HoREA: 'TP Thủ Đức' và đề án chuyển đổi 4 huyện thành quận thúc đẩy thị trường địa ốc TP HCM

16/11/2020 10:14 AM | Kinh doanh

Thị trường bất động sản TP HCM được dự báo tiếp tục hồi phục từ nay đến Tết Âm lịch và cả năm 2021.

Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) dự đoán từ nay đến Tết Âm lịch và cả năm 2021, thị trường địa ốc TP HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng trở lại, do có những tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 cũng như Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới. Cụ thể, Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Đồng thời, Chính phủ đang xem xét sửa đổi một số Nghị định, nhất là dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định thi hành Luật Đất đai sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, HoREA cho rằng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương trong khâu thực thi pháp luật, tháo gỡ ách tắc cho các dự án đầu tư, dự án nhà ở thương mại, để thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ đề ra, vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế vững chắc. 

Đồng thời, tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa sẽ tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản TP HCM phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung hạn và dài hạn. Điều này đến từ đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM, là đô thị sáng tạo có tính tương tác cao, có quy mô kinh tế bằng khoảng 7 - 8% GDP cả nước, chiếm đến 1/3 GRDP của TP HCM...

TP HCM cũng có đề án chuyển đổi 4/5 huyện thành quận trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, HoREA cho rằng hoàn toàn có khả năng huyện Cần Giờ sẽ trở thành “đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường” trong tương lai.

Cuối cùng, Chính phủ đã quyết định cho TP HCM được chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016 - 2020. HoREA nhấn mạnh, thực tế đã chứng minh một ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị tạo ra giá trị gấp hơn 100 lần so với một ha đất nông nghiệp.

Số liệu từ Sở Xây dựng cho biết trong 9 tháng đầu năm, TP HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 11 dự án, gấp 11 lần cùng kỳ năm trước. 9 dự án được chấp thuận chủ đầu tư và 24 dự án được chấp thuận đầu tư. Cuối tháng 10, Sở Xây dựng công bố thêm 10 dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn bán nhà hình thành trong tương lai, với gần 9.200 căn bổ sung thêm nguồn cung nhà ở trong quý IV.

HoREA: TP Thủ Đức và đề án chuyển đổi 4 huyện thành quận thúc đẩy thị trường địa ốc TP HCM - Ảnh 1.

Cơ cấu phân khúc sản phẩm trong 9 tháng đầu năm 2020. Nguồn: HoREA

Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 20 dự án, giảm 38% cùng kỳ với tổng số 6.700 căn nhà, giảm 69%. Phân khúc căn hộ cao cấp chiếm phần lớn nguồn cung thị trường với tỷ lệ 73%, sau đó là căn hộ trung cấp (25%).

Cũng trong 9 tháng, 4 hồ sơ xin chuyển nhượng dự án, trong đó có một hồ sơ có thông báo kết luận cuộc họp, 2 hồ sơ xin rút, một hồ sơ đã gửi các Sở, ngành liên quan lấy ý kiến.

Trong 10 tháng, dư nợ tín dụng bất động sản tại TP HCM đạt khoảng 293.750 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm trước. Nợ xấu tín dụng của doanh nghiệp bất động sản chiếm 2,7% tổng dư nợ bất động sản. Hiệp hội đánh giá các chỉ tiêu này vẫn vẫn còn trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, HoREA cho rằng có khả năng một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, trong đó có cả nguồn vốn đầu tư trái phiếu bất động sản của các tổ chức tín dụng và cá nhân.

Do đó, Hiệp hội nhận thấy cần quan tâm đến dư nợ tín dụng tiêu dùng, nhất là đối với một số khoản vay sửa nhà, xây nhà, nhưng chuyển sang kinh doanh bất động sản, chiếm 1,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, cần phải có cơ chế kiểm soát, quản lý phù hợp.

Khổng Chiêm

Cùng chuyên mục
XEM