ngày.

Khảo sát của Visa: 90% người Việt đã thực hiện giao dịch phi tiền mặt, gần 80% có thể không dùng tiền mặt trong 3 ngày - Ảnh 2.

Tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng các phương thức thanh toán theo nghiên cứu năm 2022 của Visa.

Visa nhận định trong năm 2022, người tiêu dùng Việt đã mang theo ít tiền mặt hơn, cũng ít dùng tiền mặt để thanh toán. Hai lý do phổ biến nhất là nguy cơ bị mất hoặc bị đánh cắp. Trên thực tế, ngày càng nhiều doanh nghiệp tạo điều kiện và áp dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt.

Covid-19 tạo ra nhiều thói quen sinh hoạt mới

Bước sang năm 2023, người tiêu dùng được cho là theo đuổi các xu hướng sinh hoạt mới hậu Covid-19.

Nghiên cứu cho thấy người Việt đã sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà nhiều hơn, trong đó thanh toán trước khi giao hàng qua các phương thức trực tuyến là phổ biến nhất. Những thói quen mua sắm mới cũng được ghi nhận, chẳng hạn như 64% người tiêu dùng có xu hướng tích trữ thêm thuốc men và vitamin để duy trì sức khỏe.

Những thói quen này phần nào phản ánh xu hướng toàn cầu sau Covid-19 là sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và phần lớn người tiêu dùng đón nhận các hành vi mua sắm mới.

Cũng theo nghiên cứu của Visa, 80% đáp viên cho biết họ đang tiết kiệm nhiều hơn cho tương lai, 78% muốn lập kế hoạch và theo dõi chi phí hàng tháng chặt chẽ. Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm tài chính, cũng như chú trọng thiết lập ngân sách hàng tháng cho chi tiêu gia đình.

“Như vậy, người dùng có khả năng giảm chi tiêu cho một số mặt hàng và các doanh nghiệp cần lường trước sự chuyển dịch này. Mặt khác, doanh nghiệp có thể tập trung vào các lĩnh vực mà người tiêu dùng có kế hoạch gia tăng chi tiêu, như hàng tạp hóa, thời trang và quần áo, nghỉ dưỡng tại chỗ hoặc du lịch nội địa”, Visa gợi ý.

Đề cập tới xu hướng tiêu dùng số, bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị giao dịch thanh toán trên thẻ Visa tại Việt Nam đã tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022, thanh toán trực tuyến cũng tăng trưởng theo đó. Doanh số thanh toán xuyên biên giới cũng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

“Chúng tôi mong đợi một tương lai kỹ thuật số đầy tiềm năng cho cả người tiêu dùng và các đơn vị cung cấp dịch vụ tại Việt Nam”, bà bày tỏ.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM