Học kinh doanh kiểu Nhật qua cuốn Ngũ Luân Thư
Khi được một người bạn giới thiệu cuốn Ngũ Luân Thư, tôi ngạc nhiên tới mức gần như sửng sốt khi được biết một cuốn sách dạy đánh kiếm nhưng lại trở thành sách gối đầu giường của các doanh nhân Nhật bản trên thương trường quốc tế. Người Mỹ có câu nhận xét : "Ở phố Wall, khi Musashi cất tiếng, mọi người phải lắng nghe!", và cuốn sách này chỉ có 47 trang!
Đầu tiên phải thấy rõ rằng, đây là cuốn sách có ngôn từ giản dị, súc tích của một kiếm sỹ thực thụ chứ không phải của một triết gia. Để có được những nguyên lý, dù rằng ngắn và đơn giản đó, thì vô khối mồ hôi thậm chí cả máu đã đổ. Nó là thứ nguyên lý của những tay lành nghề, đúc rút từ thực tế đau thương, chứ không phải thứ lý luận lê thê dài dòng của kẻ chỉ biết nghiên cứu kinh viện.
Ngay đầu sách, tác giả Miyamoto Musashi (thế kỷ 17) khẳng định mình thắng trong tất cả các trận chiến một phần do may mắn chứ không phải chỉ thuần tuý do nỗ lực hay giỏi giang. Đây không phải là một tuyên bố mang tính khiêm tốn, nó là tổng kết thường thấy của những người trải nghiệm. Họ dù thắng cũng không thể chắc là mình sẽ đạt hiệu suất 100%. Đây là một tinh thần dấn thân đầy khoa học chứ không ỷ lại vào tài năng hay danh hiệu, tới mức dù ở vị trí cao nhất trong nghề nghiệp ông vẫn có một thái độ khách quan và cầu thị. Do vậy, câu mà tôi thích nhất trong sách của ông là "Không dùng bất kỳ thứ gì nếu nó không có ích".
Để đạt tới thành tựu như của Musashi, số trận tỷ thí bằng kiếm gỗ từ khi còn nhỏ, dưới 16 tuổi tới lúc ông trên 30, có thể nói là vô số, nhưng ông chỉ ghi nhận các trận bằng thiết kiếm - kiếm thật. Vì quả thực, ý nghĩa của kiếm gỗ và kiếm thật rất khác nhau.
Nếu với kiếm gỗ, kể cả khi chiến đấu với kẻ thù, khi ra đòn, tỷ lệ chấn thương được hạn chế. Còn với kiếm thật là khi "đao kiếm vô tình" chỉ một chút sơ sẩy cũng có thể trả giá bằng cả mạng sống. Tổng thể có 60 trận ông sử dụng kiếm thật để thi đấu và chưa thua trận nào. Con số nghe rất giản dị, nhưng có lẽ chỉ ai từng đối mặt với nguy hiểm trong kinh doanh có khả năng mất hết cả gia sản mới hiểu. Nó giống như đứng trước một kẻ sẵn sàng ăn gỏi mình bằng thanh trường kiếm katana có lưỡi thép được tôi qua hàng chục lần, sắc lẻm và rắn tới mức đạn M16 bắn trực xạ phải hơn chục viên mới mẻ! Và ông đã vượt qua tất cả các lần đó, chính tinh thần của ông mới thật sự là bằng thép.
Musashi nhấn mạnh việc chuẩn bị ý thức trước khi chuẩn bị cơ thể. Và trong khi chiến đấu, hành giả phải đảm bảo đủ ngũ luân, là 5 tiêu chí dành cho cả tâm trí và cơ thể bao gồm Địa – Thuỷ - Hoả - Phong – Không. Sau khi học hết 4 phần đầu gồm các bước rất rõ ràng và đơn giản, thì hành giả quay trở lại với trạng thái KHÔNG, tự nhiên như nhiên, tuỳ ý áp dụng như nước chảy mây trôi. Lý thuyết này gần như là sự hoà trộn hoàn hảo của cả các môn phái Nội gia với khái niệm phá chấp của Phật giáo! Và trong kinh doanh cũng thế, các đại gia được gọi là cá mập, vì đôi khi họ có cái vẻ quyết định rất cảm tính, nhưng thực ra cảm tính đó là phản xạ được hun đúc từ cả hàng vạn lần tính toán và trả giá trên thương trường. Họ đã biến mình thành một loại thước đo siêu chính xác.
Xuyên suốt cuốn sách, Musashi thể hiện sự phá chấp tới tận cùng, không chấp nhận bản thân bị trói buộc bởi lý thuyết hay trường phái. Ông khuyến khích người đọc dựa trên các nền tảng cơ bản vững chắc để phát huy tới cùng sự sáng tạo để đạt tới tự do. Musashi khẳng định bất kỳ môn phái hay nghệ thuật nào, dù cho là nghề của người thợ mộc hay thư pháp đều có chỗ gặp nhau. Và đó chính là chân lý Tối Giản, Tối Dị mà các doanh nhân người Nhật học được từ ông.