"Hố đen" của nước Mỹ: Bang California là trung tâm của mọi thảm hoạ từ chính trị, kinh tế cho đến thiên nhiên, khủng hoảng vô gia cư

13/11/2019 09:55 AM | Xã hội

Mùa cháy rừng ở tiểu bang California còn thổi bùng lên những phản ứng dữ dội trên truyền hình và mạng xã hội về những biến động chính trị, sự bất mãn của cử tri, thảm hoạ môi trường, số người vô gia cư ngày càng tăng.

Ở nước Mỹ, California là một vùng đất mang rất nhiều yếu tố nổi bật: đông dân nhất, giàu có nhất, là trụ sở của nhiều công ty thuộc S&P 500 nhất và là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Tầm cỡ của California cũng giúp bang này trở thành địa điểm quyền lực nhất, đặc biệt gây khó dễ cho Washington. Tuy nhiên, gần đây, bang này lại là nơi "dễ cháy" nhất trên nước Mỹ, không chỉ bởi cháy rừng hay mất điện, mà còn là những cuộc tranh luận nảy lửa về việc liệu họ có thể giữ vững "vị thế vàng" trong tương lai hay không.

Vào ngày Halloween, Kurt Mikell quay trở lại để khảo sát những gì còn sót lại ở kho phân bón, dọc sườn đồi gần Thư viện Tổng thống Ronald Reagan tại Simi Valley (California). Trước đó, hôm 30/10, đám cháy Easy Fire đã thổi bùng lên, thiêu rụi khu nghiên cứu hơn 2 hecta của Mikell, khiến ngọn đồi xanh rì bị bao phủ bởi một màu đen xơ xác. Trong 20 năm sinh sống ở khu vực này, đây là lần thứ 2 Mikell chứng kiến cảnh cháy rừng phá huỷ toàn bộ những gì anh gây dựng. Thế nhưng, anh không hề nản lòng, chia sẻ rằng sẽ dọn dẹp và sơn sửa lại nơi này.

1 giờ sau, ở phía bên kia ngọn đồi nhìn từ khu đất của Mikell, Mary Lou Schakouri rẽ vào căn nhà mà chị đã sống từ năm 2013, sau khi bỏ chạy cùng 2 cô con cái nhỏ từ sáng sớm. Đó là lần đầu tiên gia đình này phải sơ tán khỏi đám cháy. Nhưng may mắn thay, ngôi nhà hầu như không bị ảnh hưởng quá nặng nề. Schakouri chia sẻ: "Tôi không còn thấy an toàn khi ở đây. Bây giờ tôi sợ cháy rừng hơn là động đất. Có lẽ tôi sẽ đến Bắc Carolina."

Mùa cháy rừng cũng thổi bùng lên những phản ứng dữ dội trên truyền hình và mạng xã hội về những biến động chính trị, sự bất mãn của cử tri, thảm hoạ môi trường, số người vô gia cư ngày càng tăng. Một bài góc nhìn trên NYT chia sẻ: "Đó là sự kết thúc cho California, như chúng ta đã biết." Còn trên Fox News, Tucker Carlson cho biết California là "một thảm hoạ" và "kém văn minh". Thế nhưng, cũng có những ý kiến lạc quan về nơi này. Steve Lopez viết trên LA Times: "California có nhiều tiềm năng hơn là ngoài những lời chỉ trích." Alissa Walker - biên tập viên của Curbed, viết: "Bang này đã nỗ lực trong hơn 40 năm để giảm thiểu khí thải, nhưng điều này lại không hề được nhắc đến khi những vụ cháy diễn ra."

California từ lâu đã là chủ đề cho những bức tranh biếm hoạ bất chấp việc ở đó có sự đa dạng văn hoá, con người và địa lý. California thể hiện cho sự lo lắng của chính nước Mỹ về sự thất bại, sự kỳ vọng và khả năng hồi phục sau khủng hoảng. Rất nhiều luồng ý kiến đang mâu thuẫn về vị thế mà California đang nắm giữ trong nhiều vấn đề: sự nghiệp chính trị của ông Trump, phản đối quan điểm bảo vệ môi trường của Tổng thống; bất bình đẳng thu nhập và biến đổi khi hậu. Mới đây, Ngày 3/11, ông Trump cảnh báo sẽ rút viện trợ liên bang dành cho bang California, sau khi Thống đốc bang Gavin Newsom chỉ trích các chính sách môi trường của ông.

Hơn nữa, vụ cháy rừng và tình trạng mất điện ở bang diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhà ở đang lên đến đỉnh điểm, tỷ lệ người vô gia cư tăng lên cao, khi hàng loạt người không thể chi trả tiền thuê, phải ngủ ngay trong ô tô của mình hoặc trên vỉa hè, công viên, thậm chí là đường cao tốc.

Ngoài thảm hoạ tự nhiên, người dân California còn phải đối chọi với những "tàn dư" của khủng hoảng trong 2 thập kỷ qua: bong bóng dot-com, khủng hoảng điện, cuộc bỏ phiếu thu hồi tài sản, thâm hụt ngân sách trầm trọng trong Đại Khủng hoảng. Đầu những năm 2000, ngành công nghiệp điện của bang này gần như sụp đổ trong bối cản thiếu hụt năng lượng và thao túng thị trường trên diện rộng, khiến người tiêu dùng phải trả số tiền gấp 3 cho dịch vụ

Không như hầu hết các tiểu bang hay thậm chí là chính phủ liên bang, California đã tạo nên khung tài chính với cấu trúc thuế luỹ tiến, những người giàu có sẽ giúp đỡ những người nghèo hơn. Điều đó khiến họ phụ thuộc quá nhiều vào người giàu: nhóm 1% phải nộp mức thuế cao chiếm khoảng 1 nửa doanh thu thuế thu nhập cá nhân. Do đó, suy thoái kinh tế và "thị trường con gấu" có thể gây ra mức thâm hụt rất lớn. Ngân sách của bang hầu như không phục hồi từ những "lỗ hổng" do bong bóng dot-com để lại, khi Đại Suy thoái và khủng hoảng thị trường nhà ở khiến California trượt dốc. Hệ quả là, chỉ riêng năm 2009, ngân sách của California đã thâm hụt tới 40 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhờ công sức của Jerry Brown - cựu Thống đốc, California đã hồi phục. Ông sử dụng tiền dư thừa để chi trả cho "bức tường nợ", phủ quyết yêu cầu của phe Dân chủ về việc chi vốn dư cho những chương trình mới hoặc chương trình phát triển. Nền kinh tế California đang phát triển, nhưng cái giá của sự tăng trưởng lại rất lớn. Tại đây, số lượng việc làm, cư dân còn cao hơn nhà ở, khiến nguồn cung bị thắt chặt và đẩy các loại chi phí lên cao. Giá nhà trung bình ở đây lên tới 600.000 USD - gấp đôi mức trung bình của Mỹ, và tỷ lệ nghèo cũng ở tình trạng tồi tệ nhất nước Mỹ khi đề cập đến chi phí sinh hoạt. California là nơi sinh sống của 12% dân số và 25% người vô gia cư Mỹ.

Hơn nữa, California vẫn phải đối diện với thảm hoạ thiên nhiên tiếp tục ập đến. Hôm 9/10 vừa qua, công ty điện lực PG&E bắt đầu cắt điện đối với gần 800.000 hộ gia đình và doanh nghiệp ở California, với gần 2,4 triệu người bị ảnh hưởng, để ngăn chặn tình trạng cháy nổ trước dự báo gió mạnh sẽ tràn qua bang. Vụ mất điện ảnh hưởng đến 34 hạt, trong đó phần lớn là ở khu vực vịnh San Francisco.

Scott Anderson, kinh tế gia trưởng tại Bank of the West, ước tính vụ cháy và những ngày bị cắt điện có thể gây thiệt hại có thể lên tới 11,5 tỷ USD, làm giảm mạnh sản lượng kinh tế của California. Ông còn nhận thấy tốc độ tăng trưởng năm nay của tiểu bang này là khoảng 2% đến 2,2%, thấp hơn mức 2,3% GDP của Mỹ. Ông nói: "Thật buồn cười khi nói rằng bạn sống ở một bang với nhiều công ty công nghệ lớn mà lại chịu cảnh mất điện." Là một nơi có chi phí sinh hoạt, cùng mức thuế cao, thì California là một nơi kém hấp dẫn để kinh doanh và sinh sống, ông chia sẻ.

Một lý do khác khiến California trở thành tâm điểm chỉ trích của những lãnh đạo chính trị và cử tri, đó là sự bảo thủ rằng chính phủ có thể và nên chủ động giải quyết các vấn đề. Trong nhiều thập kỷ, California đã đặt ra mục tiêu giải quyết những vấn đề biến đổi khi hậu, họ đi đầu cả nước Mỹ hay thậm chí là thế giới trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch, hạn chế khí thải và sử dụng năng lượng tái tạo. Ông Newsom cũng tiếp tục thúc đẩy kế hoạch này, đi khắp tiểu bang để tuyên truyền về những bước thực hiện nhằm ứng phó với thảm hoạ môi trường.

Mới đây, Apple vừa tuyên bố đóng góp một khoản 2,5 tỉ USD để hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở California. Cùng với đó, Microsoft,Google, Facebook và Amazon đã cùng nhau cam kết sẽ chi các khoản tiền khác nhau để gây quỹ nhằm giúp chính quyền xây dựng các căn hộ giá rẻ ở trong và xung quanh thành phố mà các công ty này hoạt động.

Theo Giang Ng

Cùng chuyên mục
XEM